Kế hoạch thẻ xanh Covid-19

Thứ bảy, 11/09/2021 08:04

Sau ngày 15.9, TP.HCM sẽ sử dụng thẻ xanh/thẻ vàng Covid làm công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát các thành phần dân cư trong quá trình “mở cửa” phục hồi kinh tế.

Chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19  /// NGỌC DƯƠNG

Chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 

NGỌC DƯƠNG

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ sử dụng thẻ xanh/thẻ vàng Covid (chứng nhận điện tử dưới dạng mã QR - QR code) làm công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát các thành phần dân cư trong quá trình mở cửa phục hồi kinh tế sau ngày 15.9. 
Thẻ xanh Covid và Thẻ vàng Covid sẽ có hình thức như thế nào?
Cơ sở an toàn dịch tễ để “mở cửa”
TP.HCM với khoảng 13 triệu dân, đầu mối giao thương quan trọng, đầu tàu kinh tế của cả nước khi thường xuyên đóng góp gần 1/3 ngân sách quốc gia. Trong đợt dịch thứ 4, các đợt giãn cách kéo dài suốt 3 tháng rưỡi qua (tính từ 31.5) đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, nhất là gần như “đóng băng” hoạt động thương mại - dịch vụ vốn chiếm khoảng 60% cơ cấu kinh tế của TP.HCM với hàng triệu lao động tham gia.

Giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid-19

NGỌC DƯƠNG

TP.HCM đang phải tìm cách “lách qua một khe cửa rất hẹp”, giữa một bên là dịch bệnh Covid-19 vẫn đang phức tạp (ngày 10.9 ghi nhận mới 7.539 ca; 195 ca tử vong - giảm sâu nhất trong hơn 1 tháng qua), và bên kia là sức sống của doanh nghiệp và sinh kế của người dân bị đe dọa. Trong bối cảnh đó, TP.HCM dồn sức cho 2 mặt trận lớn: tiếp tục tập trung kiểm soát dịch bệnh và khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch phục hồi kinh tế gắn liền trạng thái thích nghi an toàn về dịch tễ trong bối cảnh vẫn còn tồn tại dịch Covid-19.
Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, phân tích số ca nhập viện điều trị cho thấy số ca mắc mới, số ca nhập viện và xuất viện đều có xu hướng tăng. Mặc dù số ca F0 cần nhập viện vẫn còn cao hơn số ca xuất viện, tuy nhiên khoảng cách này đang được thu hẹp dần; nhất là tỷ lệ ca Covid-19 tử vong có xu hướng giảm rõ rệt; tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt khoảng 90% (mũi 1) và khoảng 15% (mũi 2).
Đáng chú ý, với hơn 7,3 triệu mũi vắc xin Covid-19 đã tiêm, có 811.703 lượt người có bệnh nền, người trên 65 tuổi được tiêm. TP.HCM đặt mục tiêu trong năm 2021 phủ sóng 100% vắc xin phòng Covid-19. Đây được xem là một trong những cơ sở an toàn về dịch tễ để TP.HCM tính toán “mở cửa” kinh tế từng bước, gắn liền trạng thái thích nghi an toàn với đại dịch.

Triển khai ứng dụng VNEID như thẻ thông hành

Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, nhằm thúc đẩy cho giải pháp “mở cửa” cả cung lẫn cầu để từng bước phục hồi sức sống của nền kinh tế, đảm bảo sinh kế cho người dân, TP.HCM sẽ tạo điều kiện cho người lao động ngoại tỉnh đã tiêm 2 mũi vắc xin về TP.HCM làm việc, hoặc người dân ngoại tỉnh vào khám chữa bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế. Đối với việc di chuyển trên địa bàn, Công an TP.HCM vừa cho phép những người được ra đường lưu thông từ 5 - 21 giờ 30 hằng ngày để có thời gian trở về nhà khi siêu thị đóng cửa (21 giờ), shipper hết giờ hoạt động, hoặc đến sớm hơn để xét nghiệm…
Ông Hà cho biết thời gian tới, TP.HCM tính đến phương án nới lỏng giãn cách xã hội, kiểm soát bằng thẻ xanh Covid hoặc thẻ vàng Covid (thay vì kiểm soát bằng giấy đi đường như hiện nay - PV). Vì vậy, Bộ Công an và Công an TP.HCM đã triển khai ứng dụng VNEID, hỗ trợ người dân khai báo y tế, di chuyển nội địa. Nếu cập nhật đầy đủ thông tin về tiêm chủng vắc xin, F0, thông tin đầy đủ giấy đi đường, thì ứng dụng VNEID sẽ giống như thẻ thông hành. Ông Hà cho biết Công an TP.HCM đã báo cáo Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế, các cơ quan liên quan cập nhật thông tin cần thiết lên ứng dụng VNEID để TP.HCM hướng dẫn cụ thể cho người dân và có phương án quản lý trong thời gian tới.
Liên thông thẻ xanh Covid
Chủ trương của Thành ủy, UBND TP.HCM phục hồi kinh tế gắn liền trạng thái thích nghi an toàn về dịch tễ trong bối cảnh vẫn còn tồn tại dịch Covid-19 được người dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đặc biệt kỳ vọng, trông đợi, bởi lẽ “giãn cách kéo dài đã bào mòn sức lực chịu đựng”.
Đáp ứng kỳ vọng đó, chiều 10.9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước (FDI) về kế hoạch phục hồi kinh tế giai đoạn sau ngày 15.9.
Ông Phan Văn Mãi khẳng định mục tiêu của TP.HCM phấn đấu đến 15.9 cơ bản kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng và phục hồi kinh tế, đưa TP.HCM về trạng thái “bình thường mới”. “Quan điểm về việc nới lỏng phục hồi kinh tế tại TP.HCM dựa trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt theo kết quả phòng chống dịch. Tiêu chí đánh giá an toàn dựa trên thẻ xanh, thẻ vàng Covid căn cứ vào kết quả tiêm vắc xin. Cùng với đó, TP.HCM cũng thực hiện nguyên tắc 5K và quy định của Chính phủ về an toàn theo ngành, theo hoạt động”, ông Mãi thông tin.

Kế hoạch thẻ xanh Covid-19 - ảnh 2

Theo ông Phan Văn Mãi, mức độ an toàn về dịch tễ là căn cứ nền tảng, nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt cho việc mở cửa an toàn từng bước tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân. Quyết định nới lỏng, thắt chặt hay giữ nguyên giãn cách xã hội sẽ dựa trên cơ sở dữ liệu thống kê dịch bệnh Covid-19 tại mỗi địa bàn quận, huyện.
Theo kế hoạch được thông tin tại hội nghị, TP.HCM sẽ sử dụng thẻ xanh/thẻ vàng Covid (chứng nhận điện tử dưới dạng mã QR - QR code) làm công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát các thành phần dân cư trong quá trình “mở cửa” phục hồi kinh tế sau ngày 15.9.

Điều kiện thẻ xanh/thẻ vàng Covid

Theo dự thảo của UBND TP.HCM, thẻ xanh Covid được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử thể hiện cá nhân đó đáp ứng một trong các điều kiện sau:
- Đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi (AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...): 14 ngày sau mũi thứ 2 và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ đối với một số môi trường làm việc.
- Đối với vắc xin chỉ cần tiêm 1 mũi (Johnson & Johnson’s Janssen...): 14 ngày sau khi tiêm và xét nghiệm kháng nguyên định kỳ đối với một số môi trường làm việc.
- Người nhiễm SARS-CoV-2 khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly, trong vòng 180 ngày tính từ khi khỏi bệnh.
- Người nhiễm SARS-CoV-2, tự làm xét nghiệm, tự cách ly sau đó khỏi bệnh thì phải xét nghiệm chứng minh có kháng thể.
Thẻ vàng Covid là những người đảm bảo điều kiện:
- Tiêm 1 mũi đối với vắc xin có yêu cầu 2 mũi (AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Sputnik V..) và đã qua 14 ngày.
- Có kết quả xét nghiệm định kỳ (3 ngày/lần) âm tính (có xác nhận theo hướng dẫn của Sở Y tế và được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử để cấp và gia hạn thẻ).
Theo đó, thẻ xanh Covid sẽ liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và TP.HCM (HCM LGSP): mã QR cá nhân, khai báo y tế điện tử (Bộ TT-TT, Bộ Y tế), tiêm chủng (Bộ Y tế), khai báo di chuyển nội địa (Bộ Công an), mã QR cho phương tiện vận tải (Bộ GTVT). Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của TP.HCM thành nền tảng ứng dụng thống nhất phục vụ quản lý hoạt động sản xuất an toàn.
Định hướng của TP.HCM là người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như: lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, tham gia làm việc tập trung; khai báo y tế, đăng ký tiêm vắc xin, xét nghiệm; “check-in” tại các địa điểm.
Tùy điều kiện dịch tễ, hiện trạng tiêm vắc xin và xét nghiệm của mỗi cá nhân, mã QR sẽ tự động hiển thị màu sắc tương ứng. Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh, thì sẽ được cấp mã số (qua tin nhắn điện thoại) hoặc được cơ quan nhà nước in mã QR ra thẻ.

Ưu tiên nới lỏng vùng xanh

Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, cho rằng việc nới lỏng giãn cách đối với TP.HCM trước mắt ưu tiên cho các vùng xanh, vùng an toàn, với các dịch vụ thiết yếu cho đời sống… Đặc biệt, vẫn cần có các biện pháp quản lý chặt vùng ngoài, tránh để vùng xanh thành vùng cam, vùng đỏ sau khi nới lỏng giãn cách. Theo ông Sơn, việc cấp thẻ xanh Covid với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, các F0 đã khỏi bệnh là cần thiết, bởi các trường hợp này đều đã có kháng thể, miễn dịch, để họ có thể tham gia làm việc phù hợp. Tuy nhiên, ông Sơn cũng đặc biệt lưu ý, nếu được cấp thẻ xanh thì các trường hợp này vẫn không được chủ quan. Các đối tượng được cấp thẻ cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế, theo yêu cầu của chính quyền.
Liên Châu

Theo Thanh Niên