"Kê tặc" hoành hành vùng nông thôn

Thứ sáu, 24/12/2021 08:09

Những tháng giữa năm 2021, khi dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng “tràn qua”, nhiều gia đình ở các xã Duy Thu, Duy Phú (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) lâm vào cảnh trắng tay vì hàng ngàn con trâu, bò, heo bị ngã bệnh chết hàng loạt. Để vớt vát phần nào, tạo thu nhập nhằm trang trải cuộc sống, nhất là việc sắm sửa khi Tết đến, Xuân về nhiều nhà đầu tư vốn nuôi gà, vịt. Thế nhưng, nhìn đàn gia cầm nhanh lớn bao nhiêu thì nỗi lo về nạn trộm gà hoành hành canh cánh bấy nhiêu.

Ông Nguyễn Hương (trú Thạnh Xuyên, xã Duy Thu), tâm sự: heo, bò bị chết vì dịch nên gia đình đầu tư nuôi hơn 100 con gà chờ xuất bán dịp Tết Âm lịch năm 2022, nhưng chỉ trong một đêm cuối tháng 11-2021, kẻ gian đã đột nhập bắt phân nửa đàn. Như vậy là năm nay gia đình sẽ không có… Tết. Không riêng gì gia đình ông Hương, nhiều gia đình khác ở Thạnh Xuyên và các thôn khác, như: Phú Đa 2 (Duy Thu), Mỹ Sơn, Bàn Sơn… (xã Duy Phú) cũng bị “kê tặc” viếng thăm. Gia đình ít cũng bị chúng cuỗm đi gần 10 con và có nhà đến hàng trăm con.

Theo nhiều người, vào thời điểm xảy ra nạn mất gà tiếng xe tải chạy từ hướng Duy Hòa lên nhưng ai cũng nghĩ đây là điều bình thường nên không theo dõi đến khi sáng ra mới phát hiện thì đã muộn. Bà N.T.H. (trú xã Duy Phú), kể: Sau khi bắt hơn 10 con gà của bà, kẻ trộm còn để lại mảnh giấy có nội dung: “Cám ơn chủ nhà, cho gửi lại mấy con còn nhỏ. Hẹn gặp lại”.

Trao đổi về sự việc, ông Nguyễn Công Vũ- Chủ tịch UBND xã Duy Thu, xác nhận: tình trạng trộm gà đã xảy ra tại địa phương trong thời gian gần đây. Hành vi của chúng khá táo tợn và manh động. Nhiều gia đình nuôi gà có chuồng, rào giậu cẩn thận vẫn bị mất trộm. Điều đó, chứng tỏ kẻ trộm thông thuộc địa hình của từng gia đình cũng như của địa phương nên khi thực hiện rất khó phát hiện. 

Theo chúng tôi, tình trạng trộm cắp vặt tài sản vẫn thường “nở rộ” vào những tháng cuối năm đã ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT cũng như kinh tế của nhiều gia đình tại các vùng nông thôn. Những đối tượng “ăn đêm” sử dụng các thủ đoạn, như: ban ngày đóng vai người mua cau hoặc các loại nông sản khác để thám thính, nắm rõ đường đi lối lại của từng gia đình và khi đêm đến lợi dụng sự sơ hở của người dân thực hiện hành vi lấy cắp tài sản. Những đối tượng này cũng sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi.

Theo tìm hiểu, không riêng gì các xã vùng Tây Duy Xuyên, trong thời gian gần đây tệ nạn trộm cắp gia cầm cùng các loại tài sản khác thường xuyên xảy ra ở nhiều địa phương, như: Điện Bàn, Đại Lộc… Đối tượng thực hiện hành vi trên đa số là những thanh thiếu niên hư hoặc đã sa chân vào các loại tệ nạn xã hội, không có công ăn việc làm ổn định và để có tiền mua ma túy, chơi game... những đối tượng trên không có con đường nào khác là phạm tội. 

Thực tế, với hành vi, thủ đoạn phạm tội không mới nhưng “kê tặc” đã gây nhiều khó khăn cho nhiều gia đình ở các vùng quê tại Quảng Nam. Do đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp đấu tranh và người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác để tệ nạn trên không còn cơ hội hoạt động.

M.T