“Kéo” trẻ khỏi thế giới bạo lực của game (Bài 1: “Sát thủ nhí” bước ra từ game)

Thứ hai, 13/09/2021 07:16

Thời gian gần đây, tại địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra nhiều vụ việc cố ý gây thương tích với tính chất nghiêm trọng, hoạt động theo nhóm và sử dụng vũ khí là dao phóng lợn, mã tấu. Điều khiến dư luận quan tâm nhất là đối tượng phạm tội ở độ tuổi rất trẻ, một phần bị tác động từ trò chơi điện tử có yếu tố bạo lực, dã man. Đây là hồi chuông cảnh báo về loại đối tượng tội phạm này.

H.M.T bị khống chế sau khi “nhập vai” sát thủ, cầm dao chém 2 người bị thương.

Từ nhân vật ảo trong game, những thanh thiếu niên tuổi mới lớn dễ dàng bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng bởi hành vi bạo lực, chém giết. Không chỉ nhập vai cả trong thế giới ảo, những “sát thủ” còn bị rơi vào trạng thái không phân định được thế giới ảo và thật. Lâu dần, người nghiện game mất kiểm soát hành vi, cảm xúc ở cuộc sống thật.
Gần đây, người dân Đà Nẵng không khỏi rúng động khi hay tin một thiếu niên 14 tuổi vô cớ vác dao chém 2 người bị thương. Mặc dù thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, nhưng khuya 30-8-2021, H.M.T. (2007, trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cầm theo dao và kéo ra khỏi nhà. Khi đã đi cách nhà chỉ 100m, T. bất ngờ lao vào tấn công anh P.N.N. (28 tuổi) đang ngồi trước nhà.Chị của anh N. là  P.T.H.N. (35 tuổi) chạy ra tri hô, can ngăn cũng bị T. đâm bị thương. Đối tượng sau đó bị lực lượng Công an khống chế, đưa về trụ sở làm việc. 

Khi được hỏi về nguyên nhân dùng dao tấn công người khác, T. lạnh lùng nói: “Em không cướp hay mâu thuẫn gì hết! Em thích thì em chém thôi”. Câu nói của thiếu niên mới 14 tuổi khiến người xem sởn gai ốc, thể hiện thói ngông cuồng của T. Qua làm việc với gia đình thì được biết, T. là học sinh giỏi nhưng thời gian gần đây lại mê game online bạo lực, có biểu hiện tâm lý không bình thường. Trước khi xảy ra vụ việc, gia đình phát hiện T. chơi một game bắn giết trong nghĩa địa, nên đã xóa game và cấm T. chơi.

Tra cứu lại thông tin trên trang tìm kiếm Google về các vụ án liên quan tới nghiện game trong giới trẻ, không khó để thống kê các vụ việc liên quan với nhiều mức độ, căn nguyên khác nhau. Mới đây, vào tháng 3-2021, Bùi Trọng Nghĩa (2005, trú Châu Đốc, An Giang) vì cầm cố xe máy để lấy tiền và “nướng” sạch vào game nên túng thiếu. Để có tiền chuộc xe và tiếp tục chơi game, Nghĩa đã lên kế hoạch dụ dỗ bạn game khác đến chỗ vắng rồi dùng dao đâm tử vong, cướp tài sản. 

Hoặc như vụ án mạng làm bé trai 5 tuổi tử vong tại huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) xảy ra năm 2020, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Thủ phạm là Đ.N.H. (17 tuổi) trú địa phương. Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng cũng xuất phát từ chứng nghiện game của H. Do thường chơi các game cảm giác mạnh như bắt cóc, trinh thám, H. nghĩ ra kịch bản bắt cóc bé trai 5 tuổi và sẽ đóng vai “người hùng” khi giả vờ tìm thấy, giải cứu. Tuy nhiên, mọi chuyện không như dự tính, sau 2 ngày bị bắt cóc và nhốt ở nhà hoang, lúc tìm thấy thì cháu bé đã chết thương tâm. 

Ngoài ra, còn có rất nhiều trường hợp thanh niên bị đột tử do kiệt sức, suy nhược cơ thể vì chơi game kéo dài, liên tục. Chứng nghiện game được Tổ chức Y tế thế giới WHO xếp vào một dạng rối loạn tâm thần. Theo nghiên cứu, khi nghiện game, con người có thể mắc các chứng trầm cảm, dễ bị kích động, cảm giác có tội lỗi vì không kiểm soát được hành vi chơi game của mình. Về mặt tinh thần, nghiện game dễ bị rối loạn tâm sinh lí, một phần do hưng phấn hoặc tiêu cực quá mức khi chơi game. Phần khác do bị ảnh hưởng bởi tính cách của các nhân vật trong game nên dễ dẫn đến các hành vi sai trái, bạo lực.

Chơi game không phải là xấu, vấn đề là cách chơi như thế nào cho đúng. Khi phát hiện con cái mình nghiện game, phụ huynh cần bình tĩnh để xử lý, có phương pháp phù hợp để tránh tác dụng ngược.  

(còn nữa) MAI VINH