Kết quả khai quật tàu cổ đắm vùng biển Dung Quất
Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi về kết quả phối hợp khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất (thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, H. Bình Sơn).
Theo đó, về dấu tích tàu cổ: tại vị trí sát mép cầu cảng, quá trình khai quật đã trục vớt được những di vật của xác tàu như: thanh đà mũi tàu, các mảnh gỗ tàu, đầu dòng dọc kéo neo, những chiếc đinh sắt đóng tàu, khóa đồng, đai thùng hàng cùng nhiều mảnh vỡ của các loại chum, chĩnh có kích thước lớn được dùng để chứa nước ngọt cho thủy thủ trên tàu. Về hàng hóa trên tàu cổ: Hàng hóa là đồ gốm sứ có nguồn gốc Trung Quốc. Số lượng thu được khoảng gần 10.000 tiêu bản, hiện vật còn nguyên ít, đa phần trong tình trạng vỡ mảnh. Có một số tiêu bản tìm được nhiều mảnh vỡ, có thể gắn chắp, phục dựng nguyên dáng. Về nguồn gốc, niên đại của hàng hóa trên tàu: Nghiên cứu các mác hiệu chỉ niên đại trong sưu tập đồ sứ thu được, ta thấy có 6 niên hiệu thời Minh (Trung Quốc), gồm Tuyên Đức (1426-1435); Thành Hóa (1465-1487); Chính Đức (1506-1521); Gia Tĩnh (1522-1566); Long Khánh (1567-1572) và Vạn Lịch (1573-1620).
Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, kết quả khai quật có ý nghĩa và giá trị khoa học cao, góp phần bổ sung tư liệu và nhận thức mới về lịch sử gốm sứ và lịch sử giao thương trên vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, do mặt bằng di tích thay đổi bởi việc xây dựng cầu cảng, diện tích khai quật thu hẹp, nên việc trục vớt xác tàu và hiện vật không đạt được kết quả như mong đợi.
Q.N