Khắc phục sớm nhất vướng mắc về cơ chế, thủ tục, không để ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tê - xã hội
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, đến nay công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện đúng hướng, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các đại biểu cũng nêu một số khó khăn, hạn chế như một số nơi chưa quyết liệt trong phòng, chống dịch; công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch chưa đồng đều, chưa nhất quán; chưa có sự vào cuộc của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa nhịp nhàng, đồng bộ...; có tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng…
Các đại biểu nhận định tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán; miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Bên cạnh đó, virus SAR-CoV-2 liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế...
Kết luận phiên họp, bên cạnh khẳng định kết quả phòng, chống dịch thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Trong khi đó, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, đồng thời một số dịch bệnh vẫn đang lưu hành, xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để dịch chồng dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng chống dịch, nhất là thúc đẩy việc tiêm vaccine.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Phải khắc phục khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục trong thời gian ngắn nhất, rút ra bài học kinh nghiệm và quyết tâm làm bằng được. Các quy định không thể bao phủ hết góc cạnh cuộc sống, trong khi thực tế có những diễn biến nhanh, khó lường, chưa có tiền lệ, nên các bộ, ngành, địa phương phải bám sát thực tiễn, cập nhật tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, tránh tình trạng phản ứng không kịp làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và các hoạt động kinh tế- xã hội.
Liên quan đến tình hình dịch COVID- 19, chiều 6-11, Bộ Y tế cho biết, trong ngày cả nước ghi nhận 241 ca mắc COVID-19 mới, thấp nhất trong 2 tuần qua; có 1 bệnh nhân tại Tây Ninh tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.505.849 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.275 ca mắc).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 72 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.604.663 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 54 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 40 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 9 ca.
Trong ngày ghi nhận 1 ca tử vong tại Tây Ninh.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.166 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca mắc.
Về vaccine, trong ngày 5-11 có 16.097 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 262.297.376 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 222.014.186 liều: Mũi 1 là 71.074.599 liều; Mũi 2 là 68.669.167 liều; Mũi bổ sung là 14.502.146 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.294.232 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 16.474.042 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.510.495 liều: Mũi 1 là 9.118.054 liều; Mũi 2 là 8.904.216 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.488.225 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.772.695 liều: Mũi 1 là 9.875.573 liều; Mũi 2 là 6.897.122 liều.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện nay, tại Việt Nam đang tiến hành 7 nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vaccine phòng COVID-19, trong đó 1/7 nghiên cứu đã hoàn thành và đang hoàn thiện báo cáo, 6/7 nghiên cứu đang trong thời gian triển khai.
VGP