Khai mạc kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX: Kinh tế tăng trưởng khá nhưng đời sống xã hội còn nhiều bức xúc

Thứ năm, 06/07/2017 08:03

(Cadn.com.vn) - Ngày 5-7, kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 49/49 đại biểu HĐND TP. Trong phiên khai mạc, nhiều vấn đề nóng, bức xúc, được dư luận quan tâm trong thời gian qua đã được đề cập như: quy hoạch đô thị, môi trường, quản lý xây dựng và chung cư.

Ông Nguyễn Xuân Anh phát biểu khai mạc kỳ họp.

KINH TẾ XÃ HỘI VÀ SẢN XUẤT KINH DOANH TĂNG TRƯỞNG KHÁ

Theo Báo cáo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đặng Việt Dũng, so với cùng kỳ năm trước, 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn ước tăng 8,1%;  giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, thủy sản- nông - lâm, dịch vụ tăng từ 3,55 đến 11,9%. Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt hơn 3,2 triệu lượt, đạt hơn 51% kế hoạch và tăng hơn 33%, trong đó khách quốc tế tăng hơn 72%. Tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch và tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt trên 51%, tăng từ 17% đến 35%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 11,3%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 11.510 tỷ đồng, đạt 55% kế hoạch; hơn 17.800 lao động được giải quyết việc làm, đạt 55% kế hoạch.  6 tháng đầu năm, đã có 36 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 32 triệu USD được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, tăng 20% về dự án và tăng 269% về vốn.

Từ đầu năm, thành phố đã tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm như: khu Công nghệ cao, khớp nối hạ tầng thiết yếu, hệ thống xử lý nước thải, ngập úng, hệ thống camera giám sát an ninh,  Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng,  hoàn thành công tác giải tỏa, bàn giao mặt bằng các đường nhánh tại nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Quốc lộ 14B.

Cũng theo ông Đặng Việt Dũng, thành phố tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, theo dõi tiến độ và đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu tập trung hoàn thành các công trình đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và các công trình thuộc nguồn vốn tư nhân theo đúng kế hoạch, tiến độ. Việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo cảnh quan một số tuyến đường chính của thành phố và các tuyến đường đi qua các địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được triển khai thực hiện, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn, nhà ga hành khách quốc tế Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Công tác cải cách hành chính được chú trọng, thành phố tiếp tục dẫn đầu cả nước năm thứ 4 về chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính và năm thứ 8 liên tiếp đứng đầu về chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng CNTT, truyền thông. Tình hình ANCT, TTATXH được giữ vững, TNGT giảm cả 3 tiêu chí.

Ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp dành phần lớn thời gian để thảo luận tại hội trường.

QUY HOẠCH SƠN TRÀ PHẢI NHÂN VĂN, DÂN CHỦ VÀ CẦU THỊ

Đề cập đến công tác quản lý và khai thác tài nguyên, bà Phan Thị Thúy Linh – Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách  đề nghị thành phố tăng cường công tác quản lý và tái tạo rừng đồng thời rà soát và có biện pháp xử lý thỏa đáng các dự án đã cấp phép liên quan đến rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và giảm diện tích xây dựng các công trình và đề nghị bổ sung quy định ký quỹ phục hồi và tái tạo rừng, nhất là các khu rừng xung yếu như: Sơn Trà, Hòa Phú, Bà Nà, Hải Vân.

Bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho rằng, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch, bảo tồn và phát triển tại bán đảo Sơn Trà, cụ thể là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cử tri và nhân dân mong muốn chính quyền thành phố có chiến lược đầu tư phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà một cách bền vững, phát triển phải đi đôi với bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn các loài động vật quý hiếm và bảo đảm QP-AN. Ủy ban MTTQ thành phố đồng tình với quan điểm xác định bán đảo Sơn Trà là lá phổi xanh, là tài sản vô giá của Đà Nẵng, có vị trí đặc biệt quan trọng về QP-AN, bảo tồn thiên nhiên và tiềm năng du lịch. “Mọi tác động lên bán đảo Sơn Trà đều phải được nghiên cứu trên cơ sở khoa học và đặc biệt chú trọng yếu tố nhân văn, đồng thời bảo đảm tính công khai, dân chủ và cầu thị. Việc quy hoạch, phát triển tại bán đảo Sơn Trà phải theo hướng bền vững, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”, bà Liên nhấn mạnh đồng thời đề nghị chính quyền thành phố khẩn trương rà soát lại tất cả các dự án đã được cấp phép tại bán đảo Sơn Trà theo hướng phải đáp ứng cả ba yêu cầu: phát triển kinh tế du lịch, bảo đảm quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái.

Đại biểu Trần Công Thành cho rằng bảo vệ Sơn Trà là rất quan trọng nhưng không nên quá cực đoan. Nếu chỉ để thô sơ thì rất lãng phí vì Sơn Trà có nhiều giá trị để phát triển kinh tế. “Tuy nhiên, để khai thác hài hòa thì Đà Nẵng phải ưu tiên rà soát tính toán một cách hợp lý, ưu tiên đảm bảo quốc phòng an ninh, nhiệm vụ phòng thủ và giữ gìn môi trường, tránh sự xâm hại không đáng có để vừa phát triển, vừa bảo tồn”, đại biểu Thành trình bày quan điểm.

Quy hoạch Sơn Trà (ảnh) thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tại kỳ họp. 
    Ảnh: HẢI SƠN TRÀ

QUY HOẠCH ĐÔ THỊ CÒN BẤT CẬP

Ông Tô Văn Hùng cho biết từ đầu năm đến nay TP đã phê duyệt 130 đồ án quy hoạch xây dựng với tổng diện tích 335,9ha. Ngoài ra, TP đã thẩm định 115 hồ sơ thiết kế; tổ chức kiểm tra 118 công trình xây dựng trên địa bàn, phát hiện 39 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng. Công tác kiểm tra, giám sát đã rất nỗ lực trong điều kiện năng lực thực hiện nhìn chung còn nhiều hạn chế.

Theo ông Hùng, kết quả kiểm tra cho thấy quy hoạch đất dành cho phát triển công viên cây xanh, văn hóa, y tế, hệ thống giao thông tĩnh vẫn chưa được bổ sung và đầu tư xây dựng kịp thời. Vẫn còn tình trạng chuyển đổi đất thương mại dịch vụ, đất cây xanh sang đất ở trong khi đất ở đô thị đã vượt so với kế hoạch đề ra. Ngoài việc kiểm tra, phối hợp giám sát hoạt động xây dựng của các cấp, ngành, địa phương chưa chặt chẽ và thường xuyên thì năng lực thanh tra trong lĩnh vực xây dựng lại vừa thiếu, yếu nên chậm trễ trong phát hiện sai phạm. Nhiều trường hợp xử lý vi phạm chưa đúng, chưa nghiêm, dẫn đến sai phạm kéo dài, làm phức tạp tình hình quản lý hoạt động xây dựng trong thời gian vừa qua. “Bên cạnh đó cũng có không ít chủ đầu tư lợi dụng cơ chế chính sách trong thủ tục cấp phép, đã cố tình xây dựng khi chưa có phép hoặc có phép nhưng xây dựng không đúng nội dung được cấp phép, không tuân thủ các quy định của pháp luật, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và trật tự xã hội”, ông Hùng cho biết thêm.

Đại biểu Nguyễn Thành Tiến cho rằng thành phố đã có quy định phân cấp, phân quyền quản lý đô thị đã có quy định nhưng thời gian qua đang có xu hướng “đẩy quyền lên trên”. Vừa rồi ở Liên Chiểu có vị trưởng phòng của quận phát biểu không biết về quy hoạch khu dân cư tại địa phương, có vị trưởng phòng ở Sơn Trà trả lời là không biết gì về quy định tách thửa. Bên cạnh đó, các ngành có tình trạng mãi miết làm quy hoạch của ngành mình mà không quan tâm đến công tác phối hợp liên ngành. “UBND thành phố đã có quy định phối hợp xử lý vi phạm trật tự đô thị, xây dựng trái phép, không phép nhưng từ đầu năm đến nay tình trạng này diễn biến phức tạp. Việc phối hợp xử lý vẫn chưa thực sự hiệu quả, đôi lúc chưa thực sự quyết liệt nên chưa đủ sức răn đe”, ông Tiến trao đổi.

Đại biểu thảo luận tại kỳ họp.

CẦN CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG “BAO CẤP” CHUNG CƯ

Theo  kết quả giám sát chuyên đề về công tác xây dựng, bố trí, quản lý và sử dụng chung cư trên địa bàn thành phố, Ban Đô thị cho biết, tính đến thời điểm tháng 3 năm 2017, tổng số căn hộ chung cư, nhà liền kề đã đưa vào sử dụng bố trí cho thuê trên địa bàn thành phố là 9.764 căn, đã giao cho Cty Quản lý nhà chung cư quản lý 9.216 căn. Ngoài ra, có 440 căn thuộc Khu chung cư 11 tầng Khu dân cư Phong Bắc đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí cho thuê và 108 căn thuộc chung cư 201 Đống Đa bố trí cho các đối tượng thuộc diện tái định cư dự án Trung tâm thương mại Chợ Cồn.

Trong 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, thay đổi căn bản diện mạo đô thị đi đôi với phát triển cơ sở hạ tầng, cùng với những chính sách mang tính nhân văn về an sinh xã hội, nhất là mục tiêu “có nhà ở” trong Chương trình xây dựng “Thành phố 3 có”. Với tổng kinh phí đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, thành phố đã tạo ra quỹ nhà ở xã hội khá lớn với hơn 10.000 căn hộ. Tuy nhiên, chất lượng các khu chung cư vẫn còn là  một bài toán đối với Đà Nẵng. Phần lớn các khu chung cư, nhà ở xã hội có mật độ xây dựng khá cao, thiếu không gian xanh, không đảm bảo các công trình dịch vụ công cộng theo quy chuẩn. Một số khu chung cư hiện nay có dấu hiệu hư hỏng một số bộ phận chịu lực (cột, dầm, sàn). Nhìn chung, giải pháp kiến trúc các đơn nguyên chưa đáp ứng các tiện ích cơ bản nên chất lượng sử dụng căn hộ chưa tốt, chất lượng thi công chưa đảm bảo nên công trình nhanh xuống cấp, một số khu chung cư mới được xây dựng trong thời gian gần đây nhưng đã có dấu hiệu hư hỏng. Bên cạnh đó, công tác duy tu bảo dưỡng là một trong những tồn tại lớn hiện nay, người dân rất bức xúc.

Qua số liệu thống kê cho thấy phần lớn căn hộ chung cư, nhà ở xã hội chủ yếu tập trung giải quyết cho các hộ giải tỏa đền bù, triển khai thực hiện các dự án (chiếm 45,4%). Việc bố trí cho đối tượng này phần lớn không có hợp đồng, các hộ dân không có nghĩa vụ tài chính nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, xảy ra tình trạng chuyển nhượng sai quy định. Đối với các trường hợp cho thuê khác, tuy Hội đồng xét duyệt chung cư làm việc theo đúng quy trình, quy định nhưng chưa có sự điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay. Vẫn tồn tại tình trạng chây ì không ký hợp đồng thuê nhà, nợ tiền thuê nhà kéo dài, sử dụng hệ thống thang máy, điện, nước sai quy định, lãng phí... Đặc biệt, tồn tại tình trạng các hộ dân thuộc diện giải tỏa được cấp căn hộ chung cư không chịu ký hợp đồng, không nộp tiền thuê nhà và có 150 trường hợp hộ giải tỏa ở không chính chủ (các hộ này đã cho  thuê lại).

“Thành phố cần rà soát chính sách an sinh xã hội nhằm tạo điều kiện hỗ trợ thiết thực các đối tượng xã hội đảm bảo công bằng, tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống dịch vụ; Đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần xã hội hóa, người dân năng cao khả năng tự bảo đảm các điều kiện sống, tránh tình trạng “bao cấp” dẫn đến những mặt trái như: tâm lý ỷ lại, chây ì, thiếu ý chí vươn lên trong cuộc sống”, ông Tô Văn Hùng kiến nghị.

Đại biểu Lê Thị Thanh Minh trao đổi, hiện tượng một số khu chung cư xuống cấp trầm trọng gây bức xúc cho nhân dân. Số liệu thống kê mới nhất là chất lượng trung bình và kém chiếm đến hơn 50% thì trong thời gian qua. “Thành phố đã tìm ra nguyên nhân là ở khâu thiết kế, thi công hay khâu giám sát? Đã truy cứu trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan chưa? Chúng ta cần nhanh chóng, nghiêm túc trong việc rà soát quá trình thực hiện để quy trách nhiệm cụ thể, tránh tình trạng đổ qua đổ lại giữa các đơn vị mà người dân lại phải chịu thiệt thòi”, bà Minh nói. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà trong phần thảo luận của mình đã thông tin: “Trong khi xem trực tiếp kỳ họp, bà con P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà đã nhắn tin cho đại biểu cần phải phản ánh vấn đề này và yêu cầu có câu trả lời thỏa đáng. Bên cạnh đó, cử tri cũng gửi gắm những bức xúc khi mua căn hộ ở gần cả chục năm rồi nhưng vẫn chưa có sổ”.

Hầu hết ý kiến của các đại biểu đề xuất thành phố lập và lưu trữ hồ sơ về nhà ở theo đúng quy định song song với việc tiến hành tổng kiểm tra việc sử dụng chung cư trên địa bàn thành phố qua đó thực hiện các biện pháp cụ thể để xử lý từ gốc. Đó là thu hồi các trường hợp được cấp nhà chung cư nhưng không ở, đã có nhà ở riêng, vi phạm các quy định như tự ý cho thuê lại, cho ở nhờ, chuyển nhượng trái phép. Cạnh đó, thành phố cần sớm có kế hoạch sớm thu hồi các đối tượng mượn nhà, thực hiện đúng các quy định chung về bố trí, sử dụng chung cư nhà ở xã hội.

KIM THANH – CÔNG KHANH