Khai thác đất đồi làm ảnh hưởng đến mộ tại khu Nghĩa Trủng Gò Đồ núi Phước Tường

Thứ sáu, 08/05/2015 11:31

(Cadn.com.vn) - 8 giờ ngày 4-5, UBND P.Hòa Phát (Q.Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) tiếp nhận đơn kiến nghị của Hội đồng chư phái tộc làng Nghi An về việc khai thác đất tại khu vực Cụm kho CK55 thuộc quản lý QK5 làm ảnh hưởng đến mộ âm linh khu Nghĩa Trủng Gò Đồ núi Phước Tường. Chiều 5-5, ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ cùng lãnh đạo CAQ Cẩm Lệ, đại diện Phòng xử lý nhanh đường dây nóng HĐND TP Đà Nẵng và chính quyền P.Hòa Phát đến hiện trường kiểm tra, xác định phản ánh của người dân là có cơ sở.

Ông Ngô Đằng (83 tuổi), Chủ tịch Hội đồng chư phái tộc làng Nghi An (P.Hòa Phát), người đầu tiên phát hiện ra thông tin mồ mả bị xâm phạm cho biết: Mộ âm linh làng Nghi An có khoảng 1.000 ngôi mộ đất nằm tại khu vực Hố Kè và Gò Đồ - nay thuộc khu vực Cụm kho CK55. Đây là những ngôi mộ vô chủ, trong đó hầu hết là những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong giai đoạn chống thực dân Pháp xâm lược.

Theo các vị cao niên trong làng kể lại, những ngôi mộ này là của các chiến sĩ bộ đội thuộc Trung đoàn 96 đã anh dũng hy sinh trong mặt trận tại cầu Bà Điếc (làng Nghi An) và nghĩa binh tướng Nguyễn Tri Phương hy sinh khi quân Pháp tấn công thành Thái Phiên. Khi Pháp xây dựng sân bay Đà Nẵng dân làng Nghi An đã chuyển mộ về đây an táng. Dưới chế độ Ngô Đình Diệm, dân làng Nghi An hằng năm đều tổ chức tu tảo phần mộ và cúng âm linh. Đến thời kỳ Nguyễn Văn Thiệu, khu vực này được xây bao làm kho chứa đạn, không cho dân lui tới. Sau giải phóng, bộ đội tiếp quản xây dựng Cụm kho CK55 cho đến nay.

Hằng năm, dân làng Nghi An cúng âm linh vào ngày 16  tháng Chạp. Thỉnh thoảng có xin giấy giới thiệu của chính quyền để dân làng vào tảo mộ, thắp hương. Đầu tháng 5-2015, ông Đằng nghe thông tin, có một lái xe khai thác đất ở khu vực này trong lúc ăn sáng có kể chuyện múc đất phát hiện phần mộ, trong đó có mộ một cô gái và mang đi chỗ khác chôn. Nghi ngờ có chuyện chẳng lành với khu mộ âm linh, ông Đằng đến P.Hòa Phát trình báo và sự việc mới được phát hiện.

Phát lộ các ngôi mộ dưới lớp đất 1,5m.

Chiều 6-5, có mặt cùng đoàn công tác do đồng chí Hồ Kỳ Minh, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ kiểm tra thực tế tại hiện trường, chúng tôi phát hiện một khoảnh đất rộng hàng trăm mét vuông được xác định trước đây người dân chôn mồ mả đã bị  thi công xúc đi, sâu hoắm. Tại khu vực gần sát miếu âm linh đã hư hỏng, hầu hết các ngôi mộ đều bị san bằng, không còn nấm, cây cối phủ um tùm. Cách mặt đất khoảng 1,5m, nơi bị đào đất mang đi lộ ra vệt cát trắng của 8 ngôi mộ nằm cách nhau khoảng 3m hiện rõ trong nền đất sét.

Trao đổi với chúng tôi tại hiện trường, ông Nguyễn Lư (87 tuổi, trú tổ 14C, P. Hòa Phát) xác nhận có 6 ngôi mộ của người thân nằm trong khu vực này đã bị xúc chở đi. Ông kể: “Các ngôi mộ của gia đình gồm ông nội chú, 2 người cô, 1 em ruột, 1 em con chú ruột và 1 người cháu được di dời về chôn từ năm 1954. Đến năm 1962, chế độ ngụy xây dựng căn cứ quân sự không cho dân vô chăm sóc. Năm 1975 giải phóng thì dễ vô hơn nhưng chỉ thăm chứ không được tôn tạo, hương khói vì nơi này có rất nhiều vật liệu nổ. Gần đây nhất là tháng 2-2014, tôi vào thăm mộ vẫn còn nhưng đến nay quay lại thì tất cả đã biến mất”.

Ông Hồ Kỳ Minh, Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ kiểm tra thực tế tại hiện trường.

Trong một diễn biến mới nhất, sáng 7-5, Chủ tịch UBND Q.Cẩm Lệ Lê Văn Sơn có Báo cáo số 80/BC-UBND gửi Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Bộ Tư lệnh QK5, BCH Quân sự thành phố, Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố, các sở Tài nguyên Môi trường và Sở Lao động Thương Binh và Xã hội để phản ánh về sự việc này. Báo cáo nêu rõ: “Sau khi nhận được thông tin của nhân dân phản ánh về việc khai thác đất đồi làm ảnh hưởng đến mộ chí thuộc khu vực Nghĩa Trủng Gò Đồ, UBND Q.Cẩm Lệ đã kiểm tra và làm việc tại hiện trường.

Theo phản ảnh của các vị cao niên  làng Nghi An, đồng thời đối chiếu tài liệu lịch sử đấu tranh cách mạng xã Hòa Phát thời kỳ 1930-1975, do Đảng bộ Hòa Phát biên soạn tháng 3-2006 thể hiện, Nghĩa Trủng Nghi An có đến 2.000 ngôi mộ, ở xứ đất Gò Đồ (thường gọi là Kho Đạn). Ngoài ra, nơi đây còn có mộ của các chiến sĩ Trung đoàn 96 tham gia đánh Pháp hy sinh được nhân dân địa phương quy tập chôn cất và một số mộ của các hộ dân ở tại địa phương. Qua kiểm tra, hiện trạng khu vực Nghĩa Trủng đã bị Cty TNHH Tiến Thanh khai thác đất đồi, đào múc vận chuyển đi hẳn khoảng 400 ngôi mộ (theo phản ánh của các vị cao niên). Hiện nay, tại khu vực đang khai thác phát lộ 8 ngôi mộ. Quận đã yêu cầu Cty tạm dừng khai thác để chờ xử lý”.

Ông Nguyễn Lư kể chuyện 6 ngôi mộ người thân bị biến mất.

Nhằm không làm ảnh hưởng và xâm phạm mồ mả tại khu vực Nghĩa Trủng, UBND Q.Cẩm Lệ đề nghị UBND TP Đà Nẵng có ý kiến với Bộ Tư lệnh QK5 yêu cầu đơn vị đang khai thác đất đồi tại khu vực này tạm dừng việc khai thác và giữ nguyên hiện trạng. Yêu cầu Cty TNHH Tiến Thanh khẩn trương xây dựng kè để chống sạt lở. Đề nghị Bộ Tư lệnh QK5 tiến hành rà phá bom mìn để quận tổ chức phát quang, xác định ranh giới các mộ chí còn lại của Nghĩa Trủng, đồng thời tạo điều kiện cho UBND P.Hòa Phát tổ chức việc bốc và quy tập 8 ngôi mộ đã bị phát lộ trong thời gian sớm nhất.

Bài, ảnh: Nguyên Thảo