Khai thác nguồn tài nguyên phát triển du lịch bền vững
Đặc biệt, với Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê trung du xứ Quảng” được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 với số vốn đầu tư lên đến hơn 300 tỷ đồng, làng cổ Lộc Yên được kỳ vọng sẽ thu hút đông đảo du khách nhờ giữ nguyên được cốt cách, bản sắc làng quê truyền thống của mình. Đây chính là điểm độc đáo để làng cổ Lộc Yên trở thành điểm đến thu hút lượng lớn khách tham quan trong nước và quốc tế.
Ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước chia sẻ: Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê trung du” đang dược thực hiện. Theo đó, làng cổ Lộc Yên đang được xây dựng các sản phẩm du lịch làng quê, du lịch xanh gắn với các sản phẩm OCOP, không gian văn hóa thuần Việt. Chúng tôi sẽ lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình phát triển du lịch, nông thôn mới và các chương trình khác. Hy vọng rằng làng cổ Lộc Yên sẽ là một điểm nhấn, có sức thu hút đối với các hãng lữ hành, các công ty du lịch".
Chất lượng sản phẩm du lịch là yếu tố quan trọng để thu hút du khách, nhất là trong bối cảnh hoạt động du lịch đang khôi phục sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Để làm được điều này, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chương trình hành động nhằm cụ thể hóa việc bảo vệ môi trường rừng, môi trường sinh thái biển đảo, bản sắc văn hóa của đồng bào gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Mặt khác, để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng trải nghiệm cho khách tham quan, ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao khả năng tương tác, góp phần phát huy giá trị di tích và thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế là hướng đi mới đang được Quảng Nam hướng đến.
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết: Cuối tháng 10 vừa qua, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã đưa Website thực tế ảo chi tiết cho Di sản vào hoạt động phục vụ du khách. Việc đưa Website thực tế ảo VR360 chi tiết cho Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào hoạt động nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng trải nghiệm cho khách tham quan Di sản, giúp ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thực hiện công tác quảng bá đến du khách trong và ngoài nước.
“Trong năm 2022, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn sẽ hoàn thiện nâng cấp giao diện, cập nhật tính năng mới, tạo không gian triển lãm cho bảo tàng trên Metaverse để người xem có thể tham quan từ xa, nâng cao khả năng tương tác, góp phần phát huy giá trị di tích và thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế”, ông Phan Hộ chia sẻ.
Chia sẻ với những hoạch định của Quảng Nam trong chiến lược tái thiết ngành Du lịch sau đại dịch COVID-19, bà Fernanda Rodak, đến từ Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương phân tích: Du lịch trên toàn cầu đã bắt đầu khôi phục và phát triển sau đại dịch COVID-19 sẽ có tác động mạnh đến sự phục hồi của du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự nỗ phục hồi của du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ mang lại kết quả khả quan bởi có sự vào cuộc đầy quyết tâm của các cơ quan hữu quan. Quảng Nam có thế mạnh với hai Di sản thế giới và tiềm năng du lịch. Các yếu tố có về môi trường, trầm tích văn hóa, lịch sử được khai thác bền vững sẽ là nguồn tài nguyên quý giá để phục hồi ngành du lịch.
Dòng khách chất lượng cao đến Quảng Nam trong những năm qua là khách châu Âu và Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc thích trải nghiệm, thích khám phá những điều mới lạ, hòa lẫn với thiên nhiên, với con người. Nắm bắt xu thế này, Quảng Nam đang nâng cấp các loại hình dịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá biển đảo. Mặt khác, để đảm bảo tính bền vững của du lịch, tỉnh Quảng Nam còn cần phải tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ du lịch và sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Năm Du lịch Quốc gia 2022 được Chính phủ đồng ý chọn Quảng Nam là địa phương đăng cai với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” đã sắp sửa khép lại. Với sự thành công của một loạt sự kiện mang tầm quốc gia, Quảng Nam sẽ tiếp tục giới hiệu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mới lạ đến với bạn bè, du khách gần xa. Mặt khác, Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển mạnh mẽ du lịch sau đại dịch COVID-19.
Đoàn Hữu Trung