Khai thác trái phép đất sét - những hiểm họa khôn lường

Thứ ba, 23/02/2016 09:21

Múc trộm đất gạch

(Cadn.com.vn) - Sáng 20-2, thấy chúng tôi đang săm soi thửa đất vừa bị đào xới nham nhở nằm trong vệt dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (đoạn qua các thôn La Bông - Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), một ông trung niên chạy xe máy đến tiếp cận: "Các anh tìm mua đất gạch hả?". Biết mình may mắn gặp được "cò", chúng tôi liền đóng vai người đi mua đất sét về nhập cho các lò gạch. Không rào đón, ông đi thẳng vào vấn đề: "Đất ruộng trong khu vực này đã được Ban Quản lý dự án đền bù, nên người dân không sản xuất nữa, các anh muốn mua, tôi liên hệ giúp cho".

Rồi ông chỉ tay vào thửa ruộng trước mặt, nói: "Thửa đất này mới múc được 3 đêm". Nghe vậy, chúng tôi vặn lại: "Sao phải múc đêm?". Ông phân trần: "Múc không phép thì ai dám múc ban ngày, làm vậy để mọi người biết à". Thấy chúng tôi ngơ ngác, không còn mặn mà với câu chuyện mua đất gạch nữa, người đàn ông liền bỏ đi... Nhìn qua thửa đất gần đó, thấy 2 thanh niên đang thả lưới đánh cá, chúng tôi bắt chuyện: "Mực nước có sâu không mà các anh phải chèo thuyền nan?". Người cầm lưới bông đùa: "Chẳng biết sâu đến độ nào nhưng trâu bò rơi xuống chắc không còn đường lên".

Chứng kiến cuộc trò chuyện, lão nông Sáu Hơn (trú La Bông) ngán ngẩm cho biết, khi dự án đường cao tốc đi qua địa phương, người nông dân nơi đây đã thấy lo, ngoài việc ruộng lúa bị thu hẹp, không còn đồng đất chăn dắt trâu bò thì còn vô số hang hục ngập đầy nước không được rào chắn nên thường xuyên đe dọa đến tính mạng con người. Không những làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sinh thái mà tình trạng khai thác, vận chuyển đất đã làm một số hệ thống đường giao thông nông thôn, kênh tưới tiêu bị xuống cấp nặng nề.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các thửa đất đã và đang bị "đục khoét" trước đây là vùng sản xuất lúa màu mỡ của xã Hòa Tiến. Thế nhưng, kể từ khi khu đất này được quy hoạch thành vệt Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các doanh nghiệp (DN) trúng thầu đã lợi dụng việc thi công, san lấp mặt bằng để khai thác trái phép nguồn đất sét. Với lý do phải bóc lớp đất hữu cơ đem đến đổ tại các bãi chứa thải, các DN đã qua mặt cơ quan chức năng, ngang nhiên tiến hành khai thác đất rồi đem bán cho các nhà máy gạch và biến những thửa ruộng màu mỡ này trở thành các mảng đất nham nhở. Chỉ đến khi người dân địa phương bức xúc ngăn chặn thì việc khai thác đất gạch mới được chính quyền các cấp vào cuộc. Ông Bảy Xê (trú Lệ Sơn 2) đề nghị: Bây giờ, người dân chỉ mong hoàn thổ các "hố bom" đó, chứ để vậy nguy hiểm quá! Lũ nhỏ mỗi lần tan học ra đồng phụ giúp gia đình thả trâu mà các bậc cha mẹ cứ lo ngay ngáy".

Các thửa đất đã được dự án đường cao tốc đền bù đang bị múc trộm.

"Đánh lận con đen"

Còn nhớ, tối 6-10-2015, khi được UBND xã Hòa Phong mời dự Diễn đàn "CAX lắng nghe ý kiến nhân dân" tổ chức ở thôn Cẩm Toại Tây, chúng tôi thật bất ngờ bởi ngoài việc đóng góp xây dựng lực lượng CAX, người dân còn bức xúc phản ánh: "Họ đang nóng lòng xem các ao nuôi cá ở Bàu Tràm nơi đây định hình như thế nào?". Theo người dân Cẩm Toại Tây, Bàu Tràm trước đây là vũng đầm sình lầy liền kề với các ruộng lúa, khu dân cư, người dân lội nước chỉ ngang đầu gối để bắt con cá, con ốc cải thiện bữa ăn. Từ tháng 8-2014, TP có chủ trương cải tạo khu vực ô nhiễm này thành Khu nuôi trồng thủy sản giai đoạn 1 với nhiều hạng mục nên người dân vui lắm. Bởi, ở vùng đất gò đồi này, đất trồng lúa không nhiều, khi làng nghề nuôi cá hình thành, người dân kỳ vọng sẽ có thêm công ăn, việc làm. Tuy nhiên, sau 2 lần thi công, không ít người đã "bán tín, bán nghi" về bản chất của công trình. Nhiều người đặt câu hỏi: "Chẳng biết việc nuôi trồng thủy sản giống gì trên vùng đất mà mỗi lần mưa lũ là nước ngập lênh láng các cánh đồng, băng qua con đường làng?".

Trước đó, cũng có 2 DN được cấp phép cải tạo một phần Bàu Tràm để làm ao nuôi cá với đầy hứa hẹn, nhưng chỉ sau vài tháng tích cực "tận thu" nguồn đất sét, các DN liền "cao chạy, xa bay", để lại một biển nước mênh mông, khiến người dân phải vất vả canh chừng trẻ nhỏ để phòng ngừa hiểm họa. "Đợt cải tạo Bàu Tràm tới đây (năm 2016) thì chưa biết thực hư ra sao nên người dân chỉ mong các ngành chức năng phải thường xuyên giám sát, kiểm tra tiến độ thi công công trình để người dân nơi đây không phải nhận thêm quả đắng và hụt hẫng niềm tin" - ông Năm Dục bày tỏ chính kiến.

Tương tự, ở khu vực Bàu Tong (thôn An Châu, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang), việc khai thác đất gạch dưới chiêu bài "đào ao thả cá" rộ lên từ năm 2008 đã để lại nhiều hậu quả nặng nề, hơn 20ha đất lúa, đất trồng cây trong khu vực giờ loang lổ "hố bom" nhưng lại không được hoàn thổ. Bây giờ, để "hợp thức hóa" cho sự đã rồi, chính quyền địa phương cũng đã nghĩ đến giải pháp biến những ao trũng đó thành các ao nuôi cá, nhưng người dân lại không hưởng ứng. Một chủ trang trại nuôi cá lâu năm ở Hòa Phú phân tích, ao nuôi cá chỉ cần độ sâu dưới 2m, nguồn nước dẫn vào phụ thuộc các kênh mương tưới tiêu. Hơn nữa, trong quá trình nuôi trồng thủy sản, còn phải tháo nước bẩn để thay nước sạch cho phù hợp với môi sinh, môi trường. Các hố nước ở Bàu Tong thì không hội đủ các điều kiện đó. Cụ thể, mực nước thì quá sâu, không có đáy xả nước thải nên đầu tư vào chẳng khác gì... vứt tiền qua cửa sổ.

Nhiều hố nước sâu ở Lệ Sơn 2 hình thành sau khai thác đất gạch
được người dân ngăn bao tận dụng nuôi vịt.

Kết

Sáng 22-2, chúng tôi quay lại cánh đồng La Bông. Thửa đất bị múc trộm hôm trước giờ bị DN nào đó lén lút đào xới rộng thêm trong đêm. Có mặt tại hiện trường, chuyên viên Phòng TN-MT H. Hòa Vang cũng như cán bộ địa chính xã Hòa Tiến đều xác nhận với chúng tôi họ không hề hay biết. Điều đó chứng tỏ, nguồn cung đất sét sản xuất vật liệu xây dựng lâu nay không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi khai thác, cung ứng đất sét dễ làm, đem lại lợi nhuận lớn nên nhiều DN cùng "nhảy" vào. Từ đó, dẫn đến tình trạng loạn khai thác, gây ra nhiều hậu quả khó lường. Tuy nhiên, theo chúng tôi, đó mới chỉ là phần nổi của vụ việc. Bởi, dư luận đang đặt câu hỏi: Có hay không việc chính quyền "tiếp tay" cho các DN trúng thầu lợi dụng việc san lấp mặt bằng, cải tạo đất nuôi trồng thủy sản để tiến hành khai thác và bán đất sét cho các nhà máy sản xuất gạch?

An Dương