Khai thác vàng trái phép tại Tam Lãnh diễn biến rất phức tạp

Thứ bảy, 18/01/2025 08:20

Thời gian qua, tình hình khai thác, chế biến vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) diễn biến rất phức tạp. Theo lãnh đạo UBND xã Tam Lãnh, lợi dụng thời điểm cuối năm, các đối tượng vào khu vực Đồi Sim, Sũng Mùn, Thác Trắng, Đập Làng, hố Nà Răm, Hốc Bớm, Phú Thạnh… thuộc thôn Bồng Miêu; hố Ba Liên, Trương Tối, hố ông Bòng, Vực Bộng… thuộc thôn Đàn Thượng và một số khu vực khác trong khu dân cư trên địa bàn xã để khai thác, chế biến khoáng sản vàng trái phép. Trong đó, một số khu vực có dấu hiệu sử dụng xe cơ giới để hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản có chứa kim loại vàng trái phép.

Lực lượng chức năng xã Tam Lãnh tiêu hủy lán trại khai thác vàng trái phép tại khu vực Sũng Mùn.
Nhiều hầm mới được các đối tượng đào để làm vàng trái phép tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hoạt động này gây thất thoát tài nguyên, làm hủy hoại đất, ảnh hưởng đến môi trường và ANTT tại địa phương. Do đó, ngày 11-1, UBND xã Tam Lãnh đã tổ chức kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác vàng trái phép. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại khu vực Sũng Mùn có 3 hầm lò và tại khu vực Đồi Sim có 1 hầm lò có nguy cơ đổ sập, rất nguy hiểm. Đối tượng tổ chức làm vàng khá quy mô, có lán trại, máy phát điện phục vụ việc khai thác. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy, làm mất tác dụng 8 lán trại, 2 hồ hóa chất, 775m2 mái bạt che lán trại, 400m dây nước, 99 bao vôi, 1 bao phân vi sinh. Còn tại Thác Trắng, Đập Làng, Hố Nà Răm, Hốc Bớm, tổ công tác phát hiện và tiêu hủy, làm mất tác dụng 5 lán trại, 5 hồ hóa chất, 725m2 mái bạt che lán trại, 500m dây nước…

Điều đáng nói, sau khi lực lượng chức năng rút lui, các đối tượng tiếp tục quay lại hoạt động. Trước thực trạng trên, ngày 13-11, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh đã có báo cáo và đề nghị UBND huyện Phú Ninh chỉ đạo Công an huyện Phú Ninh tiếp tục tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét, xử lý tình hình khai thác, chế biến khoáng sản có chứa kim loại vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh; nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025.

Xét thấy tình hình khai thác vàng trái phép diễn biến phức tạp, ngày 16-1, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh tiếp tục có Công văn số 05/UBND gửi Công an xã cùng các ngành chức năng tập trung kiểm tra, truy quét, xử lý tình hình khai thác, chế biến khoáng sản vàng trái phép trên địa bàn. Theo đó, UBND xã Tam Lãnh giao Công an xã chủ trì, phối hợp với các lực lượng khác có liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, truy quét; đồng thời yêu cầu định kỳ vào chiều thứ sáu hằng tuần phải báo cáo tình hình, kết quả kiểm tra, truy quét, xử lý tình hình khai thác, chế biến khoáng sản vàng trái phép trên địa bàn xã và tham mưu, đề xuất giải pháp về UBND xã để theo dõi, chỉ đạo.

Lực lượng chức năng xã Tam Lãnh tiêu hủy lán trại khai thác vàng trái phép tại khu vực Sũng Mùn.

Liên quan đến tình hình thực hiện Dự án Đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh), mới đây Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) đã có tờ trình đề nghị giao UBND huyện Phú Ninh nhận bàn giao, quản lý dự án này. Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (viết tắt: BQL Dự án tỉnh), đến nay, dự án đã được BQL Dự án tỉnh triển khai thi công hoàn thành đối với phần xây lắp và trồng, chăm sóc rừng năm thứ nhất… Vì vậy, để quản lý, bảo vệ công trình tránh tình trạng tái khai thác vàng trái phép, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia sau nghiệm thu hoàn thành, BQL Dự án tỉnh đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND huyện Phú Ninh nhận bàn giao quản lý và tiếp tục triển khai các phần việc còn lại của dự án.

Sau khi xem xét tờ trình của BQL Dự án tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở: TN&MT, NN&PTNT, UBND huyện Phú Ninh và ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét việc giao đơn vị quản lý đối với phần xây lắp, trồng và chăm sóc rừng năm thứ nhất dự án Đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu đã triển khai thi công hoàn thành; đồng thời báo cáo, đề xuất phương án, dự kiến kinh phí và đơn vị tiếp tục thực hiện đối với các hạng mục (tư vấn giám sát môi trường trong giai đoạn đóng cửa mỏ; chăm sóc rừng 3 năm tiếp theo và quản lý rừng 5 năm sau khi kết thúc chăm sóc) của dự án nêu trên.

BÃO BÌNH