Khalifa Haftar - vị Tổng Tư lệnh quân đội Libya gây tranh cãi

Thứ bảy, 11/06/2016 20:52

(Cadn.com.vn) - Tổng tư lệnh quân đội Libya Khalifa Haftar từng được xem là vị anh hùng trong cuộc chiến chống Hồi giáo. Tuy nhiên, ông cũng được một số người nhận định là mối hiểm họa tiềm tàng cho hòa bình quốc gia. Hiện nay, vị chỉ huy quân đội này lại thường xuyên được nhắc đến như là một vật cản của việc hình thành một chính phủ Libya đoàn kết.

Libya là một quốc gia hỗn độn và nay mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn. Khi LHQ giúp Libya thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, cuộc nội chiến kéo dài suốt 2 năm ở quốc gia này lẽ ra nên chấm dứt và mở đường cho một thời kỳ hòa bình mới. Tuy nhiên, hy vọng về một đất nước ổn định đang bị đe dọa, thậm chí một cuộc xung đột lớn hơn dự kiến sẽ xảy ra. Và tướng Khalifa Haftar cùng lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của ông chính là những vật cản lớn của tiến trình hòa bình của đất nước.

Từ bạn trở thành thù của Tổng thống Gaddafi

Vị tướng 73 tuổi này tự xem mình là vị cứu tinh của Libya - đất nước đang phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng tăng từ các chiến binh thánh chiến.

Haftar bắt đầu sự nghiệp chính trị dưới chế độ quân chủ của Libya. Ông tốt nghiệp học viện quân sự ở Benghazi. Năm 1969, ông tham gia vào cuộc đảo chính quân sự lật đổ Hoàng gia Libya nhằm đưa ông Muammar Gaddafi nên nắm quyền. Từ năm 1978-1987, ông chỉ huy một đơn vị quân đội trong cuộc chiến tranh không kết quả giữa Libya với chính phủ Chad. Khi ông bị lực lượng Chad bắt giữ, chính quyền Tripoli không thừa nhận ông làm việc trong quân đội Libya và những ân sủng mà Gaddafi dành cho ông theo đó cũng sụt giảm.

Trong thời gian sống lưu vong ở Mỹ, tướng Haftar tham gia phe đối lập Libya và bị chế độ Gaddafi cáo buộc câu kết với Cơ quan tình báo Mỹ (CIA). Sau khi trở về nước, ông Haftar tham gia cuộc đảo chính năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi. Sau đó, ông dẫn đầu lực lượng mặt đất cam kết trung thành với Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya. Thế nhưng, giới chức lãnh đạo mới của Libya lo ngại ông có thể thiết lập một chế độ độc tài quân sự.

Vật cản của hòa bình

Dưới sự hỗ trợ của LHQ, một Chính phủ Hòa hợp dân tộc Libya (GNA) đã được thành lập theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực được các bên đối địch ký hồi tháng 12-2015. Tuy nhiên, đến nay, Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya vẫn chưa chính thức công nhận GNA.

Tướng Haftar cũng liên tục từ chối hợp tác với GNA. Đồng thời, lực lượng của vị tướng này ngày càng mở rộng sự hiện diện tại Libya dưới chiêu bài hoạt động chống IS. Điển hình, ông Haftar triển khai lực lượng tại các mỏ dầu ở Cyrenaica. Trong khi đó, các đồng minh chính trị của Haftar tham gia bán dầu một cách độc lập trên thị trường quốc tế, và thậm chí còn in tiền riêng.

Tướng Haftar và các đồng minh được cho là nguyên nhân làm gia tăng khoảng cách chính trị hiện tại ở Libya. Năm 2014, chỉ huy quân sự Haftar đã phát động chiến dịch "Operation Dignity" chống lại các chiến binh Hồi giáo và các nhóm nổi dậy khác ở Benghazi. Tuy nhiên, chiến dịch không đạt hiệu quả bởi không xác định được mục tiêu rõ ràng. Điều này gây phản tác dụng khi khiến những tín đồ Hồi giáo, những kẻ cực đoan, và lực lượng dân quân chống Gaddafi đoàn kết lại với nhau và tạo ra mối đe dọa mới cho Libya.

Mặc dù vậy, những hành động của ông được phần lớn người dân Libya tôn thờ và xem ông như là người duy nhất có khả năng "dập tắt" mọi sự hỗn loạn ở nước này. Vì vậy, một khi GNA càng đương đầu với tướng Haftar chỉ càng giúp ông tiếp tục củng cố vị trí, trong khi GNA cũng không phải là một chính phủ quốc gia chính thức. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, GNA nên tập trung vào việc đảm bảo an ninh và dịch vụ công cho nhân dân từ đó giành sự tin tưởng của dân chúng.

Tuệ Khanh

             (Theo Foreign Policy/AFP)