Khám phá văn hóa ASEAN đa sắc qua trang phục
(Cadn.com.vn) - Có thể đơn giản, có thể cầu kỳ, thậm chí là lạ lẫm, song mỗi bộ trang phục truyền thống mà các thí sinh mang đến cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN 2017 đều muốn truyền tải thông điệp về một ASEAN đa sắc màu văn hóa, song vẫn đoàn kết, hòa hợp trong một tổng thể.
Trước khung cảnh trầm mặc của tháp Nhạn, di tích kiến trúc, văn hóa tiêu biểu của Phú Yên, những người đẹp ASEAN đã tự hào trình diễn bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ý nguyện lớn nhất của họ là có thể giới thiệu đến bạn bè văn hóa đặc sắc địa phương mình thông qua trang phục, đồng thời cũng mong mỏi được chiêm ngưỡng và khám phá trang phục của các dân tộc khác. Thí sinh Rahmawati (Indonesia) cho biết, trang phục mình mặc trên người có tên Gelungan, xuất phát từ điệu múa của người dân tộc ít người Rejang ở Bali. Trang phục này được thiết kế dựa trên nền chủ đạo là hoa sứ trắng, loài hoa đặc trưng ở Bali mà du khách tới thường mang về làm kỷ niệm. Đây cũng là loài hoa mà người dân Bali, quê hương của Rahmawati thường dùng trong các lễ cúng, lễ kỷ niệm trang trọng. Mặc dù bộ trang phục nhìn đồ sộ, di chuyển rất khó khăn, song Rahmawati có biết khi mặc vào cảm thấy nhẹ nhàng, đầy phấn khích và tự hào. Trong khi đó, người đẹp Htun (Myanmar) lại mang tới bộ quốc phục có tên Cô gái Bagan xinh đẹp, trên chất liệu lụa có đính ngọc và kim cương. Với họa tiết cầu kỳ, sắc xảo và hình cô gái Bagan được đính trên trang phục, Htun cảm thấy rất tự hào khi diện trang phục này. Cô kể, ở Myanmar có một thời đại hoàng kim, đó là thời đại Bagan. Trong thời đại đó, người phụ nữ có sức mạnh quyền lực rất lớn. Bagan bây giờ cũng là một trong những thành phố của Myanmar. Đi kèm với trang phục mang trên người, trên tay Htun cầm một chiếc bình nhỏ bằng gỗ, gọi là Shaw, bên trong đựng gạo để đi đến các đền thờ. Vào thời Bagan, các cô gái thường mặc trang phục này, nhìn trang phục là nhìn thấy quyền lực. Hiện nay bộ trang phục của Htun đã có cách tân, tuy nhiên nó vẫn lấy cảm hứng chủ đạo từ truyền thống.
Trang phục truyền thống của thí sinh Indonesia. |
Với chủ đề trang phục về một ASEAN đa sắc màu văn hóa, vì thế hầu hết các trang phục thí sinh lựa chọn đều gắn với vùng đất mình sinh sống, những tập tục văn hóa nổi bật. Người đẹp Tirot tới từ Campuchia chọn cho mình bộ trang phục gọn gàng song lại vẫn tôn vinh được vẻ quý phái. Tirot cho biết, bộ váy cuốn mình mặc nổi bật bởi 2 màu vàng, đỏ có từ thời Angkor Wat. Chính hai tông màu này kết hợp với nhau đồng thời tóc được búi lên cao thể hiện sự quý phái. Thời Angkor Wat cũng là thời kỳ thịnh vượng, nhiều lúa gạo của Campuchia. Theo Tirot, ở Campuchia có 2 loại váy cuốn như cô đang mặc, trong đó một loại bình dân hơn, không có nhiều họa tiết và đính kèm phụ kiện thì được người phụ nữ sử dụng rất nhiều. Chiếc váy cuốn loại đó là trang phục truyền thống phổ thông. Tirot tiết lộ, bộ trang phục mình đang mang từng giành giải Người đẹp di sản tại cuộc thi Hoa hậu du lịch Campuchia năm vừa qua. Cô hy vọng, sự đơn giản, nhiều ý nghĩa trong trang phục truyền thống của mình sẽ gây ấn tượng mạnh tại cuộc thi này.
Tương tự như Tirot, người đẹp Magno Denielle Joie của Phillippines cũng mang đến bộ trang phục truyền thống, nhưng nó lại cầu kỳ và có phần “lạ lẫm”. Joie cho biết bộ trang phục của mình do người Tiboli ở quần đảo Mindango thường mặc. Trong giấc mơ của mình, người Tiboli đã nằm mơ thấy trang phục này, và khi tỉnh dậy, họ đã tự thiết kế ra. Trên bộ trang phục này có ba màu chủ đạo là trắng, đen, đỏ với các họa tiết, hình thêu về muông thú, cảnh sắc thiên nhiên nơi vùng đất người Tiboli sinh sống. Sở dĩ Joie chọn trang phục này mang tới cuộc thi vì nó được thiết kế từ trong giấc mơ, được thực hiện thủ công bằng tay, và nó xuất phát từ quê hương của cô. Với trang phục của mình, trước hết Joie muốn giới thiệu nét văn hóa độc đáo quê hương mình với bè bạn, đồng thời muốn gửi đến thông điệp về tình yêu thiên nhiên, môi trường sống trong lành sẽ gắn kết con người lại với nhau.
Trang phục của thí sinh Phillippines. |
Với 2 tông màu hồng và trắng, trang phục áo dài chủ đề hoa sen mà người đẹp Việt Nam Yến Nhi mang tới cuộc thi đã tạo nên sự cuốn hút đặc biệt. Nhi cho biết vì đây là cuộc thi sắc đẹp quốc tế, tôn vinh trang phục truyền thống, vì thế Nhi đã lên ý tưởng rất kỹ cho trang phục của mình. Chủ đề của trang phục nói về hoa sen, dẫu ở gần bùn vẫn không hôi tanh mùi bùn, Nhi muốn thể hiện ý tưởng vẻ đẹp người Việt Nam khiêm tốn, nhưng kiên cường. Bộ trang phục áo dài sen hồng của Nhi được thiết kế cầu kỳ, với những nét cọ vẽ hoa sen bằng tay rất tỉ mẩn. Chiếc mũ Nhi đội trên đầu được mạ vàng, hình tượng cách điệu của bông hoa sen. Nhi chia sẻ, áo dài Việt Nam lâu nay được biết đến bởi vẻ đẹp nền nã, thì với thiết kế mang 2 gam màu hồng trắng này, Nhi muốn gửi gắm ý niệm mới về áo dài, có thêm sự mạnh mẽ, biểu trưng cho người con gái Việt Nam hiện đại. Trong khi đó, thí sinh Vanessa tới từ Singapore lại muốn thể hiện ý tưởng về sự đa sắc văn hóa hòa hợp trong một thực thể thống nhất khi mang tới cuộc thi trang phục ấn tượng của mình. Vanessa cho biết, trang phục của mình được kết hợp bởi 4 yếu tố, gồm tay áo theo kiểu của người Ấn Độ có thể cuốn quanh người, thân áo của Malaysia, màu sắc đỏ rực của Trung Quốc và kiểu dáng váy của người Anh. Bên trên trang phục là mái tóc, Vanessa cài bông hoa Orchrd, một loài hoa đặc trưng phổ biến ở Singapore. Với trang phục này, Vanessa muốn thể hiện tính cộng đồng của người Singapore có sự kết hợp của nhiều nền văn hóa khác nhau. Sự hòa hợp đa sắc thái văn hóa cũng là một đặc trưng nổi bật của quốc đảo Sư Tử. Vanessa cho biết cô rất tâm huyết với thiết kế trang phục này, ở Singapore trang phục này cũng thường được mặc vào các dịp lễ quan trọng, như tết hoặc lễ Hariraya.
Mỗi trang phục truyền thống của thí sinh mang tới cuộc thi Hoa hậu Hữu nghị ASEAN đều thể hiện nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Trong bối cảnh hội nhập, việc giao lưu, chia sẻ văn hóa để hiểu rõ, xích lại gần nhau càng trở nên quan trọng. Vì vậy, việc thể hiện trang phục truyền thống dân tộc mình là cơ hội hiếm có để tăng cường tính kết nối, đoàn kết hữu nghị giữa các nước trong ASEAN.
HẢI QUỲNH