Khẳng định mình từ niềm đam mê tiếng Anh
(Cadn.com.vn) - Từ một cô gái nhút nhát, sau 4 năm học tại Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN) – ĐH Đà Nẵng, Nguyễn Thị Phương Huyền (1986) trở nên dạn dĩ, tự tin hơn. Suốt những năm tháng ở Trường ĐHNN, Huyền luôn đạt danh hiệu SV xuất sắc, nhận học bổng của trường và học bổng của Nhật. Cô vừa bảo vệ luận văn tốt nghiệp với 3 điểm 10 đỏ chói.
Phương Huyền bên góc học tập của mình. |
Khắc phục tính nhút nhát
Làm thế nào để học giỏi ngoại ngữ, tự tin khi giao tiếp với khách nước ngoài? Câu hỏi này luôn đau đáu trong cô nữ sinh Phương Huyền khi học tại Trường THPT Phan Châu Trinh - TP Đà Nẵng. Yêu môn ngoại ngữ từ bé, nhưng vì nhút nhát nên dù học giỏi tiếng Anh, Huyền vẫn cảm thấy e ngại, thiếu tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài, hoặc nói chuyện với bạn bằng tiếng Anh.
Vì vậy, khi đỗ cả 2 trường ĐH ở Đà Nẵng gồm: Khoa Kinh tế Ngoại thương của Trường ĐH Kinh tế, khoa tiếng Anh Trường ĐHNN (đỗ thủ khoa), Huyền đã chọn học tại Trường ĐHNN với mong muốn trở thành giáo viên dạy giỏi môn tiếng Anh.
Đỗ thủ khoa, nên khi vào trường, Huyền được bầu làm lớp trưởng khóa 2004-2008. Môi trường học tập ở ĐH, các buổi sinh hoạt xã hội do Đoàn trường phát động, những buổi sinh hoạt nhóm, các hoạt động trong lớp cùng cương vị lớp trưởng đã rèn luyện và giúp Huyền hạn chế được bản tính nhút nhát. Từ việc chỉ giỏi ngữ pháp tiếng Anh, Huyền đã có thể nói, giao tiếp tiếng Anh lưu loát, phản xạ nhanh khi tiếp xúc với người nước ngoài.
Qua thầy cô và từ thực tiễn học tập, Huyền đã rút ra cho mình phương pháp học tiếng Anh hiệu quả là: phải biết xấu hổ, tự ái khi không nói chuyện được với người nước ngoài; thường xuyên tập luyện kỹ năng nghe và nói tiếng Anh; tham gia nhiều các hoạt động xã hội, các buổi sinh hoạt chuyên đề tiếng Anh; tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện sự dạn dĩ, kỹ năng nghe và phản xạ nhanh trong các tình huống...
Bên cạnh đó, Huyền còn được chọn làm hướng dẫn viên tại Hội nghị quốc tế APEC- SOM III tổ chức ở Đà Nẵng, tham gia vào CLB bồi dưỡng giao tiếp tiếng Anh do Trường tổ chức cho các sở, ban, ngành trên địa bàn TP. Đây chính là cơ hội giúp Huyền cọ xát với thực tế, trau dồi vốn kiến thức ngoại ngữ đã học được.
Có đam mê mới thành tài
Sự nỗ lực không mệt mỏi cùng với niềm đam mê học tiếng Anh đã giúp Huyền trở thành một trong 4 SV giỏi nhất lớp được chọn làm luận văn bảo vệ tốt nghiệp. Luôn suy nghĩ về việc “vì sao có nhiều bạn học giỏi tiếng Anh nhưng lại không có khả năng giao tiếp, thuyết trình bằng tiếng Anh trước đám đông, Huyền đã chọn đề tài “Nghiên cứu kỹ năng thuyết trình của SV khoa tiếng Anh trong Trường ĐHNN” làm đề tài luận văn cho mình. Không chỉ lấy phiếu thăm dò trong các bạn SV, Huyền còn sử dụng máy quay phim để quay những video clip về việc học tiếng Anh của HSSV, thiết kế và sử dụng dụng cụ trực quan phục vụ việc dạy-học ngoại ngữ để làm tư liệu cho luận văn. Luận văn của Huyền nhờ thế không chỉ công phu ở phần luận mà còn phong phú, sinh động ở tư liệu, hình ảnh trực quan... Sự đầu tư đó đã giúp Huyền được thầy hướng dẫn, thầy phản biện và cả hội đồng bảo vệ luận văn thống nhất cho 3 điểm 10.
Nói về đề tài luận văn được điểm 10 của mình, cô cử nhân Phương Huyền bẽn lẽn cười: “Xuất phát từ thực tế về sự hạn chế trong khả năng giao tiếp tiếng Anh của SV ngoại ngữ nói riêng, SV miền Trung nói chung, em đã chọn đề tài này với mong muốn góp thêm tiếng nói về phương pháp và kỹ năng học tốt tiếng Anh. Như các bạn khác, trước đây, em cũng rất nhút nhát nên mặc dù nói được nhưng vẫn không dám thể hiện mình trước đám đông. Thực tế có nhiều bạn học tiếng Anh giỏi, nhưng do nhút nhát nên không biết thể hiện, diễn đạt bằng ngôn ngữ này trước đám đông, trong khi đối với SV ngoại ngữ, điều quan trọng nhất là phải nói và sử dụng tốt được tiếng mà mình đang học...”.
Ông Nguyễn Duy Hải – Giám đốc Trung tâm Y tế Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng, cha của Huyền - cũng muốn con gái học ngành Kinh tế Ngoại thương nhưng tôn trọng nguyện vọng, sở thích của con. Ông Hải đã hướng cho Huyền phương pháp học tập chủ động, tự suy luận, ý thức tự học cũng như tham gia các hoạt động xã hội và đoàn thể để có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc sống. Theo vợ chồng ông Hải, học cái gì cũng cần phải có niềm đam mê, thích thú mới thành tài, và rằng “mình có cho con cả gia tài, nhưng nếu nó không chịu lao động, rồi tài sản đó cũng sẽ hết, không gì hơn là cho con một nghề nghiệp ổn định...”.
Mơ ước của Huyền là tiếp tục được du học bằng chính khả năng của mình. Hiện tại, Huyền đang dự thi học bổng du học tại ĐH quốc gia Australia, chuyên ngành Châu Á học nhằm trau dồi, nâng cao hơn kiến thức cũng như trình độ tiếng Anh của mình, sau đó trở về làm cô giáo dạy tiếng Anh giỏi trên quê hương Đà Nẵng thân yêu.
A.Hào