Khánh kiệt

Thứ ba, 21/07/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Bang California (Mỹ) lâu nay được đánh giá là có tiềm lực kinh tế hùng mạnh nhất.  Với dân số hơn 38 triệu dân, có nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, tổng sản lượng GDP  hằng năm của bang California  được xếp đứng thứ 8 trên thế giới. Vậy mà mới đây chính quyền của bang California đã rơi vào tình trạng khánh kiệt nghiêm trọng. Tình trạng này cũng đã từng diễn ra vào hồi năm ngoái trong một thời gian,  khi bị tác động suy thoái kinh tế và các nghị sĩ của Nghị viện bang không chuẩn thuận ngân sách do chính quyền bang đệ trình.

Theo  RFI, từ khoảng 3 tuần nay, chính  quyền bang California đã không còn khả năng thanh toán các hóa đơn  khi đến hạn phải trả. Thay vào đó, chính quyền bang đã đưa ra các giấy ghi nợ, song một số ngân hàng Mỹ đã không chấp nhận các giấy này.

Hiện đảng Dân chủ, chiếm đa số trong Nghị viện bang California, bắt đầu tìm cách giải quyết một phần thâm hụt ngân sách khổng lồ bằng cách tăng thuế và lệ phí, trong khi đảng Cộng hòa và Thống đốc  bang Schwarzenegger nghiêng về biện pháp thắt chặt chi tiêu. Nhiều khả năng bang California sẽ phải thực hiện cả hai giải pháp trên cùng lúc. Trong khi chờ đợi các biện pháp này phát huy hiệu quả, các công chức bang sẽ bắt đầu nghỉ thất nghiệp kỹ thuật 1 ngày/tuần, và đa số các cơ quan hành chính sẽ đóng cửa từ 3-4 ngày mỗi tháng.

Ngoài ra, số lượng ô-tô được sử dụng trong khu vực công đã giảm đến 15% và một chiến dịch chống lãng phí khổng lồ cũng được phát động. Trong số các biện pháp được nêu ra và được dư luận hết sức chú ý  là chính quyền bang California sẽ trả tự do cho  hơn 30.000 tù nhân, những người được coi là không còn nguy hiểm đối với xã hội nhằm bớt đi gánh nặng về ngân sách chi tiêu hằng năm. Các công viên quốc gia bị đóng cửa để giảm bớt chi phí. Điều hết sức đáng lưu ý nữa là chính quyền bang California đang tính toán   có thể cho hợp pháp hóa cả cần sa (marijuana), cho đến nay vẫn được coi là chất ma túy, để có thể đánh thuế mặt hàng này nhằm tăng nguồn thu ngân sách của bang. Hiện các chuyên gia về chính sách thuế của bang ước tính những biện pháp nói trên sẽ mang lại hơn 1,5 tỷ USD/năm, không kể các khoản tiết kiệm bổ sung của ngành cảnh sát và tư pháp cho  California.

Việc bang California  giàu có của nước Mỹ và có vị thế hùng mạnh trên thế giới mà phải rơi vào tình trạng khánh kiệt tài chính  đã phản ảnh rõ nét tác động của suy thoái kinh tế như thế nào. Rồi việc bang California  phải quay lại hai cách làm là tăng thuế, cắt giảm chi tiêu và cả những giải pháp  khác  đã để lại những bài học quý giá cho không của riêng ai.

Lê Diệu Nguyên