Khánh thành hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á

Thứ ba, 12/01/2021 11:00

Ngày 11-1, tại khu vực cửa hầm phía Nam thuộc địa phận quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), nhà đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư (CTCPĐT) Đèo Cả thuộc Tập đoàn Đèo Cả phối hợp cùng Bộ GTVT, 2 địa phương TT-Huế và Đà Nẵng tổ chức khánh thành hầm Hải Vân 2.

Lãnh đạo Chính phủ, địa phương và nhà đầu tư cắt băng khánh thành thông hầm Hải Vân 2.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, đây là món quà quý giá nhằm chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Khẳng định sự vươn lên của doanh nghiệp Việt

Hạng mục hầm Hải Vân 2 thuộc Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, với chiều dài 6,2 km (chiều dài tuyến 12,4km bao gồm cả đường dẫn) là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á. Hầm Hải Vân 2 được Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư, triển khai sau khi thực hiện một loạt công trình hầm: Đèo Cổ Mã, Đèo Cả, Đèo Cù Mông. Đây là một công trình kỷ lục, khẳng định năng lực của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện một dự án mang tầm cỡ quốc tế. Lãnh đạo CTCPĐC cho rằng, hầm Hải Vân 2 là công trình khó khăn bậc nhất về mặt kỹ thuật và giải pháp công nghệ. Trong quá trình xây dựng, nhà đầu tư phải xử lý các khâu kỹ thuật phức tạp, vừa thi công hầm Hải Vân 2 lại vừa phải đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông cho hầm Hải Vân 1. Nhưng với kinh nghiệm được đúc kết, tinh thần quyết tâm và năng lực, CTCPĐT Đèo Cả đã giải quyết thành công những trở ngại kỹ thuật trong quá trình đào hầm. 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tặng quà biểu dương các đơn vị, chính quyền tham gia dự án.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đèo Hải Vân là một cung đường quan trọng trên tuyến Quốc lộ 1. Trong quá khứ cung đường đèo là điểm đen tai nạn và ùn tắc giao thông. Sau khi hầm Hải Vân 1 do Nhật Bản tài trợ được hoàn thành vào năm 2005 đã cải thiện cơ bản điều kiện giao thông trên tuyến đường, rút ngắn hành trình trên tuyến xuyên Việt. Tuy nhiên, phương tiện tăng trưởng rất nhanh đã dẫn tới quá tải, việc xây dựng hầm Hải Vân 2 là một nhu cầu cấp thiết. Việc giao cho Tập đoàn Đèo Cả đầu trong Dự án BOT hầm Đèo Cả chính là sự ghi nhận sự tiến bộ, vươn lên của doanh nghiệp Việt. “Việc công trình hoàn thành đúng tiến độ, chất lương đã đánh dấu sự vươn lên làm chủ những công nghệ phức tạp nhất trong thi công cầu đường. Đây thực sự là tin vui lớn của ngành GTVT, là món quà quý giá chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, trong đó có đóng góp rất lớn của các cán bộ, kỹ sư Tập đoàn Đèo Cả. Điều này khẳng định Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị số 1 tại Việt Nam trong việc đầu tư, quản lý những dự án hạ tầng giao thông lớn của đất nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chỉ thông 20 ngày rồi đóng hầm

Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, đến nay tổng thể DA Đèo Cả vẫn tồn tại những vướng mắc kéo dài cần được sớm giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư khi DA đã được đưa vào khai thác, sử dụng. Đó là, phần vốn ngân sách Nhà nước cam kết đóng góp vẫn còn 1.180 tỷ đồng chưa được giải ngân; tình trạng tranh chấp trạm thu phí Bắc Hải Vân đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư ước tính 486 tỷ đồng; việc điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án so với hợp đồng đã ký đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, gây thiệt hại cho nhà đầu tư hơn 186 tỷ đồng...

Hầm Hải Vân 2 sẽ thông trong 20 ngày và sau đó sẽ đóng cửa do vướng mắc về tài chính.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả, nắm bắt được nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán rất cần thiết (đảm bảo ATGT, giảm thời gian đi lại); tuy nhiên việc đưa DA hầm Hải Vân 2 vào khai thác, vận hành sẽ phát sinh rất nhiều chi phí (điện, nước, nhân công, bảo trì, bảo dưỡng hàng tháng lớn...) trong khi đó các vướng mắc tài chính đã kéo dài vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy, Tập đoàn Đèo Cả cả sẽ cố gắng tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1-2-2021 đến hết ngày 21-2-2021 (tức từ ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu). Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành (Hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường) để chờ cơ quan nhà nước có chức năng giải quyết các kiến nghị mà nhà đầu tư đã báo cáo nhiều lần trước đây.

Chia sẻ trong buổi lễ khánh thành, ông Hồ Minh Hoàng nói: “Đối với bản thân tôi, với vai trò là Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp là nhà đầu tư DA, tại thời khắc trọng đại này, tồn tại cảm giác vừa mừng vừa lo”. Ông Hoàng nói rằng, mừng vì khát vọng cháy bỏng đục thông các ngọn đèo hiểm trở ở miền Trung Bộ được thực hiện, xóa đi tai nạn thảm khốc trên những cung đường đèo nguy hiểm... Và lo bởi những vướng mắc bất cập dù đã kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được giải quyết. Cụ thể là lo áp lực tài chính, trả nợ ngân hàng, chi phí vận hành hầm không đảm bảo, trong khi đó khả năng giải quyết bất cập của cơ quan chức năng vẫn chưa được giải quyết. Một cái lo nữa là vì sau Tết  Hầm 1 sẽ tiếp tục vận hành bình thường nhưng hầm Hải Vân 2 phải đóng, việc này  sẽ ảnh hưởng đến nhân dân nhưng không thể nào làm khác hơn khi gần 3 năm trôi qua các vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Điều đó dẫn tới một sự lãng phí tài sản rất lớn của doanh nghiệp và người dân chính là đối tượng chịu thiệt. Để giải quyết những mối lo này, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính quan tâm xem xét, chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của DA.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xem xét tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng giao thông, trong đó có những khó khăn, vướng mắc của Tập đoàn Đèo Cả tại DA BOT hầm Đèo Cả.

HẢI LAN