Khảo sát thực tế phục vụ soạn thảo các Nghị định quy định chi tiết Luật Biên phòng Việt Nam
Chiều 14-4, tại Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng (BĐBP thành phố), Thiếu tướng Lê Văn Phúc - Phó Tư lệnh BĐBP Việt Nam chủ trì Hội nghị khảo sát thực tế phục vụ xây dựng các Nghị định chi tiết Luật Biên phòng Việt Nam.
Theo báo cáo đề dẫn, Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 11-11-2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, trong đó có 3 điều khoản Luật Biên phòng Việt Nam giao Chính phủ quy định chi tiết gồm: Khoản 4 Điều 10 về phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; khoản 2 Điều 21 quy định về Hệ thống tổ chức của BĐBP; khoản 2 Điều 27 quy định về chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP.
Tại hội nghị, các đại biểu đại diện cho các ngành, địa phương đã đóng góp những ý kiến liên quan đến dự thảo Nghị định, đồng thời trao đổi, làm rõ về vấn đề phối hợp giữa các bên đối với lực lượng biên phòng; đóng góp ý kiến về hệ thống tổ chức của BĐBP; kiến nghị về chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù đối với BĐBP; quyền hạn, tổ chức, cơ chế phối hợp hoạt động của lực lượng BĐBP… Hầu hết ý kiến bày tỏ thống nhất với các nội dung của dự thảo Nghị định và cho rằng, dự thảo của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam với bố cục 5 chương, 31 điều là hợp lý, khoa học và chặt chẽ. Về nội dung cơ bản của dự thảo đã cụ thể chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam làm cơ sở để thực thi nhiệm vụ biên phòng đạt hiệu quả cao nhất. Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe báo cáo kết quả triển khai thực hiện các mặt công tác của Biên phòng cảng Đà Nẵng; lấy phiếu khảo sát ý kiến của các ngành, địa phương bằng hình thức trả lời câu hỏi trắc nghiệm nhằm phục vụ xây dựng các Nghị định chi tiết Luật Biên phòng Việt Nam.
Phát biểu kết luận, Thiếu tướng Lê Văn Phúc đánh giá cao các ý kiến tham gia thảo luận, đồng thời cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến tham gia hội thảo, tọa đàm để chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định. Những ý kiến tham gia của các đại biểu sẽ được Đoàn công tác tổng hợp, tiếp thu đầy đủ để tiếp tục xem xét chỉnh lý, bổ sung, từng bước hoàn chỉnh dự thảo để báo cáo Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan thẩm định, sau đó trình Chính phủ xem xét ban hành.
Công Hạnh