Khát vọng giữ gìn văn hóa trà của nghệ nhân xứ Huế

Thứ bảy, 25/06/2022 08:35
Huế được xem là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nơi cất giấu những trầm tích được kiến tạo và tồn tại qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Trong số những giá trị được lưu giữ ở hai bên bờ Sông Hương, phải kể đến trà - một biểu tượng đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt. Nhắc đến trà cùngngười lưu giữ văn hóa trà cổ truyền ở Huế, không thể không nhắc đến Di Nhiên Trà Thất - quán trà nhỏ giữa lòng kinh đô Huế của nghệ nhân trà, tiến sĩ Trần Thị Thanh Nhị (1985)- giảng viên Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế.
Cô chủ Di Nhiên Trà Thất dâng Trà cho Dòng Hương.
Cô chủ Di Nhiên Trà Thất dâng Trà cho Dòng Hương.

Dù nằm trong kiệt (ngõ) nhỏ (số 3/26, Nguyễn Thiện Thuật, TP Huế) nhưng đến Di Nhiên Trà Thất giờ nào cũng thấy có khách.

Đến đây vào một đêm tháng Sáu nóng bức, chúng tôi được chủ nhân ra chào khách bằng nụ cười tươi rói. Trong thời gian đợi trà, cô Nhị tiếp chúng tôi bằng những mẩu chuyện nhỏ về bản thân, về công việc, về trà. Mới hay, chủ nhân Di Nhiên Trà Thất không phải là người gốc Huế. Sinh tại Đồng Hới (Quảng Bình), nhưng Nhị lại dành cho dòng Sông Hương và Huế một tình yêu mãnh liệt, đặc biệt là những nét văn hóa xưa cổ. Sau nhiều năm nghiên cứu về văn hóa trà của người Việt, cô quyết định mở Di Nhiên Trà Thất tại Huế, nơi giao lưu các đặc sản, danh trà thuần Việt và bảo tồn nghề làm trà hoa truyền thống.

Di Nhiên Trà Thất được xây dựng, bày trí theo phong cách "thiền", đậm chất phương Đông. Hoa sen là loài hoa duy nhất được cô Nhị chọn để trang trí không gian trà thất, khiến nơi đây lúc nào cũng nức ngát hương sen. Sen ở Di Nhiên nói riêng, ở Huế nói chung không hoàn toàn giống sen ở những vùng khác. Đó là sen trắng có hương thơm thanh tao, cánh sen có độ rộng đủ để ôm trùm trà được cô Nhị khéo léo đặt vào bên trong. Danh trà được ủ mình trong sen xứ Huế, vừa giữ được mùi thơm đặc trưng, vừa mang hương vị nắng gió vùng miền, vừa phảng phất hương sen nồng nàn của Huế.

Sự am hiểu về trà, tình yêu và khát vọng gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam đã được cô Nhị gửi cả vào Di Nhiên Trà Thất, vào từng loại trà được tẩm ướp rất kỳ công và pha bằng kỹ thuật của trà nương mang tính thẩm mỹ cao. Ngồi ở Di Nhiên Trà Thất trong đêm Huế, nghe tiếng suối nước róc rách từ radio, cảm nhận hương sen len lỏi trong không gian quán, thậm chí là trong từng tế bào, thưởng thức chén trà sen… là một khoảnh khắc vô cùng tuyệt vời- khoảnh khắc để mỗi người nghĩ về những vẻ đẹp của một thời vàng son, nay vẫn được trân quý giữ gìn.

Đến Di Nhiên Trà Thất, chợt ngộ ra một điều, những gì Nguyễn Tuân viết trong truyện ngắn Những chiếc ấm đất không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng hoặc tô vẽ quá đà. Thực tế, nghệ thuật pha trà và dùng trà của người Việt rất công phu, thể hiện niềm trân trọng dành cho một nét đẹp văn hóa đã có từ ngàn đời. "Đối với trà, chúng ta thưởng thức chứ không phải uống vội. Vừa nhấm nháp, vừa cảm nhận hương vị của trà, của sen, của nước. Đôi khi, từ trong chén trà, ta có thể đoán định được tâm trạng của người pha trà, trà được hái ở sườn đông hay sườn tây của đồi núi…"- chủ nhân Di Thiên Trà Thất bộc bạch.

Điều đặc biệt hơn cả, cô Nhị đã gắn văn hóa trà với dòng Sông Hương - linh hồn của xứ Huế. Điều này được thể hiện ở nghi thức dâng trà rải hoa trên dòng Hương (thường vào ngày rằm hàng tháng) để cầu mong Sông Hương mãi thơm. Được biết, nước pha trà được cô Nhị cùng các trà nương đi ngược lên thượng nguồn Sông Hương để lấy. Mùi thơm đặc trưng của trà hòa cùng hương thơm nước dòng Hương ở thượng nguồn mang một hương vị rất riêng có. Theo cô Nhị thì trong nước Sông Hương có mùi hương của hoa cau, hoa mộc, hương xuân…

Để thưởng trà, đặc biệt là loại trà pha bằng nước của dòng sông huyền thoại xứ Huế, trà nương phải có hiểu biết về nghệ thuật pha trà truyền thống của dân tộc và trà khách phải có tình yêu đặc biệt dành cho trà, cho Sông Hương. Từ đó mới có thể cảm nhận được tinh túy tụ kết lại trong chén trà nhỏ nhắn. Thưởng trà vốn là một nét văn hóa đẹp, tao nhã, thanh cao, nhưng càng tuyệt vời hơn khi được thưởng trà trên đất "Thần Kinh", một không gian cổ kính, nơi lưu giữ những vết tích một thuở vàng son.

Giữa bối cảnh giao lưu và hội nhập văn hóa hôm nay, việc tìm về và khẳng định lại những giá trị truyền thống luôn là điều nhân văn, ý nghĩa. Tiến sĩ Trần Thị Thanh Nhị và Di Nhiên Trà Thất đã, đang nỗ lực gìn giữ, lan tỏa những giá trị tốt đẹp ấy.

Bài, ảnh: Hoàng Khánh Duy