Khi cán bộ "bắt tay" với… nhà thầu !

Thứ sáu, 25/11/2022 16:51
Cuối năm 2021, Công an TP Tam Kỳ phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Nam thực hiện lệnh bắt, khám xét nơi ở đối với Phạm Văn Điểu (1966)- Giám đốc BQL dự án Đầu tư và xây dựng TP Hội An (BQL).
Một công trình có dấu hiệu cán bộ "bắt tay" với nhà thầu tại H. Thăng Bình.
Một công trình có dấu hiệu cán bộ "bắt tay" với nhà thầu tại H. Thăng Bình.

Cùng với ông Điểu, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Vinh (1989) - nhân viên BQL, Trần Thanh Dũng (1983, trú P. Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, Quảng Nam)- Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn- Kỹ thuật Xây dựng Đại Bình An, Lê Hữu Vũ (1988)- Giám đốc BQL Dự án và Đô thị H. Thăng Bình, Nguyễn Văn Tài (1990)- Giám đốc CTCP Xây dựng Đại Lộc, Tô Văn Thanh (1987)- Giám đốc CTCP TV và KTXD Đại Bình An cùng về hành vi "vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Việc hai ông Điểu, Tài cùng các "cộng sự" bị các cơ quan pháp luật xử lý đã tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều. Tương tự, trong năm 2022 các cơ quan pháp luật tại Quảng Nam phát hiện, xử lý là trường hợp ông Thái Minh Hoàng (1964)- Giám đốc BQL DA Đầu tư xây dựng H. Nam Giang và ông Nguyễn Đình Tấn (1959)- Giám đốc Công ty Nam Giang, Phạm Văn Hải (1954)- Tổng giám đốc Cty CPĐTXD CIT về hành vi "vi phạm các quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và vụ án "đưa hối lộ" và "nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty CP Công trình công cộng TP Hội An do ông Nguyễn Quốc Tiến (1974)- Phó tổng giám đốc Cty Công trình công cộng Hội An và ông Trần Quang Kim Sơn (1978) - Trưởng phòng Cty TNHH Đại Phát Tín.

Với 3 vụ án trên, Nhà nước đã "mất" đi 4 cán bộ đang giữ chức vụ giám đốc, phó tổng giám đốc được xem là có nhiều đóng góp trong khoảng thời gian từ 15 năm đến 20 năm công tác. Ngoài việc xử lý những cán bộ vi phạm này bằng biện pháp hình sự, chúng ta còn nhiều mất mát khác mà khó có thể khắc phục được. Với vụ án xảy ra tại BQLD dự án Đầu tư và xây dựng TP Hội An và Thăng Bình, cả hai ông Phạm Văn Điểu và Lê Hữu Vũ đều biết rõ Trần Thanh Dũng là chủ của 3 công ty (Công ty Tư vấn xây dựng Trường Phát-chuyên về tư vấn mời thầu, 2 công ty chuyên về thi công là Công ty Cổ phần Tư vấn - Kỹ thuật Xây dựng Đại Bình An, Công ty xây dựng Đại Lộc) để cùng tham gia và dàn xếp các gói thầu xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách tại Quảng Nam nhưng vẫn "bắt tay" theo hình thức: sân trước mời thầu, sân sau trúng thầu để các "sân sau" của ông Dũng trúng thầu, thực hiện các dự án "kè sinh thái Cẩm Kim giai đoạn 2", "kè bảo vệ và tái tạo bờ biển Cửa Đại-Cẩm An" gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 4 tỷ đồng và dự án "xây dựng 2 trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh tại xã Bình Lãnh và Trường Lê Quý Đôn, thị trấn Hà Lam" gây thiệt hại hơn 7,2 tỷ đồng. Tại dự án xây dựng tuyến đường giao thông nối xã Zuôi, H. Nam Giang với xã Lăng, H. Tây Giang dài 16 Km, "bộ ba" Thái Minh Hoàng, Nguyễn Đình Tấn và Phạm Văn Hải gây thất thoát cho ngân sách hơn 3,2 tỷ đồng. Riêng dự án mua sắm 30 xe điện tại Công ty CPCC Hội An, thông qua hình thức "tạo điều kiện" trúng thầu, Nguyễn Quốc Tiến đã nhận "lại quả" từ Trần Quang Kim Sơn 405 triệu đồng.

Trong 3 phi vụ cán bộ "bắt tay" với nhà thầu trên đều có một điểm chung là tiền từ ngân sách đã "chảy" vào túi riêng của những cán bộ trên với số lượng hàng chục tỷ đồng và hệ quả của hành vi trên gây ra là những công trình này khi tổ chức xây dựng, nghiệm thu… đều có chất lượng quá kém so với tiêu chuẩn Nhà nước quy định và nhân dân là người đứng ra nhận lãnh những hậu quả từ hành vi mà những cán bộ trên gây ra.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo các địa phương chấn chỉnh ngay tình trạng một số lãnh đạo BQLDA đầu tư xây dựng để xảy sai phạm và có những biện pháp khắc phục những tồn tại trong công tác đấu thầu. Đồng thời lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến sai phạm trên là chưa có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của lãnh đạo một số địa phương, của chủ đầu tư các dự án đối với đơn vị tư vấn đấu thầu (bên mời thầu) trong việc lập hồ sơ mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu… và yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, giám đốc các BQL dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các BQLDA đầu tư xây dựng trực thuộc cấp huyện, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn… quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác đấu thầu theo đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu theo đúng quy định.

Với những vụ việc trên, cho thấy việc cán bộ "bắt tay" với nhà thầu đã và đang trở thành hiện tượng mang tính phổ biến hiện nay. Ngoài việc vướng vào vòng lao lý những cán bộ này còn đánh mất tất cả, từ danh dự nhân phẩm, công danh sự nghiệp… còn ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan và gây dư luận xấu trong nhân dân dân… Hy vọng, qua sự việc trên những người nào có ý định tương tự hãy nghĩ về hậu quả mà… chùn tay.

M.T