Khi Đà Nẵng là trung tâm của khu vực?

Thứ sáu, 26/04/2019 07:18

Hôm nay (26-4), Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng sẽ tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 43 mặc dù mới bắt đầu triển khai, nhưng theo đánh giá, thì đây được xem như là “đường băng”, là “luồng sinh khí” cho Đà Nẵng cất cánh trong giai đoạn mới, hướng tới sự phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn...

Theo Kế hoạch mà UBND TP dự thảo nhằm thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, thì một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là “Đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hoạt động hợp tác, liên kết vùng”. Theo đó, một trong những nội dung cụ thể là “Chủ động tham gia, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành T.Ư trong việc rà soát, lập quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo hướng xác lập, phát huy vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng”.

Tại buổi làm việc mới đây với Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Thường trực Tiểu Ban dẫn đầu, trả lời cho câu hỏi “Vai trò, vị trí của Đà Nẵng đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên như thế nào?”, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, cả Nghị quyết 33 và Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đều khẳng định vai trò, vị trí trung tâm của Đà Nẵng không chỉ với miền Trung - Tây Nguyên, mà còn là trung tâm của chuỗi hành lang kinh tế Đông - Tây, tức vai trò ấy được xác định ngày càng lớn hơn.

Theo Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, kiểm điểm 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng nhận thấy bên cạnh những kết quả nổi bật, khá toàn diện, thì cũng có nhiều vấn đề, cùng rất nhiều bài học kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, có những vấn đề mà để một địa phương, cụ thể là Đà Nẵng, với vai trò, vị trí được xác định là “trung tâm” của khu vực, thì ngoài nỗ lực tự thân, Đà Nẵng cũng rất cần sự định hướng chiến lược từ T.Ư, đó là về đầu tư, về chọn lựa hướng phát triển.  

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, thời gian qua, mặc dù có những nhận định mang tầm chiến lược cho Đà Nẵng, nhưng để tương thích thì sự đầu tư cho nhận định mang tầm chiến lược ấy vẫn chưa có, nói cách khác là rất thiếu tập trung, thậm chí rất dở. Nghị quyết 33 nêu lên vai trò của cảng Liên Chiểu đối với sự phát triển của Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước nói chung, nhưng đến nay chuỗi logictisc mà Đà Nẵng là trung tâm vẫn rất mờ nhạt, không muốn nói vẫn là con số không tròn trĩnh.

Lấy minh chứng cụ thể, tổng thu ngân sách của Đà Nẵng năm 2018 là 27 ngàn tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn xấp xỉ 24 ngàn tỷ đồng, điều này cho thấy tỷ lệ thu nội địa của Đà Nẵng là rất lớn. Nhưng với Hải Phòng, theo số liệu cho thấy, tổng thu ngân sách khoảng 75 ngàn tỷ đồng, nhưng thu nội địa lại thấp hơn của Đà Nẵng. Điều này chứng tỏ rõ ràng Hải Phòng chỉ là nơi đi “thu hộ”, nguồn thu lớn nhất là qua hệ thống cảng biển. Vấn đề đặt ra ở đây, nếu Đà Nẵng được đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu, thì ngoài việc liên kết với các địa phương trong khu vực thì vai trò kết nối của nó sẽ bao gồm cả chuỗi hành lang kinh tế Đông - Tây, lúc này câu chuyện sẽ khác hẳn.

Qua câu chuyện này, ông Nghĩa cho rằng, một trong những bài học lớn nhất của cả nước hiện nay là câu chuyện của 63 tỉnh, thành phố, của 63 nền kinh tế (thực ra là 64 nền kinh tế, bởi có thêm nền kinh tế của Nhà nước). Mỗi địa phương là một nền kinh tế thì điều dễ nhận thấy là không có sự đầu tư tập trung, mỗi nơi mỗi phách, mỗi kiểu. Với Đà Nẵng, có 2 dự án rất lớn nếu như được đầu tư tập trung ngay từ đầu là cảng Liên Chiểu và làng Đại học Đà Nẵng thì vai trò kết nối, vị trí trung tâm cả về địa chính trị, kinh tế lẫn nguồn nhân lực cho khu vực sẽ được phát huy.

Đối với Nghị quyết 43, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết “Đà Nẵng coi đây là nghị quyết có tầm chiến lược rất lớn”. Đảng bộ, chính quyền và người dân Đà Nẵng hết sức phấn khởi, bởi Nghị quyết 43 đã chỉ ra được những tồn tại, hạn chế của Đà Nẵng thời gian qua, và đặc biệt là sau khi kiểm điểm, nhận thấy đã đến lúc cần phải “sửa sang” lại. Cụ thể, Đà Nẵng đã chọn một nhà tư vấn của Singapore để quy hoạch lại chiến lược phát triển KT-XH của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, một phần quan trọng của quy hoạch là rà soát toàn bộ quy hoạch hiện nay, điều chỉnh những bất cập, tồn tại, định hình chiến lược cho sự phát triển mới, nhanh và bền vững hơn. Tất nhiên, phát triển bền vững nên không thể quy hoạch theo đầu tư mà phải đầu tư theo quy hoạch.

D.H