Khi dân phòng phát huy vai trò
Thời gian qua, lực lượng dân phòng ở các địa phương trên địa bàn thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở cơ sở, góp phần ngăn chặn, không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân.
Lực lượng dân phòng thị trấn Đức Phổ kịp thời cứu người bị nạn. |
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác PCCC trên địa bàn Đức Phổ nhìn chung đảm bảo yêu cầu về PCCC. Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn về cháy, nổ và sự gia tăng về các tai nạn, sự cố, nhất là khi ý thức chấp hành pháp luật về PCCC và CNCH của một số chủ cơ sở kinh doanh, sản xuất và người dân chưa cao; các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác chữa cháy; thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường, nắng, nóng hanh khô kéo dài… Những yếu tố nêu trên đã tác động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác PCCC trên địa bàn.
Xác định vai trò hết sức quan trọng của lực lượng PCCC cơ sở, những năm qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị xã Đức Phổ đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; quan tâm xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có trình độ, kỹ năng giải quyết, xử lý tốt các vụ việc, tình huống cháy, nổ xảy ra tại cơ sở. Đến nay, 100% các Đội PCCC dân phòng đã được thành lập và kiện toàn theo tình hình thực tế tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn thị xã. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH tại cơ sở, khu dân cư. Các chế độ chính sách đối với lực lượng dân phòng đã được quan tâm và hỗ trợ kinh phí thường xuyên cho các chức danh Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng tại một số Đội trên địa bàn thị xã. Qua đó, đã nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng PCCC tại chỗ, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân tham gia PCCC phát triển bền vững tại địa bàn cơ sở. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng, qua đó nâng cao kỹ năng, sự phối hợp, hiệp đồng trong việc giải quyết, xử lý các tình huống cháy nổ theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Tuy nhiên, trên thực tế lực lượng dân phòng ở các địa phương vẫn còn một số hạn chế nhất định, như: hoạt động của lực lượng dân phòng ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; chế độ chính sách, phương tiện phục vụ PCCC và CNCH của lực lượng dân phòng chưa được đầu tư, trang bị kịp thời; một số dân phòng ở nhiều địa phương còn chưa thành thạo các kỹ năng cơ bản của công tác chữa cháy, biện pháp phòng ngừa cháy, nổ…
Trong thời gian tới, để phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia PCCC ở địa phương, lực lượng dân phòng cần chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, là phải trực tiếp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC cho nhân dân; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC ở khu dân cư; kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về PCCC; kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC. Thường xuyên tổ chức thực tập phương án chữa cháy, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH khi có cháy, nổ xảy ra. Đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất UBND xã, phường trong việc ban hành quy định, nội quy về PCCC tại thôn, tổ dân phố; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá quá trình hoạt động của lực lượng dân phòng, từ đó có biện pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế của lực lượng dân phòng trong công tác PCCC và CNCH; đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ PCCC trong tình hình mới.
Tấn Trung