Khi hiệu trưởng nói chuyện với giảng viên bằng... quả đấm
(Cadn.com.vn) - Trường Đại học Quy Nhơn (ĐHQN-tiền thân là cơ sở Đại học Sư phạm Quy Nhơn) ra đời từ năm 1977. Qua nhiều năm gánh vác đào tạo nguồn nhân lực cho miền Trung-Tây Nguyên, đến nay Trường ĐHQN có một đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất hùng hậu gồm 15 trung tâm, 11 phòng, ban với lượng cán bộ công chức lên đến 823 người (trong đó có 4 phó giáo sư, 57 tiến sĩ, 252 thạc sĩ). Quy mô nhà trường hiện đào tạo 22.500 sinh viên. Trường cũng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý. Tuy nhiên thời gian gần đây, dưới sự điều hành của PGS-TS Trần Tín Kiệt - Hiệu trưởng đã để lại sự mâu thuẫn trầm trọng, xung đột gay gắt đến mức cuối tháng 12-2008, hiệu trưởng và các giảng viên đã giải quyết xung đột ấy bằng... quả đấm.
Những sai phạm nghiêm trọng kéo dài
Điều thứ nhất, sau khi ông Trần Tín Kiệt lên làm Hiệu trưởng thì có 8 người thân trong dòng họ, anh em ruột thịt được ông tuyển dụng vào làm cán bộ tại nhà trường. Trước hết phải nói đến bà Đinh Tú Linh (vợ ông Trần Tín Kiệt). Sau đó là bà Đinh Tú Lan (em ruột bà Linh), Phạm Mạnh Hùng (em họ bà Linh); bà Phạm Thị Bình Nguyên (vợ ông Hùng), ông Trần Thế Hưng (cháu ông Kiệt), bà Phạm Thị Thu Hồng (em họ vợ ông Kiệt), ông Nguyễn Khắc Oanh (chồng bà Đinh Tú Lan) và Đinh Thanh Tùng (con riêng bà Linh) cũng lần lượt được đưa vào các vị trí quan trọng của nhà trường. Trong đó đáng kể nhất là bà Đinh Tú Lan hiện giữ chức Phó phòng Hành chính - Tổng hợp và ông Nguyễn Khắc Oanh, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm thực nghiệm Nông-Lâm Nhơn Tân. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm 8 người trên tuy đảm bảo các quy định của ngành GD-ĐT nhưng đã để lại dư luận không tốt trong cán bộ nhà trường.
Điều thứ hai, Hiệu trưởng Trần Tín Kiệt đã tự điều động một số cán bộ ở các phòng, ban về trực tiếp làm công tác giảng dạy mà không thông qua Hội đồng chuyên môn thẩm định, đánh giá, thử việc. Điều này đã tạo ra mâu thuẫn nội bộ khá gay gắt. Điều oái oăm nữa là: Ban chủ nhiệm khoa Giáo dục Tiểu học bất ngờ bị ông Kiệt giải thể mà không ai hiểu nguyên nhân vì sao. Mặt khác ông Kiệt đã tự động cất nhắc, luân chuyển, thay đổi quyết định điều động nhiều lần, nhiều người trong thời gian ngắn đã gây sự bất ổn, xáo trộn, đặc biệt gây sự nghi ngờ, bức xúc cho nhiều cán bộ, giáo viên ở trường. Ngoài ra, ông Trần Tín Kiệt có cách quản lý rất độc đoán. Khi ông Kiệt không ưng Phó Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thành vì một số điều liền mạt sát, sỉ vả ông Thành. Chính cách hành xử không đúng mực của hiệu trưởng đã làm cho nhiều cán bộ, giảng viên ở đây cảm thấy bị xúc phạm.
Trong lĩnh vực quản lý kinh tế, Trường ĐHQN cũng tồn tại quá nhiều sai phạm. Cụ thể như, trường có các hoạt động dịch vụ như căng-tin, giữ xe, ký túc xá nhưng nhiều năm liền không đăng ký kinh doanh, nộp thuế... Ngoài ra, trường còn tự ý thu nhiều khoản của sinh viên như lệ phí nhập học, lệ phí tổ chức thi học phần; tiền hỗ trợ in giáo trình, tài liệu, trang thiết bị học tập; bảo hiểm tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế cơ sở vật chất của nhà trường thì nghèo nàn, dột nát, chật hẹp, thiếu ánh sáng... ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của sinh viên. Việc đầu tư tại Trung tâm thực nghiệm Nông-Lâm Nhơn Tân không có trang thiết bị học tập và nghiên cứu là một ví dụ. Khi thực hiện dự án này, nhà trường không tổ chức đấu thầu (dự án hơn 2 tỷ đồng) mà chia nhỏ để chỉ định thầu. Quá trình khảo sát, lập quy hoạch tổng thể, thiết kế chi tiết và thẩm định lại không hợp đồng với cơ quan chuyên môn có thẩm quyền nên việc thi công hai hồ cá trở nên dang dở. Thậm chí, trang thiết bị mua sắm cho Trung tâm lên đến 1,4 tỷ đồng cũng không được tổ chức đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh. Giảng đường A1 của Trường ĐHQN được xây dựng “chui” đã bị thanh tra Sở Xây dựng Bình Định đình chỉ 2 lần; việc xây dựng nhà đào tạo trung tâm kéo dài từ năm 2006 đến nay vẫn chưa xây xong phần móng.
Trong công tác tuyển sinh và đào tạo của Trường ĐHQN cũng tồn tại không ít sai phạm. Chúng tôi xin đơn cử, việc Trường ĐHQN đã liên kết với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển sinh đào tạo ngành Kinh tế đầu tư vượt quá 4 lần cho phép; đào tạo 30 học sinh khóa 5 hệ tại chức tại Đắc Lắc một cách vội vàng, cẩu thả, đến khi tốt nghiệp, số học sinh này mới biết mình không đủ điều kiện, gây ra sự phản ứng nặng nề cho người dạy và người học...
Ông Nguyễn Ngọc Anh-Phó Bí thư Đảng ủy nhà trường
(người ngồi đầu tiên bên phải) làm việc với báo giới.
Cần giải quyết dứt điểm
Ngày 30-12-2008, tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Bí thư Đảng ủy nhà trường gần như không trả lời được những vấn đề chúng tôi đặt ra. Ông Anh cho rằng, mình chỉ là Phó Bí thư Đảng ủy nên không có quyền phát ngôn mà người có thẩm quyền phải là Bí thư - Hiệu trưởng Trần Tín Kiệt. Chúng tôi có cảm nhận, tổ chức Đảng ở đây gần như bị tê liệt trước những việc làm độc đoán, sai phạm kéo dài của ông Trần Tín Kiệt.
Vậy nên hậu quả nặng nề nhất đã xảy ra, đó là cuộc ẩu đả dữ dội giữa ông Trần Tín Kiệt và một số người nhà với giảng viên của trường vào ngày 29-12-2008. Hậu quả còn kéo theo ngày hôm sau (30-12), hàng chục giảng viên đã đến chất vấn, phản đối, la lối tại một số phòng, ban của nhà trường gây náo loạn cả khu vực. Trước những sai phạm đó, ngày 6-1, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố quyết định tạm đình chỉ công tác trong 3 tháng đối với ông Trần Tín Kiệt để kiểm điểm và xem xét xử lý kỷ luật. Đồng thời bổ nhiệm PGS –TS Nguyễn Sum – Phó Hiệu trưởng đảm nhận nhiệm vụ phụ trách Trường ĐHQN đến khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bổ nhiệm hiệu trưởng nhà trường.
Cùng ngày, Tỉnh ủy Bình Định cũng đã chính thức công bố 2 quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định do Phó Bí thư Thường trực Phạm Văn Thanh ký đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Trần Tín Kiệt - Bí thư Đảng ủy Trường ĐHQN trong thời gian 90 ngày (kể từ ngày 2-1-2009) để xem xét xử lý kỷ luật về Đảng; đồng thời giao ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Bí thư Đảng ủy phụ trách công việc của Bí thư Đảng ủy Trường ĐHQN. Được biết, hiện nay Bộ GD&ĐT và Tỉnh ủy Bình Định đang khẩn trương kết luận và xử lý dứt điểm những sai phạm tại Trường ĐHQN để sớm đưa trường trở lại hoạt động ổn định và nền nếp.
Duy Anh-Lê Duy