Khi ly hôn, vợ chồng có chuyển nợ cho nhau được không?
*Luật sư Đặng Văn Vương – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners kiêm Trưởng Chi nhánh Cẩm lệ, trả lời:
Theo quy định hiện nay, pháp luật không bắt buộc vợ, chồng phải trả hết nợ mới được xem xét cho ly hôn. Khi hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không thể đạt được thì vợ hoặc/và chồng có thể yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”
Như thông tin chị Lê trình bày, vợ chồng chị đang nợ ngân hàng 500 triệu đồng, vợ chồng chị muốn thỏa thuận chị sẽ nhận căn nhà hiện đang thế chấp tại ngân hàng và sẽ là người đứng ra trả toàn bộ khoản nợ, hay nói cách khác, nghĩa vụ trả khoản nợ 500 triệu đối với ngân hàng thuộc về chị, còn chồng chị không có nghĩa vụ gì đối với ngân hàng. Để được pháp luật công nhận, thỏa thuận này của vợ chồng chị cần phù hợp với các quy định như dưới đây.
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
“Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết.”
Bộ luật Dân sự 2015
Điều 370. Chuyển giao nghĩa vụ
1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ. Khoản nợ của vợ chồng chị đối với ngân hàng là khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân nên vợ chồng chị phải có nghĩa vụ chung đối với khoản nợ trên. Nếu vợ chồng chị muốn thỏa thuận chuyển giao toàn bộ nghĩa vụ trả nợ qua cho chị, cần có sự đồng ý từ phía ngân hàng thì mới đúng quy định của pháp luật. Trường hợp ngân hàng không đồng ý cho vợ chồng chị chuyển giao nghĩa vụ toàn bộ sang cho chị thì vợ chồng chị buộc phải có nghĩa vụ chung đối với khoản nợ trên kể cả sau ly hôn. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, khi ly hôn, vợ chồng chị cần đưa ngân hàng vào tham gia tố tụng với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để đảm bảo quyền lợi của ngân hàng.
Ngoài ra, đối với tài sản chung là bất động sản đang được thế chấp cho khoản nợ tại ngân hàng, khi ly hôn, vợ chồng chị có quyền thỏa thuận việc phân chia; trường hợp vợ chồng chị không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết theo các quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Từ những quy định pháp luật nêu trên, cùng với thông tin chị Lê cung cấp thì việc vợ chồng chị đang nợ ngân hàng sẽ không ảnh hưởng đến quyền yêu cầu ly hôn của vợ chồng chị, nhưng trong quá trình ly hôn, vợ chồng chị cần đảm bảo quyền lợi của ngân hàng đối với khoản nợ nói trên.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong &
Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425