Khi Mỹ - Cuba gỡ rối ngờ vực

Thứ bảy, 07/02/2015 10:14

(Cadn.com.vn) - Mỹ đang gây sức ép Cuba cho phép mở Đại sứ quán tại La Havana vào cuối tháng 4, mặc dù chính quyền Chủ tịch Raul Castro yêu cầu trước tiên phải được gỡ bỏ khỏi danh sách nhà nước tài trợ khủng bố.

Mỹ ngày 6-2 tuyên bố muốn Cuba cho phép mở Đại sứ quán tại La Havana vào trước cuối tháng 4 này.

Reuters dẫn lời 2 quan chức Mỹ cho biết thêm, Washington mong muốn tái thiết lập quan hệ ngoại giao trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh khu vực ở Panama vào tháng 4, thời điểm Tổng thống Barack Obama sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro lần đầu tiên kể từ năm 2013. Tuy nhiên, từ lâu nay, La Havana đưa ra điều kiện tiên quyết là Washington trước tiên phải gỡ bỏ Cuba khỏi danh sách nhà nước tài trợ khủng bố.

Mỹ và Cuba đang nỗ lực tiến gần đến bình thường hóa quan hệ song phương.  Ảnh: AP

Việc Cuba không cho phép Mỹ nhanh chóng thiết lập Đại sứ quán chính thức lần đầu tiên trong nửa thế kỷ có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán giữa hai cựu thù Chiến tranh Lạnh, phản ánh sự thiếu tin cậy lâu dài dù cả hai đang di chuyển đến cuối thập kỷ đối đầu. Trong khi đó, xóa Cuba khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố có thể mất đến hàng tháng hoặc lâu hơn, mặc dù Nhà Trắng đang thúc đẩy các quan chức nỗ lực nhanh chóng hơn.

Washington liệt Cuba vào danh sách này vào năm 1982, với cáo buộc chính quyền Chủ tịch Fidel Castro đào tạo và trang bị vũ khí cho phiến quân ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh. Danh sách này rất ít, chỉ có Iran, Sudan, Syria và Cuba. Nhưng sự hiện diện của Cuba trong danh sách đặt ra nhiều câu hỏi. Theo Mỹ, Cuba từ lâu là nơi ẩn náu an toàn cho các thành viên của các nhóm ly khai xứ Basque ETA và cánh tả FARC ở Colombia. Nhưng ETA đã suy yếu nghiêm trọng trong khi FARC đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ Colombia 2 năm qua.

Thậm chí, Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận trong báo cáo về việc Cuba đã đạt được nhiều tiến bộ. “Không có dấu hiệu cho thấy chính phủ Cuba cung cấp vũ khí hoặc bán quân sự đào tạo các nhóm khủng bố”, báo cáo viết. Cuba nêu vấn đề này trước khi các cuộc đàm phán đầu tiên hồi tháng 1 ở La Havana. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Cuba nói rằng, thật “không công bằng” khi cứ để La Havana trong “danh sách đen” này. Và đối với Cuba, việc được loại ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố chính là thắng lợi tuyên truyền đầy thèm muốn ở trong và ngoài nước.

Nhưng rất hiếm khi Mỹ dễ dàng loại bỏ một thực thể hoặc quốc gia ra khỏi danh sách ủng hộ khủng bố. Một thực thể được loại bỏ sau chiến dịch vận động hành lang dài và căng thẳng là Mujahiddin e Khalq, một nhóm người Iran gây tranh cãi và sùng bái đạo. Việc nằm trong danh sách này cũng đi kèm với các lệnh trừng phạt kinh tế, và có thể là quyết định phạt các Cty làm ăn với các nước trong danh sách. Kỷ lục về mức phạt là 8,9 tỷ USD nhằm vào ngân hàng Pháp BNP Paribas vào năm ngoái vì làm ăn kinh doanh với Sudan, Iran và Cuba.

Và để hoàn thành việc loại Cuba khỏi “danh sách đen”, Tổng thống Obama sẽ cần phải trình lên Quốc hội báo cáo chắc chắn rằng, La Havana không hỗ trợ các hoạt động liên quan khủng bố trong 6 tháng, và rằng, La Havana đảm bảo sẽ không hỗ trợ khủng bố trong tương lai.

Trở ngại quan trọng khác đặt ra trên con đường bình thường hóa quan hệ lần này là Nhà Trắng tuyên bố sẽ không trả lại Cuba căn cứ hải quân Mỹ trên vịnh Guantanamo – một trong những yêu cầu mà Chủ tịch Raul Castro đưa ra trong cuộc đàm phán hướng đến bình thường hóa quan hệ song phương. Tuyên bố trên được bà Roberta Jacobson, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu, đưa ra tại phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ. Ngoài ra, bà Jacobson nhấn mạnh, Washington sẽ tiếp tục tài trợ cho các chương trình phát thanh và truyền hình có nội dung chống chính phủ La Havana.

Theo kế hoạch, cuộc tiếp xúc thứ 2 giữa Mỹ và Cuba sẽ diễn ra vào tháng 3 tới tại Mỹ, sau cuộc đàm phán đầu tiên tại Cuba nhằm hướng đến bình thường hóa quan hệ song phương vốn bị đóng băng trong suốt nửa thế kỷ. Và nhiều người đang rất hy vọng về bước đột phá mạnh mẽ tại bàn đàm phán lần này.

Khả Anh