Khi ngôn ngữ không là rào cản

Thứ ba, 03/11/2015 09:25

(Cadn.com.vn) - Là Phó chủ nhiệm của câu lạc bộ (CLB) Ngôn ngữ ký hiệu duy nhất tại TP Đà Nẵng, suốt 4 năm qua, Trần Đại Phước cùng các thành viên khác đã khơi dậy được lòng tin cho nhiều người khiếm thính, giúp họ hòa nhập tốt với cộng đồng và xóa bỏ khoảng cách của xã hội đối với những người khuyết tật.

Trần Đại Phước trong một buổi sinh hoạt về phòng chống bạo lực cho người điếc. 

Ngôn ngữ không của riêng ai

Thành lập từ năm 2011, CLB Ngôn ngữ ký hiệu ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ của các SV Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng với số lượng thành viên chưa tới 10 người. Hướng đến mục tiêu giúp đỡ người câm điếc, tạo điều kiện để họ kết nối tốt hơn với cộng đồng, Trần Đại Phước – SV năm cuối Khoa Tâm lý – Giáo dục đã mạnh dạn gia nhập CLB, từ đó làm một “cuộc cách mạng” để đưa CLB phát triển mạnh mẽ hơn. Đến nay, CLB đặc biệt này đã có khoảng 50 thành viên liên kết với nhiều tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố cũng như các tổ chức phi chính phủ lớn nhỏ khác, tạo thành một cộng đồng thiết thực và có ích, giúp đỡ cho nhiều người câm điếc.

Nói về cái duyên đến với CLB, Phước tâm sự: “Tôi rất thích những hoạt động kết nối cộng đồng. Riêng đối với những người khuyết tật, đặc biệt là người câm điếc, tôi rất muốn được tiếp xúc, giúp đỡ họ. CLB Ngôn ngữ ký hiệu chính là kênh hữu hiệu nhất để giao tiếp với những người này”.

Để CLB hoạt động đều đặn và thực sự là kênh tương tác hiệu quả với những người câm điếc, Phước và các thành viên CLB đã làm việc bằng tất cả niềm say mê và tình yêu thương dành cho những con người bất hạnh này. Ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ ở trường, nhóm còn thường xuyên tham gia sinh hoạt và hỗ trợ phiên dịch cho CLB Người điếc Đà Nẵng, phối hợp tổ chức các chương trình từ thiện gây quỹ, quay clip về quê hương đất nước bằng ngôn ngữ ký hiệu dành cho người câm điếc... Những nỗ lực của các thành viên CLB đã tạo được sự lan tỏa và gắn kết trong cộng đồng, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn nhiều khu vực khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đắc Lắc, Quảng Ngãi...

Một trong những hoạt động nổi bật của CLB và cũng là điều kiện cần cho tất cả các thành viên khi tham gia chính là dạy ngôn ngữ ký hiệu, bởi đây là cách duy nhất để nói chuyện với những người câm điếc. “Ngôn ngữ không thuộc sở hữu của riêng ai. Nếu người điếc chỉ sử dụng nó để nói chuyện với nhau thì không thể nào giao tiếp, hòa nhập được với cộng đồng. Muốn giúp họ thì chúng ta phải hiểu được ngôn ngữ của họ, phải lan truyền rộng rãi ra thì mới thực hiện được mục tiêu ban đầu của CLB”, Phước chia sẻ.

Theo đó, nhiều thành viên trong CLB đã được tham gia khóa học ngôn ngữ ký hiệu do Trung tâm giáo dục – đào tạo ngôn ngữ ký hiệu và Hỗ trợ người điếc miền Trung (CDS) tổ chức giảng dạy. Trên cơ sở giáo trình đào tạo bài bản và đánh giá chất lượng thực học không khác gì một lớp học “ngoại ngữ”, các thành viên trong CLB đã được cấp bằng hoặc giấy chứng nhận, từ đó có thể tự tin hơn trong giao tiếp và sinh hoạt với những người câm điếc. “Qua những buổi sinh hoạt, tụi mình giúp người câm điếc có thể chỉnh sửa lại văn bản viết, còn các bạn ấy lại giúp tụi mình nâng cao trình độ trong sử dụng ngôn ngữ ký hiệu”, Lại Thị Mai Trâm, Chủ nhiệm CLB cho hay.

Trần Đại Phước (góc trên bên phải) trong dự án “Đôi bàn tay nói”.

Hãy để đôi bàn tay nói!

Là một phó chủ nhiệm tích cực và năng nổ của CLB Ngôn ngữ ký hiệu, cũng là người tâm huyết với các phong trào đòi bình đẳng giới, Trần Đại Phước đã nhiều lần nộp đơn đăng ký vào các chương trình kết nối cộng đồng trên phạm vi cả nước. Với dự án “Đôi bàn tay nói” do Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và Trung tâm tình nguyện quốc gia (VVC) phát động, Phước được chọn là 1 trong 30 gương mặt trẻ trên cả nước ra Hà Nội tham gia tập huấn về phòng chống bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái.

Lập tức, cô gái nhỏ đầy sáng kiến đã nghĩ ngay đến việc triển khai dự án này vào cộng đồng người câm điếc, làm nên chiến dịch phòng chống bạo lực cho người điếc. Phước cho biết: “Với những người bình thường, việc tuyên truyền phòng chống bạo lực đã khó rồi thì với những người câm điếc lại là một thử thách lớn. Thông qua đôi bàn tay, tôi muốn những người câm điếc cũng được tiếp nhận thêm kiến thức về phòng chống bạo lực để giúp họ vững tin hơn trong cuộc sống”.

Đến nay, CLB Ngôn ngữ ký hiệu đã tổ chức được lớp tập huấn phòng chống bạo lực cho 45 người câm điếc với số tình nguyện viên tham gia lên tới hơn 40 người. Không dừng lại ở đó, CLB còn muốn hướng cộng đồng người khiếm thính đến với những dự án chung trong xã hội với phương châm đối xử với người khiếm thính công bằng như những người bình thường khác. Với tên gọi “Hành trình không lời” nhằm tạo cơ hội cho người khiếm thính tại Đà Nẵng được tiếp cận thông tin về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục, Mai Trâm – Chủ nhiệm CLB hiện đã có mặt tại Hà Nội để đem sáng kiến này tham dự cuộc thi “Sáng kiến chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên 2015”.

Dù chỉ mới 21 tuổi nhưng với niềm yêu thích công tác xã hội, Phước đã thu được khá nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp xúc với những người câm điếc. Nhận xét về thành viên tiêu biểu này, Mai Trâm cho biết: “Phước là một cô gái năng động, luôn cố gắng để CLB được hoạt động tốt nhất. Phước thường xuyên kết hợp quay clip ngôn ngữ ký hiệu với mọi người, tạo được sự hứng thú để các thành viên khác học hỏi”.

Cô gái có cái tên “đặc biệt” Trần Đại Phước luôn nuôi dưỡng niềm say mê với công tác xã hội và ước mơ trở thành một giảng viên ngành công tác xã hội. Hy vọng những nỗ lực của Phước sẽ thành hiện thực, để ngôn ngữ không còn là rào cản nữa mà trở thành phương tiện kết nối giữa cộng đồng với những người khiếm thính.

Thảo Vy