Khi Nhà Trắng đổi chủ

Thứ sáu, 19/02/2021 09:00

Sau thời điểm 12 giờ ngày 20-1 (giờ Mỹ), những dấu tích cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump bị quét sạch, khi gia đình người kế nhiệm Joe Biden chuyển vào Nhà Trắng.

Và đó là thời điểm mọi con mắt đều dõi theo những gì đang xảy ra bên trong phòng Bầu Dục - nơi làm việc của tổng thống trong 4 năm tới - để xem những thỏa thuận nào được thực hiện, những chính sách gì được công bố.

Ông Joe Biden tại giờ phút tuyên thệ nhậm chức trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ sau cuộc bầu cử đầy sóng gió cho đến phút chót. Ảnh: Reuters

Từ cảnh quan...

Theo thông lệ, phòng Bầu Dục luôn được thay đổi nội thất và cách trang trí mỗi khi đón một nhà lãnh đạo mới. Không chỉ là biểu tượng quyền lực của các Tổng thống Mỹ, căn phòng này còn phản ánh cá tính và phong cách lãnh đạo riêng của mỗi người.

Vì vậy, từng ngóc ngách trong căn phòng đều được các tổng thống Mỹ, gia đình và nhân viên thay đổi rất tỉ mỉ, từ lựa chọn đồ nội thất, tác phẩm nghệ thuật đến những đồ trang trí nhỏ đặt trên kệ. Gia đình tân Tổng thống Joe Biden cũng không ngoại lệ. Và lần này, cách bài trí phòng Bầu Dục tiết lộ phong cách làm việc của ông Biden đã có sự biến đổi một cách ấn tượng và đầy tinh tế, phản ánh rõ thị hiếu và phong cách làm việc của ông.

Theo Washington Post, tại Phòng Bầu dục, bức chân dung của Tổng thống Andrew Jackson - Tổng thống thứ 7 của nước Mỹ bị loại bỏ và thay thế bằng chân dung của Benjamin Franklin - một trong những nhà lập quốc vĩ đại của nước Mỹ. Giống như nhiều tác phẩm nghệ thuật được đặt tại Nhà Trắng trước đó, bức chân dung này dường như được mượn từ phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia của viện Smithsonian. Theo Washington Post, bức chân dung của ông Benjamin Franklin và một hòn đá mặt trăng đặt gần đó thể hiện sự quan tâm của ông Biden đối với khoa học, cũng như nhắc nhở về thành tựu và tham vọng của các thế hệ trước. 

Ông Biden cũng đặt một bức tượng bán thân bằng đồng của nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng gốc La-tinh Cesar Chavez, phía sau bàn làm việc. Ông Cesar Chavez đã tìm cách nâng cao nhận thức về điều kiện làm việc khắc nghiệt của những lao động trong các nông trang ở Mỹ và đấu tranh giúp nâng cao đời sống của họ. Việc đặt bức tượng bán thân này ở Cánh Tây được thực hiện cùng thời điểm ông Biden đề xuất dự luật nhập cư cho phép các lao động nhập cư làm việc trong ngành nông nghiệp có thể nhận thẻ xanh ngay lập tức nếu họ đủ điều kiện. Bố cục mới của phòng Bầu Dục còn có tượng bán thân của Martin Luther King Jr. - nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng từng nhận giải Nobel Hòa bình, Robert F. Kennedy - cố Thượng nghị sĩ và Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, và Cesar Chavez - biểu tượng phong trào lao động Mỹ ở hai bên lò sưởi. Các tượng bán thân khác được bố trí trong phòng Bầu Dục của ông Biden còn có nhà hoạt động Rosa Parks và cố Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt.

Nhằm nhấn mạnh lập trường của Tổng thống Biden về đoàn kết dân tộc, bức tranh của hai đối thủ chính trị Alexander Hamilton - một trong những nhà lập quốc vĩ đại của nước Mỹ và Thomas Jefferson - Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ được đặt cạnh nhau khi phòng Bầu Dục được bài trí lại. Văn phòng Tổng thống Biden nói với Washington Post rằng, mục đích của sự sắp đặt này nhằm thể hiện rằng, sự khác biệt về quan điểm là điều cần thiết cho nền dân chủ. Đối diện với bàn làm việc của Tổng thống Biden là chân dung của Tổng thống Franklin Roosevelt - người cũng giống ông Biden khi nhậm chức trong bối cảnh có nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm Đại Suy thoái và những thách thức sau Thế chiến II.

...cho đến các chính sách thời Joe Biden

Sau nhiều sóng gió với một cuộc bầu cử bất ổn nhất trong nhiều thập kỷ, với một cuộc bạo loạn chưa từng có ở Đồi Capital, nước Mỹ cuối cùng cũng đã chào đón ngày mới dưới chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden với hàng loạt cam kết trong nhiều lĩnh vực, nhằm đưa “nước Mỹ trở lại”.

Ngay sau khi ngồi vào chiếc ghế quyền lực ở phòng Bầu Dục, ông Biden bắt tay tháo gỡ các di sản của người tiền nhiệm, ký hàng loạt sắc lệnh, văn bản đảo ngược các vấn đề từ chống dịch Covid-19, môi trường cho đến nhập cư, kinh tế. Trên Twitter, ông thể hiện rõ quyết tâm của mình: “Không có thời gian để lãng phí khi phải giải quyết các cuộc khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt”. Ông chủ mới của Nhà Trắng ký ban hành 17 văn bản, gồm 15 sắc lệnh hành pháp và 2 văn bản về pháp lý khác, tập trung vào các vấn đề chính liên quan đại dịch Covid-19, kinh tế, môi trường, bình đẳng và di trú. 

Qua ngòi bút quyền lực, động thái đầu tiên của ông Biden là bắt buộc đeo khẩu trang tại các cơ quan Liên bang Mỹ và đối với toàn bộ nhân viên liên bang - bước tiếp cận trái ngược với chính sách đối phó đại dịch Covid-19 của ông Trump. Ông Biden còn bổ nhiệm một điều phối viên giám sát nỗ lực của Nhà Trắng trong việc phân phối vaccine và nguồn cung y tế, mở rộng hỗ trợ kinh tế. Tổng thống Mỹ cũng ngăn nguồn quỹ chi cho việc xây dựng bức tường biên giới phía nam với Mexico, đảo ngược lệnh cấm du lịch nhắm vào các nước Hồi giáo, khôi phục bước tiến về môi trường và thúc đẩy sự đa dạng. Theo đó, ông Biden sẽ ngăn nỗ lực của ông Trump rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, khởi động quá trình tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris và ngừng việc rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó nhà dịch tễ học Anthony Fauci sẽ dẫn đầu phái đoàn của Mỹ dự cuộc họp sắp tới của WHO...

Chúng ta có lẽ đều đã thấy, vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đã có một bài diễn văn nhậm chức đầy cảm xúc và gợi cảm hứng, với nhiều lời lẽ hứa hẹn sẽ đoàn kết đất nước và đưa “nước Mỹ trở lại”. Hy vọng và kỳ vọng đặt ra rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách đố, thách thức không nhỏ đang chờ đợi tân chính phủ ngay từ ngày đầu tiên.

KHẢ ANH