Khi thầy giáo trẻ dạy lớp 12

Thứ hai, 04/01/2016 10:47

(Cadn.com.vn) - Tôi có đứa cháu đang học lớp 12 ở thành phố duyên hải miền Trung. Cháu kể, dạy môn Hóa lớp nó là giáo viên trẻ, mới ra trường. Vì thầy trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên gặp phải nhiều tình huống dở khóc dở cười. Chọc thầy cho vui, mấy bạn nữ chống cằm nhìn thầy đắm đuối khiến thầy đỏ mặt, giảng bài không dám nhìn xuống lớp mà cứ nhìn lên trần nhà. Kết quả là thầy vấp té trên bục giảng. Còn mấy bạn nam thì choàng vai bá cổ gọi thầy bằng anh, và rủ thầy đi nhậu (?!). Nhìn thầy bối rối từ chối mà thương. Chưa hết, mấy đứa “quỷ sứ” còn sưu tầm bài tập khó “hỏi xoáy” khiến thầy lúng túng toát mồ hôi đầm đìa, và kết quả là thầy lau mồ hôi bằng giẻ lau bảng!

Nghe cháu kể tôi thấy thương cho thầy giáo trẻ tội nghiệp phải trân mình chịu trận trước những trò nghịch ngợm của lũ “nhất quỷ nhì ma”. Thời tôi học phổ thông (cách đây 15 năm), giảng dạy lớp 12 là những giáo viên nhiều kinh nghiệm. Lớp 12 là năm học rất quan trọng, học sinh đối mặt với kỳ thi quyết định tới tương lai là thi tốt nghiệp và thi đại học, vì vậy rất cần những giáo viên nhiều kinh nghiệm. Tôi không hiểu vì sao nhà trường lại cho một giáo viên mới ra trường đứng giảng dạy lớp 12 để rồi gặp phải những tình huống khó đỡ như vậy? Đành rằng đã tốt nghiệp đại học thì hoàn toàn đủ khả năng dạy bất cứ khối lớp nào ở bậc THPT, thậm chí giáo viên trẻ kiến thức còn giỏi hơn, nhất là về công nghệ. Nhưng nghề giáo có một đặc thù là “gừng càng già càng cay”. Bởi thế mới có câu “thầy giáo già con hát trẻ”. Câu nói này là một đúc kết chính xác dành cho nghề dạy học và nghề ca hát, dù không tuyệt đối nhưng chắc chắn được số đông ủng hộ. Rõ ràng, nghề ca hát thì phải trẻ đẹp mới thu hút khán giả. Còn thầy giáo già mới có nhiều kinh nghiệm, tâm thế của học trò lớp 12 khi học thầy giáo già cũng tốt hơn do có sự kính trọng dành cho người lớn tuổi, các em sẽ không dám “hỏi xoáy” thầy và nếu có chuyện đó thì thầy cũng sẽ biết cách xử lý tình huống tốt hơn để không xảy ra những “tai nạn nghề nghiệp” đáng tiếc. Còn một thầy giáo trẻ, mới ra trường mà dạy lớp 12 thì tâm thế của học trò sẽ khác, dễ gặp phải những tình huống khó đỡ, và do chưa có nhiều kinh nghiệm nên dễ xảy ra “tai nạn nghề nghiệp”.

Cần có sự hợp lý trong phân công chuyên môn để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục (ảnh minh họa). Ảnh: Internet

Tôi đem thắc mắc của mình trao đổi với bạn bè làm nghề giáo thì được biết chuyện này có liên quan đến vấn đề... dạy thêm học thêm. Tôi tròn mắt ngạc nhiên nghe bạn giải thích. Thì ra, người ta mạnh dạn giao cho giáo viên trẻ đứng lớp 12 là vì không còn sợ áp lực thành tích, bởi những năm gần đây thi tốt nghiệp có mấy người rớt, nhất là những trường ở thành phố. Và với cách thức xét tốt nghiệp là điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp cộng với điểm trung bình lớp 12 thì người ta càng mạnh dạn cho giáo viên trẻ đứng lớp 12 vì dễ chỉ đạo... nâng điểm cho học sinh! Trong khi dạy lớp 12 cơ hội dạy thêm ít hơn. Theo lý giải của “người trong cuộc” thì đã lớp 12 những em học lực trung bình, yếu không còn sợ bị “đè” ở lại lớp, còn những em học khá giỏi thì đủ lớn khôn tìm học thầy cô giỏi ở trung tâm luyện thi chứ không học thêm do thầy cô đứng lớp. Với học trò lớp 10, lớp 11 còn sợ bị “đè” ở lại lớp nên đi học thêm nhiều hơn. Thế nên mới có chuyện giáo viên trẻ bị đẩy cho dạy lớp 12 còn giáo viên “cứng cựa” thì giành nhau dạy lớp 10, lớp11 (?!).

Thiết nghĩ, những người làm giáo dục, đặc biệt là những nhà quản lý phải chú ý đến việc này, trong phân công chuyên môn cần phải có sự hợp lý, không nên để động cơ “dạy thêm học thêm” làm ảnh hưởng đến quyền lợi của học trò cũng như ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục!

Hoài Thuận