Khoảng dừng để “làm mới” du lịch

Thứ sáu, 14/05/2021 07:12

Thời điểm dịch COVID-19 đang phức tạp, du khách không tới Đà Nẵng sẽ là khoảng thời gian chậm lại để tái thiết du lịch TP theo hướng bền vững, chất lượng hơn.

Hiện tuyến Sông Hàn – cầu Trần Thị Lý có khoảng 20 tàu du lịch hoạt động, tạo sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn cho du lịch TP.

Đầu tư hạ tầng kinh tế đêm

Về cơ bản hạ tầng Đà Nẵng đầu tư cho dịch vụ, du lịch, do đó để vực dậy kinh tế trong bối cảnh “sống chung với dịch bệnh” vẫn phải tạo sức hấp dẫn cho lĩnh vực này. Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, khó khăn với du lịch chỉ là tạm thời, về lâu dài đây vẫn là lĩnh vực trọng yếu, TP có tiềm năng rất lớn. “Khoảng dừng” vì đại dịch cũng là cơ hội để du lịch Đà Nẵng tái thiết, hướng đến chất lượng cao, đẳng cấp hơn. Thực tế, Đà Nẵng đang triển khai nhiều đề án với các dự án, công trình hạ tầng cụ thể để tái thiết du lịch, nổi bật là hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế đêm, các sản phẩm du lịch mới đường sông, đường biển hay các khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Chẳng hạn về kinh tế đêm, Đà Nẵng đã khởi công dự án tuyến phố đi bộ Bạch Đằng- Nguyễn Văn Trỗi- Trần Hưng Đạo. Sàn cảnh quan trên tuyến Bạch Đằng sắp hoàn thiện, đang tiến hành đầu tư giai đoạn 2 khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi. Ngoài ra, một số sản phẩm mới, hạ tầng hỗ trợ du lịch gắn với kinh tế đêm cũng đang triển khai như Vườn tượng APEC mở rộng, dự án bãi tắm kết hợp vui chơi giải trí thể thao tại khu vực bãi biển Mỹ Khê, phố du lịch An Thượng giai đoạn 1 và 2.

Hiện các ngành liên quan đang xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa - lễ hội hai bên bờ sông Hàn, trang trí cầu Nguyễn Văn Trỗi và thiết kế chiếu sáng mỹ thuật 2 bên bờ sông Hàn, nâng hạ cầu Nguyễn Văn Trỗi định kỳ vào các ngày lễ, cuối tuần…Q. Ngũ Hành Sơn đang triển khai đầu tư, tổ chức các hoạt động trải nghiệm về đêm tại phố du lịch An Thượng, hình thành các khu phố hải sản đường Nguyễn Văn Thoại và Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. Q. Hải Châu đang nâng cấp tiện ích phố ẩm thực đêm Phạm Hồng Thái, Lê Thanh Nghị, Thăng Long; vận động các cơ sở kinh doanh kéo dài thời gian hoạt động và tăng thêm trang trí ánh sáng tại địa điểm kinh doanh (khu vực được giới hạn bởi 4 tuyến đường Bình Minh 4, Bình Minh 10, Bạch Đằng và đường 2 tháng 9).

Song song với đó, TP cũng đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư để hình thành và đưa vào một số dự án tạo sản phẩm du lịch mới vào ban đêm như: Làng văn hóa Cơ Tu Toom Sara, Chợ Cá Gỗ - Beach Coffee & Bar, Vanessa Beach Club, Dana Beach Colour... Đặc biệt, để hướng đến du lịch cao cấp nhiều dự án lớn tại TP sắp được triển khai như Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Công viên Châu Á giai đoạn 2, Tổ hợp pháo hoa quốc tế, các khu dịch vụ cao cấp tại Bà Nà Hills … TP cũng hỗ trợ nhà đầu tư sớm đưa vào hoạt động các khách sạn cao cấp như  Alan Sea, Radisson Blue, Ariyana Condotel, Hilton Garden Inn, JW Marriott, The Nam Khang Resort…

Tạo sức hút trên sông, biển

Ông Cao Trí Dũng cho rằng, để tái thiết, “làm mới” du lịch Đà Nẵng thì đương nhiên phải tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc. Trong đó, du lịch trên sông, biển Đà Nẵng có tiềm năng, sức hút lớn. Để khai thác tiềm năng này, TP đã phát triển 8 tuyến du lịch đường thủy, trong đó 3 tuyến đã khai thác. Cụ thể tuyến Sông Hàn- cầu Trần Thị Lý hiện có 20 tàu đang hoạt động, chủ yếu ngắm các cây cầu về đêm, bến tàu gắn với phố đi bộ Bạch Đằng. Tuyến Sông Hàn đi bán đảo Sơn Trà, Hòn Chảo hiện có 8 tàu hoạt động, trong đó điểm đến Bãi Cát Vàng đang được xây dựng, các hạng mục hạ tầng bến CT-15 (nhà chờ, nhà làm việc, quầy bán vé, nhà vệ sinh, cảnh quan cây xanh..) đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Các tuyến du lịch đường thủy còn lại chủ yếu trên sông, đang được đầu tư xây dựng bến cảng, điểm đến tham quan. Trong đó nổi bật là tuyến Sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn. Tuyến này có 5 vị trí xây dựng bến tại các khu vực di tích K20, chùa Quan Thế Âm, khu công nghệ FPT, khu liên hiệp thể thao Hòa Xuân và sông Vĩnh Điện - đoạn giáp Quảng Nam. Tuyến này liên quan tới dự án khơi thông sông Cổ Cò, hiện đã tiến hành giải tỏa đền bù tại khu vực Đồng Nò 846 hồ sơ, tổng diện tích thu hồi 26 ha,  63 hồ sơ còn lại sẽ hoàn thành giải tỏa trong năm 2021. Sau khi hoàn thành sẽ triển khai nạo vét sông Cổ Cò, khơi thông tuyến du lịch đến chùa Quán Thế Âm và kết nối với Hội An.

Tuyến du lịch này cũng sẽ liên thông với tuyến từ Sông Hàn đến Túy Loan- Thái Lai tạo thành sản phẩm độc đáo. Trên tuyến Cẩm Lệ- Túy Loan- Thái Lai được đầu tư xây dựng 6 bến tại khu vực Trung tâm hội chợ triển lãm, làng Phong Lệ, Cẩm Nê, di tích đình làng Túy Loan, khu du lịch Thái Lai, Đập Para An Trạch. Những sản phẩm, điểm đến hấp dẫn trên tuyến có thể kể ra như Làng rau La Hường, Nhà cổ Tích Thiện Đường (đang đầu tư xây dựng các hạng mục khu ẩm thực, nhà hàng, 3 homestay, khu vui chơi cắm trại ngoài trời, bảo tàng nông cụ), Các điểm tham quan văn hóa lịch sử như  Khu di tích nghĩa trủng Hòa Vang, Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ, Đình Lỗ Giáng, Trung Lương, Phong Lệ Bắc...

Tại khu vực Tây Bắc TP, tuyến sông Cu Đê- Trường Định cũng được đầu tư, xây dựng các bến tàu tại cầu Nam Ô, bến Hầm Vàng, cầu Trường Định và Khe Răm (Hòa Bắc). Các bến này ngoài chức năng đón, trả khách còn gắn với nhiều hoạt động thương mại dịch vụ. Đây cũng là tuyến du lịch đường thủy khá độc đáo với nhiều điểm dừng hấp dẫn ven sông Cu Đê, đồng thời gắn với tuyến du lịch leo núi (trekking) tại khu vực Hòa Bắc, trải nghiệm văn hóa Cơ Tu.

Như vậy, để tái thiết du lịch chất lượng cao hơn, Đà Nẵng đang triển khai nhiều dự án hạ tầng tạo sản phẩm mới, sức hấp dẫn cho điểm đến. Khoảng dừng vì dịch bệnh được cho là cơ hội để tranh thủ đầu tư, tái thiết du lịch TP.

HẢI QUỲNH