Khởi công khu Di tích lịch sử cách mạng B1- Hồng Phước: Cháy mãi ngọn đèn đứng gác
(Cadn.com.vn) - Vậy là, tâm nguyện cũng là niềm khắc khoải, mong chờ bấy lâu nay của nhân dân, CBCS từng sống, chiến đấu trên mảnh đất Hồng Phước (P.Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) cuối cùng đã trở thành hiện thực. Hôm nay (ngày 26-3-2016), trên mảnh đất Hồng Phước kiên trung ngày nào, họ tề tựu về đây để chứng kiến lễ khởi công xây dựng công trình di tích lịch sử cách mạng B1- Hồng Phước. Trong tương lai không xa, khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, các thế hệ con cháu hôm nay, mai sau sẽ có dịp tìm hiểu sâu hơn về những chiến công đầy tự hào của quân và dân Đà Nẵng nói chung, B1-Hồng Phước nói riêng...
Mô hình thiết kế KDTLSCM B1-Hồng Phước. Ảnh: P.T |
2 tuần trước lễ khởi công, ông Phan Văn Tải (80 tuổi), trú Thanh Vinh (P.Hòa Khánh Bắc, nguyên Quận ủy viên, Quận Đội phó Quận Nhì từ 1967, phụ trách lực lượng biệt động, Đội trưởng Đội công tác phía trước) đi lại như con thoi, chẳng mấy khi có ở nhà. Gọi điện, lúc nghe ông nói đang ở Hòa Liên, lúc lại ở Hòa Phát, Hòa Minh.
Hỏi ông “đi đâu dữ vậy khi tuổi đã cao, sức đã yếu”, ông cười khà khà: “Tui cùng mấy sắp nhỏ ở phường đi đưa giấy mời cho những người từng hoạt động ở Căn cứ lõm B1-Hồng Phước về dự lễ khởi công xây dựng nơi đây thành khu di tích lịch sử cách mạng (KDTLSCM). Có lắm việc phải làm cho ngày khởi công, nhưng niềm vui sau bao năm tháng mong chờ, Căn cứ lõm CM B1- Hồng Phước đã được quan tâm, đặt đúng vị trí lịch sử của nó khiến tui quên hết mệt mỏi!”. Ông Tải cho biết thêm, những người nhận giấy mời đều phấn khởi vui mừng trước tin vui đại sự này, bởi B1-Hồng Phước xứng đáng được công nhận KDTLSCM. “Đáng lý ra, B1-Hồng Phước phải được công nhận cùng thời với Căn cứ lõm K20 mới phải...”- ông Tải bùi ngùi...
Niềm vui ngày gặp mặt của những người từng sống, chiến đấu trên mảnh đất Hồng Phước |
Cách đây 2 năm, khi tìm tư liệu viết bài “Căn cứ B1-Hồng Phước: Biểu tượng của ngọn đèn đứng gác” (khi ấy chưa được công nhận là KDTLSCM), tôi tìm gặp ông Tải không biết bao nhiêu lần. Bởi ông không chỉ là người gắn bó gần như suốt đời với mảnh đất Hồng Phước, mà còn là một trong những người có công rất lớn trong việc xây dựng Hồng Phước trở thành Căn cứ lõm CM quan trọng của Quận I (từ năm 1969 gọi là Quận II Đà Nẵng). Nơi đây trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhất, ngay sát gọng kiềm quản lý của quân viễn chinh Mỹ và chính quyền ngụy quân, bà con thôn Hồng Phước vẫn kiên gan bám đất, bám làng, xây dựng hầm bí mật nuôi giấu cán bộ.
Cả thôn có 64 hộ thì hầu hết đều là cơ sở CM. Trong đó, có nhiều gia đình đã đào 46 căn hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn để nuôi giấu, chở che nhiều cán bộ của Đặc khu ủy Quảng Đà, TP Đà Nẵng và huyện hòa Vang. Giữa vùng căn cứ lõm này, với mật danh B1-Hồng Phước trở thành nơi hoạt động của CBCS Quận Nhất (Quận Nhì Đà Nẵng sau này), nơi trú quân, tập kết của các đơn vị bộ đội thuộc Tiểu đoàn 489, 487,471 đặc công...Từ đây, các công văn, chỉ thị, truyền đơn, vũ khí được chuyển vào nội thành phục vụ cho các trận đánh...
Hình ảnh các mẹ, các chị trong đêm đi đậy nắp hầm, các anh chị du kích bám địch để bảo vệ cán bộ cách mạng, hay hình ảnh những ngọn đèn dầu thắp sáng của các mẹ, các chị treo trên am thờ ngoài ngõ để báo hiệu cho CBCS trên núi biết an toàn, có thể về hoạt động... sẽ không bao giờ xóa mờ trong ký ức của những người từng một thời hoạt động nơi đây. Điều đặc biệt, dù nằm lọt thỏm trong hệ thống đồn bốt dày đặc của địch nhưng căn cứ này chưa hề bị lộ. Địch đã nhiều lần tổ chức càn quét, truy tìm, bắt bớ những gia đình chúng tình nghi, nhưng ai nấy đều cắn răng chấp nhận cực hình, nhất định không khai báo. Cuối cùng địch cũng phải thua, thả về. Tấm lòng trung kiên ấy, sự hy sinh thầm lặng ấy đã được nhà nghiên cứu Bùi Xuân- Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng- viết trong lời giới thiệu cuốn sách “B1-Hồng Phước một thời nhớ mãi”: “...Đây là nơi đến an toàn, là bàn đạp tiến công có hậu phương vững chắc, là nơi lui về có dân nuôi giấu, đùm bọc, chở che”...
Trong niềm vui ngày khu di tích B1-Hồng Phước chính thức được UBND TP phê chuẩn kinh phí xây dựng, AHLLVTND Hồ Phúc Ngôn-người con của đất Hồng Phước, nguyên Quận đội trưởng Quận Nhì, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 89 đặc công gắn liền với nhiều chiến công vang dội, bùi ngùi xúc động nhắc đến những người mẹ “đào hầm khi tóc còn xanh”: “Nhà mẹ tui nằm sát bên hông căn cứ Mỹ, vậy mà em dâu tui, bà Phạm Thị Miên đã đào 7 cái hầm nuôi giấu cán bộ hoạt động CM, trong đó có một căn hầm hai tầng. Hay như nhà bà Phạm Thị Dĩ (em gái bà Miên) đào được 4 căn hầm; nhà bà Hà Thị Mau (còn sống-PV) đào 4 căn hầm. Và nhiều gia đình khác nữa, kể không xuể...Tấm lòng trung kiên, sắt son của người dân Hồng Phước thì những ai từng sống, chiến đấu tại đây đều biết. Tôi rất vui mừng, phấn khởi khi lãnh đạo TP phê chuẩn, đầu tư kinh phí xây dựng nơi đây thành KDTLSCM. Nay đã 86 tuổi nhưng tôi cũng xin đảm trách nhiệm mời một số đồng chí về dự lễ khởi công...”. AHLLVT Hồ Phúc Ngôn còn cho biết thêm, hồ sơ đề nghị xét tặng cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang khu căn cứ CM B1-Hồng Phước (Quận Nhất, quận Nhì TP Đà Nẵng) đã được trình gửi lên các cấp có thẩm quyền xem xét. Nếu được xem xét, công nhận thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn...
Được biết, sau ngày hòa bình lập lại, chính quyền địa phương cùng những người từng gắn bó với Hồng Phước đã nhiều lần đề nghị các cấp công nhận B1 Hồng Phước là di tích lịch sử CM như căn cứ K20, nhưng vì nhiều lý do, nên đến hôm nay, sau 41 năm đất nước thống nhất cùng với biết bao nỗ lực của nhân dân, CBCS từng vào ra sinh tử ở B1-Hồng Phước, của Quận ủy, UBND Q. Liên Chiểu và Q.Thanh Khê, khu Căn cứ lõm B1-Hồng Phước đã được công nhận là di tích lịch sử CM. Trên cơ sở Thành ủy Đà Nẵng đồng ý chủ trương, ngày 11-3 vừa qua, Chủ tịch UBND TP ĐN Huỳnh Đức Thơ đã có QĐ số 1302 phê duyệt xây dựng Đài bia và Nhà truyền thống B1- Hồng Phước trên diện tích đất 2.700 m2, với tổng mức kinh phí 4,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP. Dù hơi muộn, nhưng tin vui này đã làm nức lòng nhân dân, CBCS từng sống, chiến đấu trên mảnh đất trung kiên này...
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Q.Liên Chiểu, ông Dương Thành Thị- Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, cũng là người con của mảnh đất Hồng Phước kiên trung- xúc động chia sẻ cảm xúc trước thời khắc diễn ra lễ khởi công: “Việc xây dựng công trình có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử này không chỉ nhằm tôn vinh những chiến công của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, tôn vinh truyền thống văn hóa, lịch sử vẻ vang của cán bộ, nhân dân Hồng Phước, mà còn góp phần quan trọng vào việc giáo dục, bồi dưỡng, phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, thanh thiếu niên hôm nay và các thế hệ mai sau ngưỡng mộ, noi theo...”. Công trình dự kiến hoàn thành vào dịp kỷ niệm Quốc khánh (2-9-2016).
Trong niềm nôn nao, hân hoan của ngày diễn ra lễ khởi công, tôi hình dung viễn cảnh không xa khi KDTLSCM này hoàn thành, nơi đây sẽ rộn rã bước chân của bao thế hệ trẻ đến đây học tập, vui chơi. Trong khuôn viên yên ả, thanh bình rợp bóng cây xanh của khu di tích, những trang sử hào hùng sẽ được thế hệ trẻ hôm nay mở ra như để nhắc nhở về một thời B1-Hồng Phước, mãi mãi không quên!
Ghi chép: Phan Thủy