Khởi đầu từ Dung Quất

Chủ nhật, 22/02/2009 00:00

(Cadn.com.vn) - Hôm qua, 22-2, lần đầu tiên người Việt Nam sản xuất ra những mét khối xăng, dầu, khí đốt từ nguồn tài nguyên quý giá đã nằm lâu trong lòng đất mẹ. Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, xã Bình Trị, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi cho ra lò mẻ xăng dầu đầu tiên, chính thức đưa Việt Nam vào câu lạc bộ sản xuất dầu mỏ thuộc nhóm 6 nước hàng đầu Châu Á và làm chủ công nghệ lọc dầu hiện đại nhất thế giới!

Không chỉ là niềm vui

Rạo rực. Hân hoan. Có lẽ đó là những từ phù hợp nhất để mô tả tâm trạng của hàng triệu con người Việt Nam hướng về Dung Quất trong buổi tối hôm qua chứng kiến lễ đón nhận dòng xăng dầu thương phẩm đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Đó là thành quả của 15 năm chờ đợi, của 15 năm nỗ lực không ngừng, của 15 năm mạo hiểm, của 15 năm vượt qua mọi toan tính thiệt hơn và cả 15 năm vượt qua chính bản thân mình. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã tham gia ấn nút khởi công xây dựng NMLD Dung Quất vào năm 2005, nói: “Cả nước ta, Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân ta vô cùng phấn khởi đón nhận dòng sản phẩm xăng dầu đầu tiên từ NMLD Dung Quất. Đây là dòng sản phẩm xăng dầu đầu tiên sản xuất từ nguồn dầu thô nước ta, tại NMLD của Việt Nam, do Việt Nam tự đầu tư xây dựng...

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí lãnh đạo
cắt băng đón dòng sản phẩm đầu tiên của NMLD Dung Quất. Ảnh: TTXVN

NMLD Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa về nhiều mặt trong tiến trình CNH-HĐH đất nước”. Về chặng đường tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, trước mắt đang còn rất nhiều việc phải làm khẩn trương, quyết liệt và chặt chẽ để từ nay đến tháng 8-2009 đưa toàn bộ phân xưởng, các hạng mục nhà máy đạt 100% công suất thiết kế, cung cấp có hiệu quả tất cả các sản phẩm của nhà máy cho nền kinh tế, như dầu diesel, xăng, dầu FO, LPG, Propylene... Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Viet Nam), đơn vị chủ đầu tư NMLD Dung Quất cần nghiêm túc nghiên cứu, rút kinh nghiệm để tiến đến xây dựng thêm 2 công trình lọc dầu quy mô khác tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Riêng với tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng chỉ đạo: “Đây không chỉ là một niềm vui mà là một đà thắng lợi mới, một lợi thế mới. Tỉnh Quảng Ngãi cần tạo nên động lực mới, sức mạnh mới đưa tỉnh nhà tiến lên một tầm cao mới”.

Ông Phạm Đình Khối, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nói trong niềm xúc động: “Đây là mốc son về sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi. NMLD Dung Quất đã biến đổi hoàn toàn vùng đất nghìn năm hoang dã. Là lời tri ân của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh”. Tổng Giám đốc Petro VietNam Trần Ngọc Cảnh nhìn nhận: “Trải qua biết bao thăng trầm, nay NMLD Dung Quất đã chính thức đi vào hoạt động và cho ra dòng thương phẩm đầu tiên. Đây là thành quả của giai cấp công nhân Việt Nam thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh”.   

 Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Tri ân ĐẤT MẸ

Trên ghế nhà trường, nhiều lứa học sinh đã thuộc lòng câu: “đất nước ta rừng vàng, biển bạc, đất đai phì nhiêu”. Đất mẹ trù phú đã nuôi sống lớp lớp những đứa con Việt Nam bằng bầu sữa ngọt lành. Nhưng bầu sữa ấy không phải là vô tận. Bầu sữa ấy không đủ để dành cho cả những đứa con khi chúng đã trưởng thành. Bầu sữa ấy cần dành cho những đứa con dám ước mơ, biết lao động và mạo hiểm. Những đứa con thế hệ hôm nay đã đủ lớn khôn để hiểu được điều ấy. Con số 23 triệu tấn dầu thô xuất khẩu mỗi năm dù có thể đóng góp rất nhiều vào ngân sách nhưng không thể giúp người dân Việt Nam sử dụng xăng dầu với giá rẻ hơn thế giới, không thể đem về nguồn lợi đáng lẽ phải nhiều hơn và quan trọng hơn tất cả, không đủ đưa những kỹ sư, công nhân người Việt Nam lên vị thế làm chủ. Có lẽ, phải đến ngày hôm qua, với những gì mà NMLD Dung Quất đem lại thì mới có đủ những mệnh đề khỏa lấp.

Bài toán kinh tế do Phó Tổng Giám đốc NMLD Dung Quất Nguyễn Hoài Giang trình bày rất đáng kỳ vọng. Mỗi thùng dầu xuất xưởng sẽ đem lại lợi nhuận từ 1 – 3 USD. Với công suất khoảng 6,5 triệu tấn/năm, tương đương 148 nghìn thùng/ngày, nghĩa là mỗi ngày ngân sách đất nước được bổ sung hàng trăm nghìn USD. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Theo ông Nguyễn Hoài Giang, trong vòng từ 6 tháng đến một năm nữa, nghĩa là chỉ khoảng trong năm 2009 này, người Việt Nam sẽ hoàn toàn làm chủ công nghệ ở NMLD Dung Quất. Đó chính là công nghệ lọc – hóa dầu tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Một khi đã làm chủ NMLD Dung Quất thì không còn một cản trở đáng kể nào để chúng ta làm chủ các nhà máy khác trong chiến lược phát triển của ngành Công nghiệp dầu mỏ Việt Nam. Nói cách khác, chúng ta đã đặt nền tảng để làm chủ tương lai. Đó chính là lời tri ân sâu nặng nhất dành cho đất mẹ, cho lớp lớp người con Quảng Ngãi nói riêng, người Việt Nam nói chung đã đổi máu của mình để bảo vệ sự tồn vong của quê hương yêu dấu.  

 Người dân Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận nô nức đến chứng kiến lễ gắn tên đường
cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại khu đô thị Vạn Tường.

Nhớ tên một CON NGƯỜI

15 giờ chiều qua, tại TP Vạn Tường thuộc xã Bình Trị, H. Bình Sơn, đô thị rộng 3.828ha được quy hoạch hiện đại nhất tỉnh Quảng Ngãi đã diễn ra một sự kiện vô cùng ý nghĩa: Lễ đặt tên cho con đường dài 23km từ ngã ba Bình Long đến cảng Dung Quất. Không thể có một cái tên nào khác phù hợp hơn, đường Võ Văn Kiệt. Trong sự kiện lớn ấy, một sự kiện khác dường như nói lên rất nhiều. Đó là việc phu nhân của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, giáo sư Phan Lương Cầm, trao tặng chiếc mũ công trường của cố Thủ tướng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đó chính là chiếc mũ ông đã đội vào năm 1994 khi khảo sát NMLD Dung Quất.

Ông Đinh La Thăng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch HĐQT Petro VietNam:
Bảo đảm hiệu quả kinh tế
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nước ta chịu ảnh hưởng nhiều mặt, việc chúng ta tự sản xuất được xăng dầu nguyên liệu trong nước có vai trò hết sức quan trọng.
Thứ nhất là chủ động được nguồn năng lượng cho sản xuất; thứ hai, không mất một khoản ngoại tệ lớn để nhập khẩu xăng dầu; và thứ ba là phát huy được nội lực trong nước để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Có thể bảo đảm rằng, NMLD Dung Quất sẽ đem lại hiệu quả kinh tế.

“Thành tựu Dung Quất” ghi dấu ấn của nhiều con người, từ những công nhân cặm cụi trong đêm giao thừa, những kỹ sư làm việc như con thoi giữa các NMLD khắp thế giới để lĩnh hội công nghệ, những chiến sĩ CA chong mắt trong đêm bảo vệ công trình, những vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiên trì theo đuổi dự án..., nhưng dấu ấn sâu đậm nhất chỉ có thể là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người cho đến khi về hưu vẫn kiên quyết bảo vệ Dung Quất.

Ngày 9-11-1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định 658/QĐ-TTg về xây dựng NMLD số 1 và quy hoạch khu kinh tế trọng điểm miền Trung, chính thức chọn Dung Quất là địa điểm xây dựng công trình. Ngay sau đó ông quyết định cho Petro Viet Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi hợp tác với Tập đoàn Total (Pháp) nghiên cứu phương án xây dựng. năm 1995, Total rút rui vì thấy không có lợi nhuận.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt về Quảng Ngãi, ông ghi vào lòng cán bộ, nhân dân tỉnh này một lời đáng để lưu lại đến mai sau: “Nếu tôi là Total tôi cũng nói như họ, vì đây là quyền lợi kinh tế của họ, nhưng tôi là Thủ tướng, tôi phải nói và quyết định vì quyền lợi của nhân dân. Total rút nhưng Dung Quất phải được tiếp tục”. Đó chính là  kim chỉ nam cho chặng đường 15 năm gian khó của những ai quyết tâm hiện thực hóa khát vọng trên mảnh đất khắc nghiệt, trong đó có nỗ lực to lớn của bản thân ông. Chợt nhớ một bậc trí thức Việt kiều, GS-TS Trần Văn Thọ, nói về cố Thủ tướng: “Chính trị gia đương nhiên phải là người yêu nước. Họ lấy sự thịnh vượng của đất nước làm sự tự hào của mình chứ tuyệt đối không phải trông chờ vào sự giàu có, sung sướng của bản thân và gia đình. Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người như thế”.

Nhóm P.V Thời sự