Khởi nghiệp đừng nghĩ ngay đến những sáng tạo vĩ đại!

Thứ bảy, 01/12/2018 07:58

Phải bám vào những vấn đề thiết yếu hàng ngày, bám vào những khó khăn trong nguy có cơ, đó chính là kim chỉ nam của khởi nghiệp chứ không phải bay bổng về những sáng tạo vĩ đại trên toàn cầu. Thông điệp đó được nêu ra tại Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức ở Đà Nẵng hôm 30-11. Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều chuyên gia, diễn giả quốc tế và lãnh đạo Bộ khoa học – công nghệ nhiều nước ASEAN.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ về chính sách khởi nghiệp tại Diễn đàn.

Tại diễn đàn, nhiều diễn giả nổi tiếng đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học về khởi nghiệp sáng tạo tại doanh nghiệp (DN) mình cũng như quốc gia mình với các startup Việt Nam. Nổi bật như ông Philipp Rosler, người đã có nhiều kinh nghiệm về hỗ trợ khởi nghiệp khi giữ chức vụ Phó Thủ tướng Cộng hòa LB Đức hay Tiến sĩ Susan Amat, Chủ tịch mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu - người có kinh nghiệm dồi dào trong việc kết nối các quốc gia về khởi nghiệp sáng tạo. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nói, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc giúp DN liên kết, mở rộng nhanh chóng ra thị trường khu vực và quốc tế. Do đó, vai trò của Chính phủ không chỉ tạo môi trường cho nhiều DN khởi nghiệp sáng tạo ra đời mà còn đưa ra các định hướng, chính sách thúc đẩy, kết nối với cộng đồng quốc tế. Chính những chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy vốn, trí thức, công nghệ được liên tục và hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng, ở Việt Nam hiện có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó có nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC... Cả nước hiện cũng có hơn 40 cơ sở ươm tạo (BI), tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) và 60 khu không gian làm việc chung. Nhiều DN khởi nghiệp đã kêu gọi thành công những khoản đầu tư lớn và đang mở rộng ra thị  trường khu vực và quốc tế như Foody, Kyber Network, Tiki, Sendo... Mặc dù vậy, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho rằng, đây là thời điểm các DN khởi nghiệp phải bắt kịp xu hướng thế giới bằng cách vươn ra toàn cầu cũng như có chính sách để chào đón các startup thế giới đến khởi nghiệp tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại cho rằng, hệ sinh thái cho cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn. Nhưng, các startup có thể nhìn thấy cơ hội lớn nhất là Chính phủ cũng như các cơ quan rất quan tâm và thực sự mong muốn thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp phát triển. Phó Thủ tướng nói, thế giới bây giờ rất nhỏ, không nên phân biệt Startup Việt Nam hay nước ngoài, tất cả mọi người bây giờ cơ hội, thách thức như nhau. Ông dẫn chứng, 70% xuất khẩu VN bây giờ dựa vào DN có vốn đầu tư nước ngoài. 70% các dự án ban đầu đến trình bày xin gọi vốn đều có yếu tố nước ngoài. 40 quỹ đầu tư mạo hiểm chỉ có 1 quỹ đầu tư của Việt Nam. Vì thế không cần nói đến việc mời nước ngoài vào Việt Nam khởi nghiệp nữa, điều quan trọng hơn bây giờ là các startup Việt hãy tìm ra cơ hội từ trong thách thức. Chính phủ sẽ tìm mọi cách để trình bày với các startup những khó khăn, còn các khó khăn đấy có thành cơ hội cho các bạn không thì tùy thuộc vào các bạn. Theo Phó Thủ tướng, khó khăn đó là  nền kinh tế của VN đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển, nhu cầu của người dân cho y tế, giáo dục, giao thông, thậm chí thanh toán điện tử, nông nghiệp... còn nhiều thách thức. Đặc biệt, với Chính phủ bây giờ, ngoài câu chuyện vốn, giáo dục, hạ tầng cơ sở thì cái khó nhất là làm sao có một cơ sở dữ liệu lớn và mở cho cộng động. Dữ liệu đó bao gồm thông tin từ Chính phủ, DN, người dân, nhất là những câu hỏi, những vấn đề hằng ngày mà người dân cần lời giải đáp. Nếu có câu hỏi, có vấn đề mà nhiều người quan tâm thì chắc chắn các startup sẽ thấy đó là cơ hội. 

Một số ý kiến cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam rất cần hỗ trợ từ Chính phủ, nhất là vốn để biến dự án thành sản phẩm. Nhưng vốn ngân sách  gần như không dám chấp nhận đầu tư mạo hiểm, bởi lẽ phong trào khởi nghiệp trên toàn cầu tỷ lệ thành công chỉ 20%. Đây là một rào cản rất lớn cho khởi nghiệp. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vấn đề vốn không đáng lo. Nhà nước không hỗ trợ vốn thì sẽ hỗ trợ tạo cơ chế, môi trường thuận lợi nhất để khởi nghiệp thành công. Còn chuyện vốn cơ bản vẫn từ các quỹ đầu tư, nếu họ thấy cơ hội, họ sẽ đầu tư. Bằng chứng là hơn 40 quỹ đầu tư vào VN trong đó hơn 10 quỹ làm ăn rất tốt. “Chúng ta đặt ra những vấn đề của Chính phủ để mời mọi người giải quyết. Cách tiếp cận của Chính phủ là chúng ta hãy nhìn vào những vấn đề thực tế, người dân muốn gì, doanh nghiệp muốn gì, đó là bài toán. Mà một bài toán nhiều người cùng muốn thử trả lời thì sẽ có startup, sẽ có ý tưởng, ý tưởng đó tốt sẽ có nhà đầu tư”- Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đối với Việt Nam bây giờ, việc đưa khởi nghiệp vào giáo dục, đặc biệt là đại học vô cùng quan trọng. Bởi vì chúng ta từ bấy lâu nay, học vẫn nặng về tiếp thu thụ động, vẫn quá thận trọng. Bây giờ là lúc phải dám nghĩ khác, làm khác, nghĩ lớn, làm lớn, tất nhiên là không ẩu, mà phải dựa trên công nghệ, trí thức. Thứ hai, đừng có đòi hỏi thuận lợi. Vì nếu thuận lợi đâu cần startup. Thứ ba, làm startup đừng nghĩ ngay đến toàn cầu, nghĩ ngay mình sẽ là triệu phú, tỷ phú, hãy bắt đầu từ những việc tưởng rất nhỏ, những nhu cầu rất thiết thực. Nếu các bạn trẻ thấy có nhu cầu, có ý tưởng khác với những gì người khác đã làm thì hãy bắt đầu khởi nghiệp bằng quy mô nhỏ. Nghĩ lớn, nghĩ khác nhưng mà đừng quên từ những cụ thể, thiết thực. Điều quan trọng là dám nghĩ, dám làm.

HẢI QUỲNH

TIẾNG NÓI TỪ STARUP

Ông Anh Lưu Thế Lợi, người sáng lập Kyber Network: Chúng tôi đã kêu gọi vốn thành công 52 triệu USD từ nước ngoài. Sự thành công này là giao thoa giữa một nền giáo dục hiện đại và một hệ sinh thái khởi nghiệp cho phép DN tận dụng những công nghệ mới. Vấn đề với Việt Nam hiện nay cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để cộng đồng khởi nghiệp được thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm những sáng tạo của của họ. Những DN khởi nghiệp thành công thường phải tìm ra những cái mới, họ sẽ xây dựng lời giải cho công nghệ mới, những mô hình kinh tế mới mà hệ thống pháp lý hiện tại chưa đề cập đến, thậm chí là chưa biết đến. Vì thế một môi trường pháp lý không phù hợp sẽ giới hạn không gian sáng tạo của các nhà khởi nghiệp.

Ông Phạm Thanh Hưng- Phó Chủ tịch  tập đoàn CEN Group: Các dự án tham gia khởi nghiệp liên quan tới sáng tạo công nghệ chỉ chiếm 35%, chứng tỏ các startup Việt Nam cần phải sáng tạo hơn nữa, cần phải gia tăng hơn nữa hàm lượng công nghệ, tìm ra những mô hình kinh doanh đổi mới. Tỷ lệ dự án kêu gọi vốn thành công phần lớn liên quan tới yếu tố nước ngoài như công nghệ, học ở nước ngoài, trong dự án có người nước ngoài, điều đó chứng tỏ môi trường của các Startup Việt có gì đó chưa gần gũi, sát thực với thực tế. Với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, theo tôi cần phải nói đến vai trò của các DN lớn, các doanh nhân thành công, họ không chỉ đầu tư tiền mà cần bỏ thời gian, công sức, kinh nghiệm, để hướng dẫn, kèm cặp và tạo ra hệ sinh thái trong đó có cả việc trở thành khách hàng tiềm năng cho các startup.