Khốn đốn vì vô cớ bị công ty tài chính “khủng bố” Bài 1: Muôn kiểu “réo” nợ

Thứ hai, 23/03/2020 10:04

Dù chưa từng vay nợ nhưng nhiều người bỗng trở thành “con nợ” của các công ty tài chính, bị đòi nợ ráo riết cả ngày lẫn đêm. Đó là câu chuyện được rất nhiều người phản ảnh qua đường dây nóng của Báo Công an TP Đà Nẵng trong thời gian gần đây. Không chỉ bị làm phiền, cuộc sống sinh hoạt cá nhân bị đảo lộn mà công việc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chị H. nhận được tin nhắn đe dọa từ nhiều số điện thoại lạ.

Làm phiền cả ngày lẫn đêm

Tháng 1-2020, chị Nguyễn Thị H. (1991) nhận được giấy báo nợ xấu của ngân hàng (không rõ là của ngân hàng nào) gửi đến nhà riêng tại P. Chính Gián (Q. Thanh Khê, Đà Nẵng). Trong thông báo nêu rõ tên người vay là Nguyễn Thị Na (1991, trú Q. Thanh Khê, Đà Nẵng). Na là nhân viên cũ của công ty chị H. và có mượn một số tiền của chị H. nhưng đã “bùng”, đến nay vẫn “bặt vô âm tính”. Qua tìm hiểu, chị H. biết Na có vay 5.380.000 đồng để mua điện thoại bằng hình thức trả góp của công ty tài chính.

Đến tháng 2-2020, chị H. cùng nhân viên công ty liên tục nhận được hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày, kể cả ban đêm, từ những đầu số thuê bao khác nhau với giọng điệu hăm họa, khủng bố tinh thần. Một số tin nhắn có nội dung liên quan đến pháp luật liên tục được nhắn đến.

Không dừng lại ở đó, số điện thoại người thân của chị H. cũng liên tục bị các số điện thoại lạ khủng bố bất kể ngày đêm. Đỉnh điểm hơn, đến tháng 3-2020, những số lạ lại gọi điện thoại cho khách hàng của chị H. đe dọa. Nhiều khách hàng bức xúc đã gọi điện cho chị H. yêu cầu giải quyết, khiến công việc bị ngưng trệ. Một thời gian sau, tài khoản facebook có tên Vũ Anh Giang đã ghép ảnh, đăng ảnh không đúng sự thật lên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm chị H. và cho rằng chị H. là đồng lõa tội: “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” khiến cuộc sống bị đảo lộn, gặp nhiều phiền phức.

Khi chị H. gọi điện thoại hỏi người đòi nợ vì sao chị Na vay tiền nhưng lại đăng tải thông tin lên mạng xã hội, để tên và hình ảnh chị H. là đồng phạm? Đầu dây bên kia trả lời một cách vô lý: “Chị tự xử lý con Na đi, vì nó cung cấp số chị cho bên này”. Người này còn lớn tiếng thách thức chị H. báo công an. “Chị không lấy được tiền ở gia đình nó thì lấy mạng nó. Chị gọi công an là chuyện của chị”. Quá bức xúc, ngày 12-3-2020, chị H làm đơn trình báo vụ việc đến CAP Chính Gián.

Vô cớ bị... “tế sống”

Cũng vô cớ bị đòi nợ như chị H., tình cảnh của chị Nguyễn Thị Th. (1990) cũng thê thảm không kém. Chị Th. bị một nhóm người đăng ảnh “tế sống” kèm theo lời lẽ khiếm nhã, bôi nhọ danh dự trên trang facebook cá nhân và của bạn bè. Các đối tượng còn gọi điện thoại đến công ty chị Th. đang làm việc, gây áp lực lên lãnh đạo khiến chị Th. có nguy cơ mất việc.

Chị Th. bị “tế sống” trên mạng xã hội, suýt bị đuổi việc.

 

Theo đơn trình báo gửi CAP Vĩnh Trung (Q. Thanh Khê), từ ngày 11-9-2019, chị bị một số đối tượng tự xưng là người của công ty cho vay tài chính nhắn tin, gọi điện đe dọa, quấy nhiễu yêu cầu phải trả số tiền nợ hơn 34 triệu đồng. Đây là số tiền mà người thân của chị Th. ở Đắk Lắk vay nợ, trong quá trình thực hiện thủ tục vay, người này ghi số điện thoại của chị Th. để làm tham chiếu vay nợ. Khi bố của chị Th. chưa trả nợ theo hợp đồng thì các đối tượng sử dụng thủ đoạn nhắn tin, gọi điện đe dọa chị Th. yêu cầu phải trả nợ. Các đối tượng còn gọi đến số điện thoại đường dây nóng nơi chị Th. làm việc để khủng bố khiến công việc của chị và công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ðược biết, những nạn nhân như chị H. và chị Th. không hề ít. Hành vi “khủng bố” qua điện thoại của các dịch vụ cho vay đang “nở rộ”, rất cần được các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân cũng như không để những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.

MAI VINH

 Bài cuối: Siết chặt quản lý đối với công ty tài chính