Không chỉ là chuyện sức khỏe

Thứ tư, 21/09/2022 14:51
Theo một số liệu thông kê mới đây, mỗi năm ở nước ta xuất hiện thêm hàng trăm ngàn ca ung thư mới. Đó quả thật là một con số rất đáng suy ngẫm!
Mới đây, cơ quan chức năng Công an Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) tiến hành kiểm tra, phát hiện tại một công ty đóng chân trên địa bàn P. Hòa Minh kinh doanh hàng ngàn chiếc bánh trung thu, kẹo các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. (ảnh có tính minh họa). Ảnh: C.H
Mới đây, cơ quan chức năng Công an Q. Liên Chiểu (Đà Nẵng) tiến hành kiểm tra, phát hiện tại một công ty đóng chân trên địa bàn P. Hòa Minh kinh doanh hàng ngàn chiếc bánh trung thu, kẹo các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. (ảnh có tính minh họa). Ảnh: C.H

Chất lượng cuộc sống luôn là đòi hỏi hàng đầu của một đất nước, một dân tộc. Đất nước suy hay mạnh liên quan mật thiết đến các tiêu chí về sức khỏe, tuổi thọ, chế độ chăm sóc về y tế v.v… Ở các nước tiên tiến, vấn đề sức khỏe được chính phủ đặc biệt quan tâm, các chế tài liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, thuốc chữa bệnh được kiểm tra rất nghiêm ngặt và có chế tài mạnh. Ở nước ta, cùng với quá trình hội nhập với thế giới, kinh tế thị trường ngày càng hiện hữu. Tuy đời sống vật chất tinh thần được nâng cao, nhưng bên cạnh đó, mặt trái của công nghiệp hóa, đô thị hóa xuất hiện ngày càng rõ nét. Hậu quả là ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm (ATTP) diễn biến phức tạp, đe dọa từng ngày đến sức khỏe, tính mạng của mọi tầng lớp xã hội.

Trước đây, trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh, bao cấp, cuộc sống của đại đa số nhân dân, đặc biệt là nông dân còn nhiều khó khăn, nhưng không vì vậy mà sức khỏe là mối quan ngại hàng đầu. Thuốc men thiếu thốn, bữa ăn của nhiều gia đình tuy đạm bạc cũng không làm người dân mắc phải những căn bệnh mãn tính, nan y như ung thư, tiểu đường, huyết áp, tim mạch ... nhiều như bây giờ. Không khó để nhận ra ngọn nguồn nguyên nhân của những căn bệnh mang tính nan y không còn là bệnh hiếm trong thời đại hiện nay đến từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn, môi trường không khí, môi trường nước, đất… bị ô nhiễm. Chuyện người nông dân ở đây đó dành riêng một khoảnh đất để trồng rau quả an toàn cho gia đình dùng, còn diện tích đại trà thì phun thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, bón phân hóa học vô tội vạ để mau cho ra sản phẩm, bất chấp biết nó độc hại đến đâu vẫn tung ra thị trường ồ ạt giờ không còn là cá biệt nữa. Đó là việc sử dụng những loại hóa chất cấm mà giờ đây rất dễ mua ở bất cứ đâu để bảo quản nông sản, hải sản, thực phẩm. Đến những nguồn cung cấp hóa chất độc hại trôi nổi, được chính người Việt Nam sử dụng cho việc phù phép, “làm đẹp” sản phẩm để bán cho chính đồng bào mình. Rồi là sự buông lỏng quản lý trong nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh buôn bán các loại nông sản, hóa chất độc hại. Đã nhiều năm nay, ai cũng biết có những loại trái cây ngoại nhập để cả nửa năm vẫn còn tươi, những loại giá đỗ, cây quả như có “sức sống thần kỳ” sau 1 đêm đã lớn nhanh như thổi nhờ dùng chất kích thích tăng trưởng. Rồi thì bún phở phooc mon, hải sản ướp U rê v.v..
Cuối cùng chỉ có người tiêu dùng lãnh đủ.

Sức khỏe của cộng đồng bị đe dọa nghiêm trọng, gián tiếp làm sức mạnh nội sinh của đất nước bị suy giảm. Vậy nhưng, chế tài cho những vi phạm mang tính cố ý, phá hoại sức khỏe, đe dọa tính mạng của công dân một cách phổ biến ấy chủ yếu chỉ là xử phạt hành chính, sau đó đâu lại vào đấy. Dù rằng, trong quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP mức phạt có thể lên đến cả trăm triệu đồng nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Cần có những biện pháp, chế tài thật mạnh như rút giấy phép, cấm kinh doanh vĩnh viễn hoặc phạt tù, có như thế người kinh doanh, nhà sản xuất mới không dám tái phạm.

Thiết nghĩ, đã là những vi phạm liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người, thì dù là đối tượng nào cũng cần có những chế tài mang tính mạnh mẽ, nhất là đối với những hành vi cố ý, vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả dù biết nguy hại đến sức khỏe của cộng đồng. Những kẻ tiếp tay lưu thông phân phối hoá chất độc hại, sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm cần bị xử lý mạnh tay và triệt để, với những khung hình phạt cao hơn hiện nay.

Đôi điều về vấn đề vệ sinh ATTP hiện nay, trên bình diện cả nước cho thấy sự chồng chéo trong quản lý, dễ thấy nhất là việc có đến 3 bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT cùng “chịu trách nhiệm” nên mới có chuyện đùn đẩy, né tránh. Thực trạng này đã, đang được hạn chế đáng kể ở một số địa phương đang thí điểm mô hình Ban Quản lý ATTP như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh - một cơ quan chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, TP trong công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo ATTP. Tuy vẫn còn một số bất cập mang tính pháp lý trong chế tài, xử phạt, nhưng hiệu quả sau thời gian thí điểm từ mô hình này là rất rõ ràng. Chính phủ nên có chủ trương đưa vào áp dụng chính thức để đảm bảo cho cuộc sống an toàn hơn.

Đã đến lúc phải nhìn lại những tồn tại, bất cập từ những yếu tố liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người Việt Nam để nghiêm túc đưa ra những biện pháp cần thiết cho đất nước một cuộc sống an toàn về nhiều nghĩa. Hy vọng, bằng những chủ trương, giải pháp triệt để, khoa học và thiết thực của Nhà nước, mọi người dân Việt Nam sẽ có thể yên tâm khi ra chợ, đến siêu thị, khi cầm đũa trước mỗi bữa ăn, không nơm nớp lo bị ngộ độc, bị ung thư, tiểu đường khi ăn uống… nữa.

Dân Hùng