Không chùn bước trước khó khăn

Thứ ba, 02/07/2019 13:26

Chị Trần Thị Lộc (53 tuổi), hội viên Chi hội Phụ nữ 12 P.  Hòa Thọ Tây (Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên thoát nghèo. Từ hoàn cảnh khó khăn, chị tảo tần mưu sinh với bao công việc nhọc nhằn, tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, giúp ích cho cộng đồng, xã hội. Hỏi chị, bí quyết thành công là gì? Chị cười rồi khẳng định, thành công là đừng bao giờ chùn bước trước khó khăn.

Chị Lộc đan lồng lưới nuôi trai lấy ngọc xuất khẩu.

Chị Lộc kể, năm 1998, chị làm mọi việc để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình nhưng cái nghèo cứ mãi đeo bám. Không ít lần chị gặp thất bại trong công việc. Song, không chấp nhận trước cảnh khốn khó, sau quá trình tìm hiểu, học hỏi, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng, thành lập cơ sở gia công lồng lưới tại nhà. Chị hợp đồng với Công ty Sản xuất lưới xuất khẩu SADAVI của Nhật tại Khu Công nghiệp (KCN) Hòa Cầm (nằm trên địa bàn Q.Cẩm Lệ), nhận lưới sợi về đan thành lồng lưới nuôi thủy sản xuất khẩu. Nhờ tích cực tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật do công ty Nhật tổ chức cùng với sự nỗ lực phấn đấu, chị Lộc làm đạt hiệu quả cao, cuộc sống gia đình không ngừng phát triển. Bên cạnh, chị nhiệt tình hướng dẫn cách đan lồng lưới, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều phụ nữ trên địa bàn. Không chỉ ở KCN Hòa Cầm, chị còn liên hệ được nhiều đơn hàng từ Công ty Sasaki Shoko (KCN Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam). Sau khi nhận nguyên liệu của các công ty, chị Lộc phân phát cho từng thành viên mang về nhà gia công. Làm xong, mọi người tập kết thành phẩm ở nhà chị Lộc để các công ty đến nhận và giao nguyên liệu mới.

Lồng lưới có nhiều loại, dùng để nuôi trai lấy ngọc hoặc nuôi các loại thủy sản khác. Tiền gia công mỗi chiếc lồng từ 10-25 ngàn đồng. Chị Lộc bố trí những người có kinh nghiệm hướng dẫn lại những người mới vào nghề để các thành viên đều làm được với hiệu quả ngày càng khá hơn. Bình quân, mỗi người có thu nhập từ 100-140 ngàn đồng/ngày. “Các doanh nghiệp Nhật yêu cầu rất khắc khe. Nếu sản phẩm không đạt chất lượng, họ lập tức trả lại”, chị Lộc chia sẻ.                      

Mô hình đan lồng lưới tại nhà tận dụng được thời gian rỗi và không đòi hỏi nhiều về sức lực, các cháu thiếu niên cũng có thể làm những công đoạn nhỏ để phụ giúp bố mẹ. Vì thế, nhiều gia đình có đến 3 - 4 người đan lồng lưới. Đơn cử như chị Lê Thị Nghiệp, cán bộ P. Hòa Thọ Tây, thường xuyên tranh thủ buổi trưa và buổi tối đan lồng lưới để tăng thu nhập. Người con gái của chị Nghiệp cũng vừa chăm sóc con nhỏ, vừa tranh thủ đan lồng lưới... Từ mô hình đan lồng lưới tại nhà, chị Lộc đã tạo việc làm cho gần 30 phụ nữ với thu nhập mỗi chị từ 3-5 triệu đồng/tháng. Theo Chủ tịch Hội LHPN P. Hòa Thọ Tây Trần Thị Bích Liên, Hòa Thọ Tây nằm trong vùng quy hoạch, chỉnh trang đô thị, nhiều hộ không còn đất sản xuất nông nghiệp và nhiều phụ nữ lớn tuổi rất khó đào tạo chuyển đổi nghề, vì vậy mô hình đan lồng lưới của chị Lộc là một giải pháp tốt để bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, chị Lộc còn tích cực tham gia hoạt động của Hội Phụ nữ và các phong trào thi đua ở khu dân cư, là gương sáng về xây dựng gia đình tiến bộ, văn minh, hạnh phúc. Mặc dù có 3 thế hệ chung sống nhưng gia đình chị Lộc luôn hòa thuận, êm ấm, năm nào cũng đạt danh hiệu “Gia đình Văn hóa” và “Gia đình 5 không, 3 sạch”. Không chỉ vậy, chị Lộc còn làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm - vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và Nhóm trưởng Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển do Hội LHPN thành phố Đà Nẵng quản lý.

LÊ VĂN THƠM