Không để biến động lớn về thị trường, giá cả trong dịp Tết

Thứ ba, 02/12/2014 09:15

(Cadn.com.vn) - Ngày 1-12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2014.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình KT-XH tháng 11 và 11 tháng năm 2014 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đà tăng trưởng được phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu với mức tăng trưởng GDP cao hơn cùng kỳ 2 năm trước và dự báo cả năm 2014 sẽ đạt và nhiều khả năng vượt mục tiêu đề ra (5,8%).

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2014 giảm (-) 0,27% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng, CPI tăng 4,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng 7,5% (cùng kỳ tăng 5,6%), trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,6% (cùng kỳ tăng 7,1%). Vốn cho đầu tư phát triển tăng (vốn FDI thực hiện 11 tháng tăng 6,2%; giải ngân ODA và vay ưu đãi tăng khoảng 7%)...

Các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế nước ta, nổi bật là giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh từ 105 USD/thùng (cuối tháng 7-2014) xuống 68,53 USD/thùng (28-11-2014) - mức thấp nhất trong vòng 4 - 5 năm qua.

Bên cạnh tác động trực tiếp của giá xăng dầu thế giới đối với một số lĩnh vực (thu ngân sách Nhà nước, xuất khẩu...), nền kinh tế còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức như tiến trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tuy đạt nhiều kết quả tích cực so với năm trước nhưng vẫn chậm so với mục tiêu đề ra; đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, ngập lụt còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, tình hình cháy nổ, tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tăng cường phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra cho năm 2014 và tập trung chuẩn bị triển khai sớm các nhiệm vụ, giải pháp năm 2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trước xu hướng giá dầu thô thế giới liên tục giảm mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, có phương án, tính toán các nguồn thu ngân sách, bảo đảm không để hụt thu.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý giá cả, thị trường, đấu tranh chống gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng. Chủ động cân đối cung cầu, bảo đảm đủ các mặt hàng thiết yếu, không để biến động lớn về thị trường, giá cả trong dịp Tết và chuẩn bị tốt các điều kiện để mọi người dân đón Tết vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch đã được phê duyệt cho từng bộ, ngành, địa phương.

 Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sáng 1-12, bên lề Phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 11-2014, các Bộ trưởng: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch – Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cùng ký kết quy chế phối hợp trong điều hành và quản lý kinh tế vĩ mô. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, cơ quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định 1317/QĐ-TTg ngày 6-8-2013 của Thủ tướng trong việc quản lý, điều hành lĩnh vực tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Quyết định 1317/QĐ-TTg của Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì cùng với các Bộ Tài chính, Công thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng Quy chế phối hợp để tham mưu cho Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô của đất nước.

Việc 4 bộ, ngành chủ chốt cùng bàn bạc trước khi tham mưu cho Chính phủ trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, ban hành chính sách mới sẽ tốt hơn. Các vấn đề như chỉ số CPI, tăng trưởng GDP, khai thác dầu thô, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp năm 2014 hay việc có thực hiện lộ trình tăng giá điện trước thời hạn hay không, những tác động đến kinh tế, xã hội, sẽ được làm rõ khi 4 bộ, ngành chủ chốt cùng bàn bạc, tham mưu.

T.Thủy – VGP – TTXVN