Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Không để hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến đời sống nhân dân

Thứ bảy, 16/11/2024 06:45

Tiếp tục Chương trình làm việc, chiều 15-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã rà soát, chỉnh lý Điều 3, 45, 67 và Điều 103 liên quan đến khoáng sản chiến lược, quan trọng; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng; bổ sung quy định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực khoáng sản chiến lược, quan trọng để thu hút đầu tư phục vụ nguyên liệu ngành công nghiệp bán dẫn.

Về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác, một số ý kiến nhất trí với phương án bổ sung điểm đ khoản 1, vì thể hiện rõ thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh, ràng buộc tính pháp lý đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện trách nhiệm hỗ trợ kinh phí đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn theo định mức do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất giữ nguyên quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ tùy theo tình hình thực tế tại địa phương. Do đây là khoản đóng góp mang tính chất hỗ trợ nên cần có tính linh hoạt, phạm vi, quy mô, tính chất, mức độ tác động phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động khoáng sản ở từng địa phương.

Đối với quy định về hạch toán khoản chi hỗ trợ vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp, hiện có 2 phương án như sau: Phương án 1: Quy định theo hướng việc hạch toán khoản hỗ trợ này thực hiện theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 9 (Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế) của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (đang sửa đổi, bổ sung). Phương án 2: Bỏ nội dung hạch toán khoản hỗ trợ trong dự thảo Luật, việc này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về giấy phép khai thác khoáng sản (Điều 58), có ý kiến đề nghị tại điểm a khoản 4 điều chỉnh quy định về thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn thì không quá 15 năm để phù hợp với thực tiễn và giải quyết những vướng mắc hiện nay.

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, khoáng sản là tài sản công, việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác. Việc quy định thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhưng cũng cần tính toán giảm thiểu các tác động không tích cực đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giấy phép khai thác khoáng sản đều có thời hạn tối đa là 30 năm và được gia hạn một số năm. Quy định này cũng phù hợp với điều kiện thực tế là vòng đời của công nghệ khai thác khoáng sản sau 30 năm thường là lạc hậu và cũng cần đầu tư đổi mới. Dự thảo Luật đã có quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm, bằng với thời gian thực hiện dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Đánh giá cao báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ủng hộ thời gian cấp phép cho hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm và có thể gia hạn nhiều lần nhưng không quá 20 năm. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc thiết kế phí thăm dò là cần thiết và đề nghị Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án quy định các loại thuế này. Nhiều ý kiến lưu ý việc cấp phép khai thác khoáng sản ở địa bàn gần khu dân cư nên phải hết sức cẩn trọng và có những phương án, chi phí xử lý để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

TTXVN