Không để kiểm tra chuyên ngành trói doanh nghiệp!
Ngày 22-9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ, Thủ tướng quyết tâm đạt tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017, dư địa cho tăng trưởng chính là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra chuyên ngành nói chung đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Mỗi năm, các doanh nghiệp tốn khoảng 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho hoạt động này.
Xóa bỏ 58,3% mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận Bộ Công Thương đã xóa bỏ 420 mặt hàng trong tổng số 720 mặt hàng phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, đạt 58,3%. Bộ cũng đã trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ và đơn giản hóa tiếp 42 thủ tục trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, hóa chất, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu và năng lượng. Cùng với đó là những đổi mới sáng tạo, thay đổi phương thức kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, áp dụng quản lý rủi ro...
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng không thể bỏ qua công tác kiểm tra chuyên ngành nhưng không vì lý do đó mà trói doanh nghiệp, trói sản xuất, gây khó khăn, tốn kém trong sản xuất kinh doanh. Kiểm tra chuyên ngành của các bộ rất lớn nhưng chủ yếu kiểm tra thủ tục, kiểm tra nhiều mà phát hiện vi phạm ít. “Chúng ta không thể buông lỏng quản lý Nhà nước nhưng phải xem xét thực tế tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, năm 2017 là năm Chính phủ đưa ra mục tiêu cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát chi tiết theo hướng tới đây báo cáo Thủ tướng một mặt hàng giao một bộ chủ trì, các bộ khác phối hợp. “Mong muốn của Chính phủ là các sản phẩm đều công bố tiêu chuẩn, gắn mã HS. Nếu doanh nghiệp công bố được tiêu chuẩn hàng hóa thì để doanh nghiệp công bố, địa phương công bố được thì để địa phương làm, tránh tình trạng như hiện nay, nhiều mặt hàng doanh nghiệp phải mang lên các bộ ở Hà Nội để kiểm tra”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trước việc Bộ Công Thương mạnh tay cắt giảm tới hơn 50% điều kiện kinh doanh, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên khẳng định “đây là việc làm công phu và nghiêm túc". Tuy nhiên, ông thẳng thắn nêu lên băn khoăn của mình về việc xem xét tác động của việc cắt giảm này vì có thủ tục cắt nhưng không tác động gì. Theo ông, thủ tục đi liền với chi phí tốn kém cho doanh nghiệp, gỡ thủ tục là gỡ thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp. Việc cắt một lúc hơn 50% giấy phép con có nghĩa hệ thống điều kiện kinh doanh hiện nay quá bất hợp lý. Cũng theo ông Thiên, việc bỏ nhiều thủ tục cần đi đối với việc bộ máy xử lý phải chuyển động theo, kiểm soát được, giảm thời gian xử lý thủ tục. Khuyến khích cắt giảm nhưng phải tiếp tục rà soát để tránh cắt số lượng nhiều nhưng chất lượng không bao nhiêu.
Xóa bỏ điều kiện kinh doanh gắn với tổ chức lại bộ máy
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ không phải là quyết định qua một đêm mà Bộ đã làm cả quá trình và đồng bộ nhiều giải pháp khác, cùng với đó là sắp xếp bộ máy. "675 điều kiện là cả quá trình chúng tôi đang làm. Chúng tôi không phải làm để có thành tích", Bộ trưởng nói.
Giải trình với Tổ công tác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết quan điểm xuyên suốt của Bộ là làm một cách minh bạch, công khai, trong sáng và cầu thị, đúng với yêu cầu thực tiễn nhưng đồng thời có cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý. “Chúng ta không phải chạy theo thành tích để nói là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng mọi giá mà phải cân đối, bảo đảm được những yêu cầu của đất nước trong quản lý Nhà nước, nhất là trong giai đoạn hội nhập sâu rộng. Không phải buông lỏng thị trường trong nước, buông lỏng chất lượng sản phẩm để rồi nói tháo gỡ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ Công Thương xác định mục tiêu là hướng vào cộng đồng doanh nghiệp, vào người dân, cải cách hành chính nói chung, cải cách trong từng lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành hay điều kiện kinh doanh đều được cọ xát, dựa trên nền tảng quá trình thực tiễn. Đặt yêu cầu của doanh nghiệp lên trên, phân định rõ xem những gì là yêu cầu chính đáng, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp, từ đó đối chiếu, so sánh, mổ xẻ để làm. Bộ sẽ rà soát lại, kiểm tra hiệu quả hoạt động của đường dây nóng để hỗ trợ doanh nghiệp về xuất nhập khẩu và kiểm tra chuyên ngành.
“Cái khó nhất là sự chồng lấn, sự phức tạp của hệ thống luật pháp, nhất là các văn bản kiểm tra chuyên ngành liên quan đến chất lượng hàng hóa. Chúng tôi coi đây chính là điểm đột phá, nếu không rất khó để giảm thiểu được các điều kiện về kiểm tra chuyên ngành”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay. Ông cũng khẳng định “Chúng tôi chủ động chứ không có chuyện vì bị ép hay đối phó mà làm, đó là quá trình tự giác, phản ánh sự chín lên trong quan điểm tư duy, hiểu biết chính trị của cán bộ Bộ Công Thương”.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng như bớt đi thủ tục hành chính, xóa bỏ điều kiện kinh doanh phụ thuộc nhiều vào quy chuẩn, tiêu chuẩn. Bộ Công Thương đã cắt giảm 200/320 điều kiện kinh doanh liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm nhưng giải pháp cơ bản là thay thế điều kiện kinh doanh bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Điều này cần có sự phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ.
THU THỦY – TTXVN
Thủ tướng khen Bộ Công Thương 3 vấn đề Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng chuyển lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi Bộ Công Thương, đứng đầu là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong 3 vấn đề. Trước hết, đánh giá rất cao Bộ Công Thương trong việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Đây là một bộ tiên phong trong vấn đề đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn theo chỉ đạo của Thủ tướng. Vừa qua, Bộ đã giảm được 5 đầu mối, đây là nỗ lực rất lớn của Bộ, cần ghi nhận. Thứ hai, Thủ tướng biểu dương vừa qua Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài, lập tổ công tác đặc biệt, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng xử lý, đưa giải pháp cho từng dự án, có dự án tiếp tục đưa vào hoạt động, có dự án tính phương án bán, cổ phần hóa, phá sản... Thứ ba, với quyết tâm cao nhất, ngày 21-9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh. “Đây là động thái tích cực, mạnh mẽ nhất, đầu tiên trong các bộ trong thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh”, Tổ trưởng Tổ công tác nói. |