Không được đóng bảo hiểm xã hội, có được hưởng chế độ khi gặp tai nạn lao động?

Thứ tư, 03/01/2024 09:20
* Bạn đọc hỏi: Anh Hoàng Hiệp, ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) hỏi: Tôi là nhân viên kỹ thuật của một công ty hoạt động trong lĩnh vực thang máy. Trong quá trình làm việc, không may tôi gặp tai nạn và bị thương phải nhập viện, bị suy giảm chức năng lao động 35%. Nay tôi có thể yêu cầu công ty cho tôi hưởng chính sách liên quan đến chế độ tai nạn lao động được không? Tôi lo lắng sẽ không được chi trả chế độ tai nạn lao động là bởi khi ký hợp đồng lao động, do điều kiện kinh tế khó khăn, tôi có xin công ty không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) cho tôi để tôi được nhận luôn các khoản tiền này vào lương hằng tháng. Vì vậy từ khi làm việc đến nay, công ty không đóng bảo hiểm cho tôi. Cho tôi hỏi tôi có được quyền yêu cầu công ty chi trả chế độ liên quan đến tai nạn lao động không?
Luật sư Phan Thụy Khanh.
Luật sư Phan Thụy Khanh.

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng Văn phòng luật sư Phong & Partners – Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà NLĐ và người sử dụng lao động phải tham gia.

Những đối tượng nào phải tham gia BHXH bắt buộc và BHYT?

Theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH 2014, NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.

Theo quy định tại Điều 2 và 12 Luật BHYT 2008 được sửa đổi, bổ sung 2014 thì BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với NLĐ và người sử dụng lao động trong các trường hợp: NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; NLĐ là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.

Từ những quy định trên và theo thông tin anh Hiệp cung cấp, có thể thấy anh Hiệp thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH và BHYT. Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 còn quy định rõ về việc tham gia BHXH bắt buộc và BHYT như sau:

“Điều 168. Tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp

1. Người sử dụng lao động, NLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; NLĐ được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Khuyến khích người sử dụng lao động, NLĐ tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với NLĐ”.

Công ty và anh Hiệp phải chịu trách nhiệm gì đối với việc thỏa thuận không đóng BHXH và BHYT?

Như đã trình bày ở mục 1, việc tham gia chế độ bảo hiểm là việc bắt buộc đối với người sử dụng lao động (Công ty) và NLĐ (anh Hiệp). Vì vậy, dù cho hai bên có thỏa thuận bằng văn bản về việc không đóng BHXH và BHYT thì các thỏa thuận đó đều vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật. Pháp luật đã quy định các hình thức xử phạt đối với hành vi không tham gia BHXH bắt buộc của NLĐ và người sử dụng lao động như sau.

Khoản 1 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

“Điều 39. Vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với NLĐ có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định”.

Theo quy định trên, việc anh Hiệp không đóng BHXH bắt buộc có thể bị xử phạt tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là 1.000.000 đồng.

Còn công ty nơi anh Hiệp đang công tác sẽ bị xử phạt và khắc phục theo quy định tại điểm b khoản 7 và khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời tùy vào hành vi mà sẽ bị xử phạt theo khoản 1 hoặc khoản 2 và khoản 5 Điều 80 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế:

“Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

10. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan BHXH đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan BHXH đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5, 6, 7 Điều này từ 30 ngày trở lên.”

“Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Điều 80. Vi phạm quy định về đóng BHYT

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đóng BHYT của đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.

2. Phạt tiền đối với hành vi không đóng BHYT cho toàn bộ số NLĐ bắt buộc tham gia BHYT của người sử dụng lao động, đóng BHYT không đủ số người bắt buộc tham gia BHYT của người sử dụng lao động, chậm đóng BHYT, trốn đóng BHYT theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, khi vi phạm dưới 10 NLĐ;

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hoàn trả số tiền mà đối tượng tham gia BHYT bị thiệt hại (nếu có) đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Buộc nộp số lợi bất hợp pháp có được vào tài khoản thu của quỹ BHYT đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.”

Theo đó, số tiền công ty có thể bị nộp phạt do vi phạm việc không đóng BHXH bắt buộc là từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng. Ngoài ra, công ty buộc phải đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc và phải nộp khoản tiền lãi do không đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ.

Về hành vi không đóng BHYT, tùy vào mức độ vi phạm, công ty có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng hoặc bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Trong trường hợp công ty bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng thì công ty phải hoàn trả lại số tiền mà NLĐ tham gia BHYT bị thiệt hại (nếu có), trường hợp không hoàn trả được thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hoặc phải nộp số lợi bất hợp pháp có được vào tài khoản thu của quỹ BHYT.

Anh Hiệp có được hưởng chế độ tai nạn lao động khi không tham gia đóng BHXH hay không?

Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong những chế độ của BHXH. Như thông tin anh Hiệp cung cấp cũng như phân tích ở trên có thể thấy anh Hoàng Hiệp đã không tham gia chế độ bảo hiểm trong đó có BHXH bắt buộc từ khi vào làm việc tại công ty cho tới nay. Việc này có thể gây ra một số bất lợi cho anh Hiệp trong việc hưởng các chế độ theo quy định của Luật BHXH và Luật BHYT. Thế nhưng, trên tinh thần bảo vệ quyền lợi người lao động, luật đã có một quy định nhân văn là dù không tham gia chế độ BHXH bắt buộc thì người lao động vẫn được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cụ thể quy định tại Điều 38 và khoản 4 Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015:

“Điều 39. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi NLĐ bị tai nạn lao động

4. Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật này, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này khi NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của NLĐ.

Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho NLĐ bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho NLĐ bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với NLĐ không tham gia BHYT;

3. Trả đủ tiền lương cho NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho NLĐ bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho NLĐ bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân NLĐ bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho NLĐ bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

6. Giới thiệu để NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày có kết luận của hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của hội đồng giám định y khoa đối với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho NLĐ nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều 49. Trợ cấp hằng tháng

1. NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

Điều 50. Thời điểm hưởng trợ cấp

1. Thời điểm hưởng trợ cấp quy định tại các điều 48, 49 và 52 của Luật này được tính từ tháng NLĐ điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú; trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động quy định tại khoản 2 Điều 47 của Luật này, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng NLĐ điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

2. Trường hợp NLĐ được đi giám định mức suy giảm khả năng lao động quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 47 của Luật này thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của hội đồng giám định y khoa.

Điều 51. Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

1. NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật”.

Từ các quy định trên cho thấy, dù không được đóng BHXH, anh Hiệp vẫn được công ty chi trả các khoản tiền sau:

Tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị;

Thanh toán toàn bộ chi phi y tế;

Trả đủ tiền lương trong thời gian anh Hiệp phải nghỉ việc do điều trị, phục hồi chức năng;

Bồi thường trong trường hợp tai nạn hoàn toàn không phải lỗi do anh Hiệp, theo quy định hiện nay có hai loại bồi thường:

Một là bồi thường ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

Hai là ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo thông tin anh Hiệp cung cấp, anh Hiệp bị suy giảm chức năng lao động 35% nên sẽ được bồi thường theo trường hợp 1 (nếu anh Hiệp không có lỗi). Trường hợp tai nạn lao động do lỗi của anh Hiệp, công ty phải trợ cấp cho anh, mức trợ cấp không quá 40% mức quy định tại phần bồi thường.

Trợ cấp hằng tháng;

Tùy vào tình hình sức khỏe mà cơ sở khám chữa bệnh yêu cầu cần công cụ để hỗ trợ chỉnh hình, phục hồi thì công ty phải cung cấp tiền cho NLĐ mua các công cụ hỗ trợ.

Ngoài các khoản trên, công ty còn phải xem xét bố trí việc làm phù hợp cho anh Hiệp nếu anh Hiệp tiếp tục làm việc. Trong trường hợp anh Hiệp không đáp ứng được công việc chuyên môn thì công ty phải hỗ trợ anh Hiệp chuyển đổi nghề, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề được quy định tại Mục 3 Điều 55 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 như sau:

“Điều 55. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

1. Trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 38 của Luật này, nếu phải đào tạo NLĐ để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ trợ học phí.

2. Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá mười lăm lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi NLĐ là hai lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần”.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425