Không làm mà muốn có ăn!

Chủ nhật, 28/01/2024 08:35
Từ xưa nay, người Việt ta luôn có tinh thần “tương thân, tương ái”, luôn mở lòng để cưu mang, giúp đỡ những người không may trong cuộc sống. Tinh thần “lá lành đùm lá rách” ấy càng được khơi dậy, thể hiện rõ nhất mỗi khi người dân vùng miền nào đấy chịu cảnh thiên tai, dịch bệnh… Đặc biệt, trong thời đại “xã hội số” như hiện nay, sức lan tỏa của hoạt động thiện nguyện càng được nhân rộng hơn, nhanh chóng hơn và đem lại hiệu quả, ý nghĩa rất tích cực.
Thông tin cần giúp đỡ và giấy xác nhận nằm viện giả do Trường đăng trên mạng xã hội để kêu gọi tiền từ thiện nhằm trục lợi.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Sơn Trà khởi tố bị can đối với Phạm Thị Quyên về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều hội nhóm hoạt động thiện nguyện bài bản với mục đích kết nối và lan tỏa yêu thương, thời gian qua cũng có không ít các nhóm, hội, cá nhân “núp bóng” hoạt động thiện nguyện để kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, vật chất nhằm lừa đảo, “ăn chặn”.

Một trong những thủ đoạn “ăn chặn” từ thiện phổ biến là sử dụng thông tin về các mảnh đời gặp khó khăn, bệnh tật để đánh động lòng trắc ẩn của mọi người nhằm kêu gọi quyên góp tiền từ cộng đồng nhưng chỉ trích một phần tượng trưng cho “nhân vật”, số tiền còn lại thì chiếm đoạt. Tinh vi hơn, các đối tượng còn lập các tài khoản mạng xã hội (chủ yếu trên Facebook); tìm kiếm hình ảnh, video clip về một số hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn rồi “xào nấu” thông tin, đăng tải bài viết lên các hội nhóm, diễn đàn mạng xã hội để kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ.

Thậm chí, các đối tượng còn làm giả các giấy tờ của cơ sở y tế về những trường hợp gặp hoạn nạn nhập viện cấp cứu nhưng không đủ tiền đóng viện phí. Để tạo lòng tin, đối tượng này đăng hình ảnh cháu bé đang thở oxy, băng bó ở vùng đầu, giấy xác nhận của bệnh viện và số điện thoại, số tài khoản ngân hàng để kêu gọi mọi người quyên góp. Thủ đoạn lừa đảo này rộ lên vào đầu tháng 2-2023 tại các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Điện Biên cũng như nhiều địa phương khác.

Trước vụ việc trên, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi và Điện Biên đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh và Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh hỗ trợ điều tra, làm rõ vụ việc có đối tượng làm giả giấy xác nhận của bệnh viện về trường hợp nằm viện kể trên, rồi đăng lên các trang mạng xã hội nhằm kêu gọi từ thiện để trục lợi.

Cũng bằng thủ đoạn sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tiền từ thiện, giữa tháng 11-2023, hai đối tượng Phạm Thị Quyên (25 tuổi, trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) và Nguyễn Linh Đoan (1994, chồng của Quyên) đã bị Cơ quan CSĐT Công an quận Sơn Trà khởi tố bị can để điều tra. Bước đầu, cơ quan Công an xác định, từ tháng 12-2022, Nguyễn Linh Đoan sử dụng mạng xã hội Facebook tìm kiếm, sao chép các bài viết chia sẻ về những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật... rồi sử dụng những tài khoản facebook ảo do Đoan lập ra để đăng lại trên các hội nhóm mạng xã hội, kêu gọi quyên góp tiền từ thiện. Bằng cách này, từ tháng 12-2022 đến tháng 2-2023, vợ chồng Đoan và Quyên đã chiếm đoạt hơn 91 triệu đồng của nhiều cá nhân đóng góp, chuyển về số tài khoản ngân hàng của Quyên hoặc người thân của Quyên (đều do Quyên quản lý sử dụng). Toàn bộ số tiền lừa đảo được, các đối tượng sử dụng cho mục đích cá nhân.

Cũng với thủ đoạn “vẽ” ra những cảnh đời bi đát để kêu gọi quyên góp từ thiện trên mạng xã hội, đối tượng Hoàng Công Trường đã lừa khoảng 6.000 người, chiếm đoạt hơn 5,6 tỷ đồng. Đây được xem là vụ lừa đảo từ thiện lớn nhất trên mạng xã hội bị cơ quan Công an khám phá trong năm 2023. Theo đó, cuối tháng 6-2023, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, bị can và bắt tạm giam đối tượng Hoàng Công Trường (1986, trú Q. Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) về hành vi: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức kêu gọi tiền từ thiện trên không gian mạng.

Thông tin cần giúp đỡ và giấy xác nhận nằm viện giả do Trường đăng trên mạng xã hội để kêu gọi tiền từ thiện nhằm trục lợi.

Theo kết quả điều tra, đầu năm 2021, Hoàng Công Trường tìm kiếm thông tin, hình ảnh và bịa đặt về các hoàn cảnh đáng thương rồi đăng lên mạng xã hội Facebook nhằm kêu gọi từ thiện để trục lợi. Với thủ đoạn đó, từ đầu năm 2021 đến ngày 13-6-2023, đã có 5.887 người có tấm lòng hảo tâm ở nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước “sập bẫy” và chuyển cho Trường hơn 5,6 tỷ đồng thông qua nhiều tài khoản ngân hàng ủng hộ từ thiện, tiền hỗ trợ mai táng và bị Trường chiếm đoạt.

Trong số các cảnh đời bi đát do Trường “vẽ” ra để kêu gọi quyên góp có bài viết, hình ảnh về cháu Hoàng Duy Q. (2015, trú thị trấn Kiến Đức, H. Đắk Rlấp, Đắk Nông) đang điều trị bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Sau khi Trường đăng bài viết cùng hình ảnh trên nhiều trang Facebook cá nhân đã có nhiều người chuyển tiền ủng hộ cho Trường qua các tài khoản ngân hàng và bị đối tượng chiếm đoạt.

Để tránh bị những kẻ lợi dụng từ thiện để trục lợi, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội, không để các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các nhà hảo tâm nên liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để xác định chính xác thông tin hoặc ủng hộ, đóng góp tiền, vật chất tại các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, quỹ xã hội được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức.

QUANG NGUYỄN