Không ngại khó, hiểm nguy để cứu người

Thứ tư, 01/02/2023 18:26
Ngay khi phục hồi lại sức khỏe sau 2 ngày nằm viện điều trị, ngày 31-1 du khách gặp tai nạn khi đi phượt tại bãi Sủng Cỏ, đèo Hải Vân Bùi Lê Xuân Huy đã tìm gặp và gửi lời cảm ơn từ tận đáy lòng đến các cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận (CAQ) Liên Chiểu, những người đã không ngại khó khăn, nguy hiểm để cứu sống anh trong thời khắc "ngàn cân treo sợi tóc".
Anh Huy ôm chầm Thiếu tá Thạnh, cảm ơn Thượng úy Vương (đứng sau) và tổ cứu nạn đã cứu sống mình.
Tô mỳ tôm đặc biệt tại ghềnh đá trong đêm.

Cái ôm thay ngàn lời muốn nói

Khoảnh khắc gặp lại các ân nhân, Huy xúc động ôm chầm từng người và nghẹn ngào xúc động nói lời cảm ơn. Nếu không có sự ứng cứu kịp thời và tinh thần trách nhiệm của tổ công tác thì tình huống xấu nhất có thể xảy đến với Huy khi đã 5 ngày đêm anh nằm dưới hốc đá, bản thân bị thương nặng, sức khỏe dần yếu đi.

Mồng 3 Tết năm Quý Mão 2023 trở thành ngày đáng nhớ suốt cuộc đời của Bùi Lê Xuân Huy (1996, trú H. Hóc Môn, TPHCM) khi một mình thực hiện chuyến đi phượt để trải nghiệm và thử thách bản thân ở bãi Sủng Cỏ, đèo Hải Vân (thuộc P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng). Những tưởng sẽ có chuyến đi suôn sẻ nhưng mọi chuyện xảy ra nằm ngoài dự đoán của chàng trai 27 tuổi. Do điều kiện thời tiết xấu, địa hình hiểm trở nên anh không may bị rơi xuống vách đá dựng đứng ở sát mép biển. Tỉnh lại sau cú ngã, anh tìm cách tự cứu bản thân và liên hệ nhưng mọi nỗ lực đều bất thành do bị thương. Sau 5 ngày chật vật sống trong rừng với thời tiết mưa rét của TP Đà Nẵng, đến rạng sáng mồng 8 Tết anh may mắn được lực lượng cứu hộ cứu sống.

Gặp lại những cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH CAQ Liên Chiểu, anh Huy và gia đình rất vui mừng, gửi lời cảm ơn sâu sắc. Đặc biệt, anh Huy không quên cảm ơn tô mỳ ăn liền nóng giữa trời mưa gió ngay tại ghềnh đá của bãi Sủng Cỏ vào đêm hôm đó. Nhờ tô mỳ từ lực lượng cứu hộ và chăn ấm quấn quanh người đã giúp anh nhanh chóng hồi lại sức, vượt qua thời khắc khó khăn.

Trong buổi trò chuyện, Huy chia sẻ anh trai ruột của mình cũng là một chiến sĩ trong lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TPHCM. Chính nhờ vào sự kết nối nhanh chóng và chính xác của anh trai với những người bạn đang công tác trong lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tại TP Đà Nẵng đã giúp được em mình kịp thời hơn. Anh trai của Huy đã rất xúc động, những cái bắt tay nồng ấm thay cho lời cảm ơn những đồng nghiệp của mình tại TP Đà Nẵng đã vượt khó khăn, nguy hiểm để cứu em mình trong thời khắc sinh tử.

Anh Huy ôm chầm Thiếu tá Thạnh, cảm ơn Thượng úy Vương (đứng sau) và tổ cứu nạn đã cứu sống mình.

Vượt qua mọi thử thách

Kể lại hành trình tìm kiếm và cứu sống Huy, những cán bộ chiến sĩ trong tổ công tác nhớ như in về những hiểm nguy mà mình phải vượt qua. Ngoài sự may mắn thì tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng xả thân, cống hiến vì nhân dân phục vụ đã thôi thúc các anh kiên trì, dũng cảm hoàn thành được nhiệm vụ.

Thông tin ban đầu mông lung sau khi tiếp nhận thông báo từ Trung tâm chỉ huy 114 của Công an TP Đà Nẵng, CAQ Liên Chiểu vẫn quyết định xuất 1 xe chuyên dụng cùng 8 cán bộ chiến sĩ đi cứu người trong đêm mưa lạnh cắt da thịt mồng 7 Tết. Ngoài các dụng cụ CNCH và y tế, tổ công tác còn mang theo một ít bánh kẹo Tết. Chiếc xe lao trong đêm thẳng hướng đèo Hải Vân. Là người dân địa phương, Thượng úy Phan Thành Vương nhận nhiệm vụ dẫn đường. Để đến bãi Sủng Cỏ nằm sát mép biển, anh và đồng đội phải lái ô-tô lên đỉnh đèo Hải Vân, cắt đường quốc phòng để rẽ vào và đi bộ theo lối mòn. Tuy nhiên, phần vì đêm tối và địa hình hiểm trở, cây cối chằng chịt nên việc dò đường bất thành.
Thượng úy Vương lúc này mới gọi điện thoại nhờ người thân chỉ đường. Do nhiều lần ra đây cạo rong mứt, ông Đỗ Tấn Đấu, chú vợ của Thượng úy Vương đã nhanh chóng nhận định được vị trí và chỉ đường để tổ công tác đi đúng hướng. Lúc này, chạy được một đoạn, ô-tô chuyên dụng phải dừng vì đường đèo sạt lở, chỉ còn lối nhỏ dành cho xe máy. Một người ở lại trông ô-tô, 7 người tiếp tục hành trình. Đi bộ chừng 5 km, tổ phát hiện xe máy có BKS TP HCM để bên đường. Khi xác minh đây là xe của nạn nhân, cả tổ tập trung vào lối mòn từ chỗ xe máy xuống mép biển.

Trên đường xuống, nhiều đoạn cây đổ chắn ngang, suối đá trơn trượt kèm trời mưa khiến việc di chuyển khó khăn. Đôi chân như cởi bỏ được sức nặng khi việc tìm được chiếc xe máy của nạn nhân cho thấy tổ công tác đi đúng hướng, nên ai cũng có động lực để đi nhanh hơn. Đến khoảng 3 giờ ngày 29-1, Tổ công tác cách bờ biển khoảng 200 m thì gặp vách đá cao chắn lối đi. Thiếu tá Nguyễn Văn Thạnh- Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH CAQ Liên Chiểu cầm đèn pin rà từ mép nước đến vách đá nhưng không thấy gì. Khi dùng loa cầm tay gọi tên thì nghe tiếng hồi đáp yếu ớt vọng từ phía dưới.

Men theo vách đá dựng đứng đi xuống dưới, tổ cứu nạn thấy Huy nằm co ro trong hốc đá, trên người mặc bộ áo mưa màu xanh nhưng nước đã thấm qua quần áo ướt sũng. Cả tổ tiến hành sơ cứu, quấn chăn, cho Huy uống nước lọc và ăn bánh kẹo mang theo. Để Huy nhanh lấy lại thân nhiệt, Thượng úy Vương tìm được chiếc nồi nhôm ở giáp biển mang về nấu nước pha mì tôm trong lúc chờ tiếp viện đến. Trong đêm mưa, họ phải tìm nơi khuất gió, lượm những mảnh xốp dạt vào bờ biển để đốt, hong củi khô rồi mới có thể nấu nồi nước nóng. Huy dần lấy lại sức và trò chuyện được sau khi húp hết tô mỳ. Sau đó, anh được lực lượng chức năng đưa về bờ cấp cứu. "Lên được canô, ai cũng rét run vì mưa và gió, nhưng chúng tôi vui vì kịp cứu nạn nhân", Thượng úy Vương nói.

M.VINH