Khu kinh tế Dung Quất: Nóng ô nhiễm, kẹt di dân
Từ đầu tháng 11 đến nay, tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) người dân sống cạnh đại công trường Cty CP thép Hòa Phát Dung Quất liên tục kiến nghị về việc mong được tái định cư, về nơi ở mới, vì gần đại công trường có nguy cơ phát sinh ô nhiễm. Nhưng câu chuyện tái định cư đang là vòng luẩn quẩn...
Cty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã bắt đầu nhả khói, nhưng người dân vẫn đang bị kẹt nơi TĐC. |
Bụi, ồn, lo nơi ở
Cty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất (Hòa Phát) ở KKT Dung Quất được thành lập từ tháng 2-2017, tổng vốn 52.000 tỷ đồng, công suất 4 triệu tấn thép/năm, sản xuất sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao. Do dự án này nằm cạnh bờ biển và từ khóa "công ty thép" vẫn bị dư luận lo ngại sau sự cố Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, vì vậy đơn vị này đã nhiều lần cam kết "không có bất cứ đường ống xả nào từ nhà máy dẫn nước thải công nghiệp ra biển, hệ thống nước tuần hoàn khép kín, sản xuất than coke bằng công nghệ dập coke khô...".
Từ cuối tháng 11- 2019, người dân ở đội 13, thôn Thuận Phước và khu dân cư số 4, thôn Đông Lỗ nằm sát bờ tường xây dựng tạm của nhà máy thường xuyên có ý kiến nhiều nhất về ảnh hưởng của nhà máy đến cuộc sống của bà con. Đến thời điểm hiện nay, công trường của Hòa Phát nhìn từ sau bức tường chỉ còn là những khối thép đồ sộ màu xám, còn trước đây vài tháng thì lượng công nhân thi công hơn 20 ngàn người và người dân ở các xóm nhỏ nằm cạnh bờ tường này có thể kiếm sống thêm bằng tiền cho thuê nhà trọ, buôn bán nhỏ.
Thời công trường xây dựng, người dân nơi đây chỉ trích bụi mù mịt từ công trường, còn hiện nay có ý kiến về khói, mùi, lá cây héo bất thường. Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường Dung Quất sau đó công bố kết luận "mọi chỉ số bình thường", nhưng người dân thì vẫn chưa thỏa mãn, yêu cầu việc lấy mẫu kiểm nghiệm phải thực hiện trong nhiều thời điểm để đảm bảo khách quan, chính xác.
Trước tình hình "nóng" tại địa bàn, chính quyền địa phương, Công an đã cùng chính quyền tuyên truyền, vận động, lắng nghe ý kiến từ phía người dân và có báo cáo cụ thể về những thực tế gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; có phương án để ngăn ngừa tình hình quá nóng như từng xảy ra tại Hà Tĩnh. Nhưng mọi biện pháp này cũng chỉ mang tính chất tạm thời và chìa khóa giải quyết vẫn là vấn đề di dân mà chúng tôi sẽ đề cập ở phần sau.
Kẹt di dân
Gần 400 hộ dân sống ở cạnh Cty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi lập đề án đưa về khu tái định cư (TĐC). Đó là chìa khóa để tình hình tại địa bàn ổn định và người dân không còn quá lo lắng vì khói, bụi. Trong Công văn số 2127/UBND-CNXD của UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng nêu rõ, đơn vị Hòa Phát phải ứng toàn bộ kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng khu tái định cư. Cty này cũng ký văn bản phúc đáp đã đặt hàng 448 lô đất TĐC và việc xây dựng khu TĐC là thuộc về chính quyền.
Khu vực TĐC chính nằm ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, là địa phương ven biển. Việc đưa dân về và dành quỹ đất sát biển để người dân miền biển mau chóng thích nghi là ưu tiên số 1. Đề cập đến xây dựng khu TĐC, Cty Lũng Lô 2.5 của Bộ Quốc phòng; Cty Cổ phần Lũng Lô 2 Cty Cổ phần xây dựng thương mại Trung Tây Nguyên, Cty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức là những đơn vị đang phối hợp để thực hiện dự án xây dựng khu TĐC. Theo kế hoạch dự kiến, quý 3-2019, các doanh nghiệp này sẽ giao 71 lô đất trên mặt bằng sạch và quý 3-2020 sẽ giao luôn 417 lô đất.
Người dân mong về nơi ở mới, tuy nhiên, ưu tiên trên dường như đang bị BQL KKT Dung Quất đưa xuống vị trí thứ 2. Vì sát khu TĐC có khu đất sạch rộng 42.741m2, là dự án treo hơn 10 năm của Cty Cổ phần 658 (giấy phép chủ trương đầu tư số 0032/GCN-KKTDQ). Cty này triển khai dự án Bình Sơn Hải, nhưng sau đó bỏ đất trống và đến ngày 17-9-2019, BQL KTT Dung Quất thu hồi dự án, sau đó ra Quyết định số 279/QĐ-BQL, chấp thuận đầu tư và cắt 13.274m2 đất khu vực dự án Bình Sơn Hải cho Cty Cổ phần Phát triển Bất động sản Tuấn Tú.
Nhìn toàn cảnh bức tranh Dung Quất hiện nay, đó là dân mong về nơi ở mới, những công trình mới khởi công đang điều chỉnh để khắc phục sự cố khói, bụi, ô nhiễm, còn đất trống thì vẫn không chuyển đổi quy hoạch để dành cho người dân. Phía sau việc thu hồi đất và giao cho doanh nghiệp khác cũng là điều mà dư luận thắc mắc?
LÊ VĂN CHƯƠNG