Khu phố chợ Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam): Lên phố cũng… khổ!
Cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn chỉnh ở khu phố chợ Điện Ngọc. |
Khu phố chợ Điện Ngọc nằm ở Trung tâm dự án Khu đô thị số 9, thuộc Dự án khu đô thị Điện Nam- Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là dự án có gần 10 năm nay, sau khi quy hoạch giải tỏa hai thôn Ngọc Vinh và Ngân Câu cùng một số thôn khác của xã Điện Ngọc trước đây. Trên địa bàn có hơn 60 dự án quy hoạch, xây dựng khu đô thị, khu phố chợ Điện Ngọc là dự án đầu tiên cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, tuy nhiên người dân nơi đây vẫn còn rất nhiều những bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường, không có nước sinh hoạt, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh…
Bà Nguyễn Thị Diệt, có nhà đối diện với khu chợ Điện Ngọc cho biết, bức xúc nhất là vấn đề rác thải. Rác chất ngổn ngang mọi nơi, mọi chỗ, bốc mùi hôi thối. Nguồn rác đầu tiên phải nói đến là khu chợ, hàng ngày hàng tấn rác các loại thải ra, chất đống ven đường đầu chợ, nhưng cả tuần chỉ có 2 chuyến xe đi thu gom rác. Không còn cách nào khác, người dân phải chất rác đốt, lại càng gây thêm ô nhiễm. Rác từ hàng nghìn hộ dân sống quanh khu vực cũng vậy, không được thu gom kịp thời, chất đống, ngổn ngang khắp nơi. Bức xúc thứ hai là vấn đề nước thải, hễ cứ mưa xuống là ngập ứ khắp nơi, hệ thống cống rãnh khu vực đã xây dựng, nhưng không có tác dụng thoát nước. Nước thải chảy tràn lan, kéo theo là rác rưởi, nước thải từ khu chợ chảy tràn vào khu dân cư, ngày nắng cũng như ngày mưa bốc mùi hôi thối. Tiếp nữa là nước sinh hoạt. Đa phần người dân nơi đây thuộc diện tái định cư sau khu giải tỏa quy hoạch, nhưng gần 10 năm qua, toàn khu vực không được lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt. Hàng nghìn hộ dân phải tự đóng giếng, nhưng nước giếng bị nguồn nước thải, rác thải thấm vào không thể dùng bởi bốc mùi hôi thối, thậm chí tắm giặt cũng gây ngứa, quần áo ố vàng, bốc mùi khó chịu. Hàng ngày người dân phải mua nước bình đóng sẵn để ăn uống, tắm giặt phải vào các khu vực chưa bị giải tỏa để xin nước giếng đào.
Người dân khu vực cho biết, khu phố chợ mặc dù đã được gọi là "cơ bản hoàn thành" nhưng cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, vỉa hè thì chỗ có chỗ không, chỗ được lát gạch đá, chỗ cây hoang dại mọc um tùm. Hệ thống cống rãnh cũng vậy, nhiều đoạn vẫn chưa thi công hoàn chỉnh, nước thải không thể lưu thông, mưa xuống là tắc ngẽn, ứ đọng. Người dân khu vực đã nhiều lần phản ánh thực trạng trên đến các cấp chính quyền, ngành chức năng… nhưng gần 10 năm qua, sự việc vẫn không thể cải thiện.
Nước giếng người dân tự đóng bốc mùi hôi thối. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Huyến- Chủ tịch UBND P. Điện Ngọc cũng rất băn khoăn: Toàn phường có hơn 7.500 hộ dân, tại Khu đô thị số 9, gồm hai khối phố Ngân Câu và Ngọc Vinh có hơn 1.500 hộ dân, gần 6.000 nhân khẩu. Cho đến nay, tại 13 khối phố toàn phường chưa có hệ thống nước sinh hoạt, chứ không riêng gì hai khối phố trên. UBND phường cũng đã kiến nghị, tỉnh cũng đã duyệt phương án để đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, nhưng không rõ là trong năm 2019 hay sang năm nữa mới có thể hoàn thành. Ông Huyến thừa nhận người dân phản ánh về ô nhiễm môi trường là đúng, trên địa bàn có hơn 60 dự án đang triển khai, mới chỉ có 1 dự án là khu phố chợ giai đoạn 1, thuộc Chủ đầu tư là Tập đoàn Đất Quảng là cơ bản hoàn thành, vì vậy nơi nào nhìn cũng dở dang, nham nhở. Hệ thống cống rãnh không được khớp nối. không biết nơi nào là đầu, nơi nào cuối, khu chợ Điện Ngọc cũng nằm trong tình trạng tương tự. UBND phường đã đề nghị đơn vị chủ đầu tư dự án xem xét, nghiên cứu cho xây dựng một hồ điều tiết để xử lý nước thải khu phố chợ, nhưng đề nghị mới chỉ dừng lại trên văn bản. Vấn đề rác thải, UBND phường cũng đã hợp đồng với Cty Môi trường đô thị Quảng Nam tăng mỗi tuần từ 1 chuyến xe thu gom rác lên 2 chuyến, nhưng vẫn không xuể, vì mật độ dân cư lớn, trong khi lượng dân cư tập trung không đều, hạ tầng chưa hoàn chỉnh. UBND phường cũng đã làm việc với Cty Cấp nước Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ thi công hệ thống cấp nước sạch cho người dân, nhưng có lẽ vướng mắc vẫn là vấn đề kinh phí, trong khi hàng chục các dự án khác còn dang dở, chưa khớp nối như hiện nay. Ông Huyến bộc bạch: "Nói thật, vấn đề bức xúc của người dân, chính quyền địa phương hiểu rất rõ, nhưng không thể giải quyết được gì nhiều, hầu hết các dự án đang triển khai tại địa phương, phường không thể tham gia, hay đóng góp bất kỳ ý kiến nào được…!". Chính vì vậy, vấn đề cốt lõi nhằm giải quyết những bức xúc của người dân là chính quyền và ngành chức năng tỉnh, thị xã phải yêu cầu các dự án đẩy nhanh tiến độ các dự án. Các chủ đầu tư dự án phải có cam kết với chính quyền địa phương, thời gian nào sẽ hoàn thành, khi hoàn thành thì cơ sở hạ tầng về điện, đường, hệ thống cống rãnh, nước sinh hoạt sẽ như thế nào… "Chứ như tình trạng hiện nay thì không biết 5 năm, 10 năm hay đến bao giờ đời sống người dân ở những vùng giải tỏa, quy hoạch, tái định cư như ở Điện Ngọc mới đúng nghĩa là nhưng khu đô thị văn minh đích thực", ông Huyền cảm thán.
HỒNG THANH