Khu vực Dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu chậm triển khai: 20 hộ dân "gánh" khổ
Theo thiết kế, diện tích xây dựng công trình chiếm 21,7%, diện tích dự trữ cho giai đoạn sau năm 2030 là 78,3%. Chi phí xây dựng và vận hành dự toán gần 232,3 tỷ đồng (vận hành và bảo dưỡng nhà máy trong 5 năm), dự kiến khởi công vào tháng 6-2017, hoàn thành vào tháng 12-2018. Tuy nhiên, đến nay dự án mới cơ bản hoàn thành khối nhà điều hành, do còn vướng mắc 20 hộ dân nằm trong quy hoạch chưa thể giải tỏa để có mặt bằng cho dự án…
Qua tìm hiểu, từ năm 2017, đối với công tác giải phóng mặt bằng dự án, có 372 hồ sơ, trong đó xã Hòa Liên (H. Hòa Vang) 195 hồ sơ, P. Hòa Khánh Bắc (Q. Liên Chiểu) 177 hồ sơ. Đoạn qua xã Hòa Liên đã kiểm định và phê duyệt tính pháp lý, nhận tiền và bàn giao mặt bằng 175/195 hồ sơ. Đoạn qua P. Hòa Khánh Bắc đã kiểm định và họp xét tính pháp lý, có 124 hồ sơ nhận tiền (trong đó 23 hồ sơ bàn giao mặt bằng và 101 hồ sơ nhận 80% tiền đền bù đất).
Việc triển khai dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu không chỉ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu công nghiệp mà còn đưa người dân khu vực thoát khỏi cảnh chưa mưa đã ngập… Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch hoàn thành dự án đã kéo dài tới 5 năm vì vướng mắc trong giải tỏa, đền bù… Đầu tháng 3-2023, tìm hiểu vấn đề, phóng viên được lãnh đạo UBND Q. Liên Chiểu cho biết, hiện còn 20 hồ sơ đền bù giải tỏa thuộc dự án chưa giải quyết xong vì người dân không thống nhất phương án đền bù. Nguyên nhân chính là dù người dân xây dựng nhà, sinh sống tại đây từ lâu nhưng không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Vì vậy, khi áp dụng giá đền bù giải tỏa thì áp theo giá đất nông nghiệp, các hộ dân không đồng ý. Cũng theo lãnh đạo UBND Q. Liên Chiểu, đến thời điểm này, UBND quận đã có báo cáo gửi UBND TP, các sở, ngành tìm phương án giải quyết nhưng căn cứ các quy định pháp luật về đất đai hiện hành thì không có cơ sở để giải quyết theo yêu cầu của người dân (theo quy định khi giải tỏa, đền bù đất nông nghiệp người dân sẽ không được bố trí đất tái định cư).
Trực tiếp đi thực tế, phóng viên được nghe người dân phản ánh, vì nằm trong quy hoạch, dự án được phê duyệt, triển khai nên dù nhà cửa xuống cấp, có thể sập, đổ bất cứ lúc nào nhưng người dân không thể sửa chữa, xây dựng nhà mới. Các hộ dân còn "bám trụ" lại cho rằng, thành phố chỉ chấp nhận đền bù theo giá đất nông nghiệp là không hợp lý với thực tế. "Chúng tôi sống ở đây từ rất lâu, đất đai, nhà cửa không có tranh chấp nên phải được giải quyết theo diện có sổ đỏ. Áp theo giá đất nông nghiệp thì số tiền đền bù không đủ để mua đất chứ đừng nói đến chuyện xây dựng nhà cửa. Chúng tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho chính quyền nếu được đền bù thỏa đáng, ổn định cuộc sống", bà Trần Thị Gái đại diện các hộ dân cho biết.
Sống trong cảnh "đi không được, ở không xong" nhiều năm nay khiến người dân trong khu quy hoạch dự án quá khổ sở. Những năm qua, cả khu vực 20 hộ dân nằm lọt thỏm giữa 4 bề là các dự án đang triển khai nên chỉ cần có mưa là ngập sâu, nhà cửa, đồ dùng ngâm trong bùn, nước. Đặc biệt, sau trận mưa lũ lịch sử tháng 10-2022 tại Đà Nẵng vừa qua, nhiều tài sản của người dân bị nhấn chìm, hư hỏng, thiệt hại lớn. Chưa thống nhất với giá đền bù, giải tỏa, nhiều năm qua, 20 hộ dân thuộc khu quy hoạch dự án vẫn cố bám trụ trong những căn nhà xuống cấp và môi trường ô nhiễm. "Cứ mưa là ngập, còn nắng nóng thì nước thải sinh hoạt từ khu công nghiệp Hòa Khánh đổ ra đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Chúng tôi mong thành phố quan tâm, hỗ trợ để sớm chuyển đến nơi ở mới chứ sống cảnh thế này quá khổ sở", đại diện các hộ dân kiến nghị.
Rõ ràng từ thực tế người dân phải sống trong cảnh tạm bợ ở vùng quy hoạch dự án, trong khi dự án cũng bị ảnh hưởng, phải kéo dài vì vướng mắc mặt bằng từ các hộ dân này. Chính quyền và ngành chức năng thành phố sớm xem xét, có biện pháp giải quyết hợp tình, hợp lý vấn đề làm sao người dân sớm ổn định cuộc sống và dự án cũng sớm được triển khai hoàn thiện để đi vào hoạt động.
Hồng Thanh