Khủng hoảng ngân hàng vẫn chưa kết thúc

Thứ ba, 21/03/2023 05:48
Các nhà đầu tư và chiến lược gia cho rằng vẫn tồn tại những yếu tố gây biến động thị trường tài chính toàn cầu. Theo Reuters, kịch bản đổ vỡ lây lan trong lĩnh vực ngân hàng Mỹ và châu Âu là hoàn toàn có thể xảy ra.
UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse. Ảnh: Getty Images
UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse. Ảnh: Getty Images

Nguy cơ đổ vỡ lây lan

Theo thỏa thuận được công bố ngày 19-3 trị giá 3,2 tỷ USD, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã đồng ý mua Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ. Quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền Thụy Sĩ sẵn sàng thay đổi luật để bỏ qua một cuộc bỏ phiếu của cổ đông về giao dịch khi các bên phải gấp rút hoàn tất thỏa thuận trước ngày 20-3 (giờ địa phương).

Credit Suisse - ngân hàng 167 năm tuổi và lớn thứ 2 của Thụy Sĩ đã chịu nhiều áp lực sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng tại Mỹ là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB). Giá trị thị trường của ngân hàng này đã bị giáng một đòn nặng nề do những lo ngại về hiệu ứng "domino" sau sự sụp đổ của SVB và SB, cùng với việc công bố báo cáo thường niên của Credit Suisse, trong đó chỉ ra "những điểm yếu quan trọng" trong kiểm soát nội bộ.

Các nhà đầu tư và chiến lược gia cho rằng vẫn tồn tại những yếu tố gây biến động thị trường tài chính toàn cầu ngay cả khi UBS đã đồng ý mua Credit Suisse. Ông Win Thin tại ngân hàng Brown Brothers Harriman & Co (Mỹ) đánh giá: "Thỏa thuận Credit Suisse với tin tức hoán đổi tiền tệ đã giúp trấn an ở thời điểm này. Nhưng tôi cho rằng First Republic và các ngân hàng khu vực khác vẫn chưa ổn định do vậy không chắc liệu chúng ta có thể nghe đến an toàn". Ngân hàng First Republic có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) dường như tiến tới nguy cơ sụp đổ vào ngày 16-3 tuy nhiên các gã khổng lồ tài chính JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo mỗi đơn vị đã "bơm" 5 tỷ USD ứng cứu.

Các nhà phân tích Sharon Zollner và David Croy tại tập đoàn ngân hàng ANZ nhấn mạnh: "Các ngân hàng trung ương đang cố gắng tách biệt mối quan tâm về chính sách tiền tệ và ổn định tài chính, nhưng điều đó trong thực tế khó hơn so với lý thuyết". Họ cũng đánh giá có nguy cơ các tình trạng tài chính quá căng thẳng gây ra sự sụt giảm đột ngột, nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế và lượng tiền sẵn.

Một nghiên cứu của nhóm các nhà kinh tế Mỹ đã đưa ra cảnh báo ít nhất 186 ngân hàng Mỹ có khả năng phải đối mặt với những rủi ro tương tự như vụ sụp đổ của SVB nếu chỉ một nửa lượng khách hàng không có bảo hiểm của họ quyết định rút tiền gửi. Trích dẫn các phân tích tính toán cho thấy giá trị tài sản ngân hàng sụt giảm, các nhà nghiên cứu nêu rõ tất cả những ngân hàng được liệt kê đều gặp phải các vấn đề tương tự như SVB. Các ngân hàng dễ bị tổn thương trước làn sóng rút tiền ồ ạt của những người gửi tiền không được bảo hiểm - nguyên nhân dẫn tới vụ phá sản của SVB. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tăng lãi suất mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm giảm lạm phát đã làm mất giá trị các tài sản mà các ngân hàng nắm giữ, gồm trái phiếu chính phủ và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp.

Fed chọn ổn định tài chính hay hạ nhiệt lạm phát?

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) đánh giá sự kiện quan trọng trong tuần này là quyết định chính sách của Fed vào ngày 22-3 tới. Các thị trường chờ đợi liệu những ồn ào trên thị trường toàn cầu có khiến các nhà lập pháp Mỹ kìm lại việc nâng lãi suất hay không. Trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng Mỹ và châu Âu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, một số giám đốc điều hành đang kêu gọi Fed tạm dừng lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.

Các nhà đầu tư dự đoán có 60% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào cuộc họp chính sách hai ngày 21,22-3, với 40% còn lại dự đoán Ngân hàng trung ương này sẽ đóng băng lãi suất chủ chốt. Một số giám đốc điều hành ngân hàng đã lên tiếng kêu gọi Fed ưu tiên ổn định thị trường tài chính trước.

Theo ông Peter Orszag, Giám đốc điều hành phụ trách tư vấn tài chính tại ngân hàng đầu tư Lazard, Fed cần nhanh chóng ổn định thị trường tài chính, còn chính sách ổn định lạm phát thì có thể từ từ triển khai. Ông Orszag nói thêm: "Fed nên tạm dừng tăng lãi suất nhưng sẵn sàng tăng dần dần khi tình hình có chuyển biến tốt".

Bob Schwartz, chuyên gia cấp cao tại công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, nhận định rằng các vấn đề của ngân hàng chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách. James Tabacchi, Tổng giám đốc của công ty môi giới South Street Securities, cho rằng Fed nên chờ khoảng một tháng để thị trường ổn định lại. Ông dự đoán Fed cuối cùng sẽ tăng lãi suất lên trên 6%. Lãi suất hiện tại của Fed là 4,5 - 4,75%. Theo ông Orszag, người từng là Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, miễn là kỳ vọng lạm phát dài hạn không bị ảnh hưởng như trường hợp hiện nay, thì Fed vẫn còn thời gian. Tăng lãi suất quá nhanh có thể gây thiệt hại nghiêm trọng, ví dụ rõ nhất là cuộc khủng hoảng ngân hàng hiện nay.

AN BÌNH