Kịch bản nào cho công tác tuyển sinh đại học năm 2020?

Thứ hai, 20/04/2020 14:24

Sau khi Bộ GD-ĐT trình Chính phủ Phương án thi THPT quốc gia năm 2020 với hai phương án, trong đó có việc không tổ chức kỳ thi này. Và điều mà hầu hết các trường ĐH trên cả nước (trong đó có Đại học Đà Nẵng- ĐHĐN) đang quan tâm, cân nhắc là xây dựng kịch bản tuyển sinh như thế nào cho phù hợp để ứng phó với tình hình dịch Covid-19...

Thí sinh Đà Nẵng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Phương án 1…

PGS.TS Lê Thành Bắc- Phó Giám đốc ĐHĐN- cho biết, từ tháng 10-2019, Giám đốc ĐHĐN đã cho thành lập Ban chuẩn bị Đề án tuyển sinh riêng, mời GS.TSKH Bùi Văn Ga-nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT tham gia.

Theo đó, năm học 2020-2021, ĐHĐN dự kiến tuyển 14.240 chỉ tiêu bậc ĐH cho 135 ngành đào tạo theo 4 phương thức: Xét tuyển trên kết quả thi THPTQG; Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT; Xét tuyển dựa trên học bạ phổ thông (cho một số ngành đào tạo); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực phối hợp với ĐH Quốc gia TPHCM (hiện đã có 3.000 thí sinh đăng ký). Một số ngành đặc thù như Kiến trúc, GD mầm non, SP âm nhạc,.. sẽ tổ chức thi thêm môn năng khiếu. Vì thế, dù dịch Covid-19 đến bất ngờ và diễn biến phức tạp, nhưng ĐHĐN cũng đã có các phương án chuẩn bị sẵn sàng cho công tác tuyển sinh năm nay. Cũng theo PGS.TS Lê Thành Bắc, trong nhiều năm qua, ĐHĐN luôn tuyển sinh đạt trên 90%, đặc biệt với phương thức xét kết quả thi THPT thường lấy mức điểm cao.

Khi được hỏi quan điểm về hai phương án mà Bộ GD-ĐT vừa trình lên Chính phủ, PGS.TS Lê Thành Bắc suy nghĩ: “Tôi mong phương án 1 sẽ xảy ra (lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia vào tháng 8-2020- P.V). Với diễn biến dịch đang có chiều hướng tích cực như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng phương án 1 sẽ thực hiện được. Và nếu phương án 1 được triển khai, ĐHĐN và hầu hết các trường đại học khác cơ bản giữ nguyên phương án tuyển sinh đã chuẩn bị. Tất nhiên, các trường sẽ phải điều chỉnh lại thời gian thu nhận/xét hồ sơ đăng ký xét tuyển, công bố trúng tuyển,…Riêng ở phương thức xét tuyển học bạ, tôi nghĩ sẽ có điều chỉnh đôi chút, ví dụ chỉ xét kết quả kỳ 1 lớp 12 cộng với kết quả năm lớp 11 (hoặc thêm năm lớp 10)…

…phương án 2

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức thi THPT Quốc gia 2020 được (phương án 2), PGS.TS Lê Thành Bắc cho rằng, cần phải đưa ra ít nhất 2 tình huống sau: Nếu dịch nguy hiểm sớm kết thúc (hoặc về ngưỡng an toàn cho phép) sau thời điểm mà phương án 1 đưa ra (HS không thể đi học trước ngày 15-6 và Bộ giao các địa phương xét tốt nghiệp THPT), để đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, có thể song song với các hình thức xét tuyển học bạ, tuyển thẳng, sẽ có một số trường hoặc cụm trường tổ chức kỳ thi riêng. Điều này sẽ đưa đến một số hệ lụy: không kiểm soát được chất lượng chung đầu vào ĐH, sẽ có cạnh tranh không lành mạnh (đề dễ, đề khó, thi trước thi sau,...), lượng ảo sẽ rất lớn (một thí sinh đăng ký thi nhiều trường nhưng nếu trùng ngày thi thì chỉ tham gia được 1...).

Ngoài ra, việc tổ chức thi riêng sẽ tái lại cảnh số lượng thí sinh đổ dồn về các TP lớn dự thi sẽ rất lớn không chỉ gây tốn kém mà còn mất an toàn… Đây là vấn đề cần phải được cân nhắc, tính toán kỹ nếu tổ chức thi riêng. Theo đó, PGS.TS Lê Thành Bắc cho rằng, giải pháp để khắc phục một phần hạn chế ở tình huống này là Bộ GD-ĐT giao cho Trung tâm Khảo thí Quốc gia (thuộc Cục ĐBCL GD) cung cấp đề thi cho các trường (hoặc cụm trường) có tổ chức thi riêng. Các trường ĐH sẽ hợp đồng với TTKTQG để nhận đề, đáp án... Bộ sẽ kiểm tra giám sát thời gian thi (tốt nhất là quy định thời gian thi để giảm ảo), công bố kết quả thi...

Tình huống thứ hai, dịch nguy hiểm kéo dài tới cuối năm, thậm chí qua năm sau thì các trường hay cụm trường sẽ không thể tổ chức thi riêng được (trừ trường hợp kịp chuẩn bị chu đáo cho thi online), thì xét tuyển học bạ, tuyển thẳng và cho học online sẽ là phương án mà các trường ĐH áp dụng. Ở tình huống này, hạn chế là các trường sẽ không thể kiểm soát được thí sinh ảo cũng như không thể đánh giá chính xác chất lượng đầu vào từ học bạ.

Hay tổ chức thi online?

Để khắc phục một phần hạn chế này, theo ông Lê Thành Bắc, Bộ GD-ĐT đưa ra một số tiêu chí yêu cầu khi xét tuyển, quy định mức ưu tiên nguyện vọng khi xét học bạ, giúp các trường lọc ảo,... cũng như ra các hướng dẫn, quy định để tăng cường giám sát, kiểm tra… “Tương lai khi chuẩn bị đủ điều kiện về cả hạ tầng CNTT, chuẩn bị tốt về đề thi và làm tốt công tác giám sát,… thì tổ chức thi tuyển online là lựa chọn hợp lý nhất”- PGS.TS Lê Thành Bắc chia sẻ thêm.

Trong khi đó, theo quan điểm của PGS.TS Lê Văn Huy- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐHĐN, trong tình huống xấu nhất không thể tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, các trường ĐH phải tin tưởng vào kết quả đào tạo của các trường THPT để tạo ra một đợt tuyển sinh ổn định. Cụ thể, các trường có thể dựa trên kết quả học bạ điểm trung bình của 5 học kỳ hoặc 3 học kỳ hay có thể dựa trên điểm các môn tùy theo tổ hợp môn để xét tuyển. “Theo tôi, trong tình huống xấu nhất, điều quan trọng là Bộ GD-ĐT phải có định hướng rõ ràng, kịp thời để các trường chủ động trong phương án tuyển sinh của mình. Đặc biệt, Bộ phải có điều chỉnh liên quan đến phần mềm về kết quả học tập 5 học kỳ của thí sinh. Yêu cầu các  trường THPT cung cấp phần mềm này để các trường ĐH lọc ảo…”- ông Lê Văn Huy bày tỏ quan điểm.

Đại dịch Covid-19 đặt ra rất nhiều “phép thử” về việc học cách ứng phó và tập thích nghi trước mọi hoàn cảnh, tình huống xấu có thể xảy ra. Ngành GD-ĐT cũng không nằm ngoại lệ đó. Và điều mà các trường ĐH đang mong chờ nhất hiện nay là Bộ sớm chốt lại phương án thi THPT Quốc gia để chủ động công tác tuyển sinh năm 2020.

P.THỦY