Kiểm định chất lượng GD Đại học: Khó nhưng cần thiết...

Thứ bảy, 05/01/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Kiểm định chất lượng (KĐCL) là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các cơ sở đào tạo bậc ĐH, CĐ nói riêng và của toàn hệ thống GD nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện  KĐCL, các trường ĐH, CĐ trong cả nước gặp không ít khó khăn. ĐHĐN cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó...

ĐHĐN là một trong những ĐH Vùng triển khai công tác KĐCL sớm nhất trong cả nước. Theo đó, trường ĐHBK là trường ĐH thành viên đầu tiên của ĐHĐN hoàn thành công tác kiểm định chất lượng chu kỳ 1 vào năm 2006 và được Hội đồng Quốc gia công nhận là trường đạt chất lượng giáo dục. Đến năm 2009, trường ĐHKT và trường ĐH Ngoại Ngữ cũng hoàn thành công tác này. Các trường ĐHSP và trường CĐ Công nghệ đã hoàn thành giai đoạn tự đánh giá và đang chờ Bộ GD-ĐT tổ chức đánh giá ngoài...

Trong quá trình triển khai, các trường ĐH thành viên ĐHĐN gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là khâu thu thập minh chứng (số liệu, dẫn chứng để chứng minh về chất lượng giáo dục). Lấy ví dụ từ Trường ĐHBK Đà Nẵng. Do trước đó, trường đã trải qua nhiều lần thay đổi lãnh đạo, công tác lưu trữ tài liệu chưa khoa học, nên công tác thu thập minh chứng gặp nhiều trở ngại. Là trường ĐH thành viên thuộc ĐHĐN, theo mô hình sử dụng chung tài nguyên về con người và cơ sở vật chất (CSVC) nên việc xác định một số tiêu chí về đội ngũ giảng viên, cán bộ phục vụ, CSVC như KTX, thư viện, sân tập thể thao... khó phân định giữa sở hữu chung và riêng. Mặt khác, vì đây là công việc còn khá mới mẻ, nên nhận thức của mỗi người cũng không hoàn toàn giống nhau.

 Trường ĐHBK Đà Nẵng là một trong 20 trường ĐH đầu tiên của cả nước tham gia KĐCL và được công nhận là trường đạt chuẩn chất lượng. Ảnh: X.C

PGS-TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐHĐN- cho biết: “KĐCL mới triển khai ở Việt Nam, nên trong thời gian đầu, nhiều cán bộ quản lý, giảng viên và SV chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của KĐCL giáo dục đối với sự phát triển của đơn vị. Việc tham gia và thực hiện các hoạt động KĐCL mặc dù mang tính tự nguyện nhưng chưa hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu thực tế, chưa có sự gắn kết giữa KĐCL với các hoạt động khác nhằm đáp ứng những mục tiêu trong chiến lược phát triển của đơn vị... Mặc dù trường đã cử cán bộ quản lý và giảng viên dự các đợt tập huấn do Bộ GD-ĐT cũng như ĐHĐN tổ chức, đội ngũ trực tiếp triển khai công việc còn thiếu về số lượng và chưa có kinh nghiệm...”.

Khó khăn nữa là công tác nhân sự. Bởi phần lớn cán bộ tham gia hoạt động KĐCL làm công tác kiêm nhiệm nên không thể dành nhiều thời gian cho công việc này. Bên cạnh đó, quá trình KĐCL được thực hiện trong khoảng thời gian khá dài, nhiều cán bộ đang tham gia hoạt động kiểm định hoặc đi học hoặc chuyển công tác, ảnh hưởng không nhỏ công tác tổ chức nhân sự... Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lại chưa có chính sách động viên, chưa có chế tài đối với các trường ĐH tham gia hoặc không tham gia KĐCL, cũng như đối với các trường có kết quả tốt hoặc chưa tốt. Chính điều này phần nào làm hạn chế nhiệt tình và trách nhiệm của lãnh đạo các trường.               

Có thể nói, KĐCL đòi hỏi sự đầu tư lớn về công sức, kinh phí, đặc biệt cần nâng cao nhận thức về kiểm định của cán bộ viên chức. Các trường ĐH đã tham gia KĐCL đều cho rằng, KĐCL giáo dục được triển khai hiệu quả sẽ có tác động tích cực đối với việc thay đổi về chất lượng hoạt động của nhà trường. Hiện nay, nguồn kinh phí cho KĐCL chưa được quan tâm nên có những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai... “Một số trường đã hoàn thành tự đánh giá nhưng không được thông báo về kế hoạch đánh giá ngoài của Bộ. Bên cạnh đó, thời gian từ lúc hoàn thành tự đánh giá đến lúc đánh giá ngoài khá lâu, một số thông tin trong báo cáo đã không còn phù hợp. Việc phản hồi kết quả KĐCL còn chậm hoặc không có phản hồi chính thức có thể làm giảm ý nghĩa và sự tác động của KĐCL đến nhận thức của lãnh đạo và cán bộ, giảng viên của trường”- PGS- TS Trần Văn Nam nói thêm...

Tuy còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, nhưng thiết nghĩ đây là hoạt động cần thiết cần được thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, không nên làm theo hình thức, phong trào, làm cho có...

P.Nết