Kiên định mục tiêu phát triển năm 2024

Thứ ba, 08/10/2024 06:22

Chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2024, trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 7-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương nỗ lực phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 khoảng trên 7%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương.

Tại Phiên họp, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024, đề ra nhiệm vụ công tác tháng 10 và Quý 4-2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và một số nội dung quan trọng khác.

Phiên họp đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, Quý III và 9 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. GDP Quý III tăng 7,4%, tính chung 9 tháng tăng 6,82%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,88%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%, xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh, lượt khách quốc tế 9 tháng đạt trên 12,7 triệu, tăng 43%. Thu hút FDI 9 tháng đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6%. Vốn FDI thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất 5 năm qua…

Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Nhiều hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước được tổ chức thành công; ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Với kết quả đó, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á đều nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 lên 6,1%…

Các đại biểu cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức. Trong đó, với thiệt hại khoảng 82 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng của bão số 3 còn phải khắc phục thời gian dài; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, 9 tháng mới đạt 47,3% kế hoạch, thấp hơn mức 51,38% của cùng kỳ. Những khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản vẫn còn chậm được giải quyết; đời sống một bộ phận người dân khó khăn; an ninh, trật tự an toàn xã hội, tình hình tội phạm trên một số địa bàn tiềm ẩn diễn biến phức tạp…

Tại Phiên họp, lãnh đạo các tỉnh, thành phố hoan nghênh sự quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cam kết thực hiện nghiêm các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; đề nghị tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa; hỗ trợ các địa phương tháo gỡ về cơ chế và hỗ trợ kinh phí để thúc đẩy phát triển hạ tầng, với các dự án cụ thể, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là xóa nhà tạm, dột nát cho người nghèo, khắc phục hậu quả bão số 3…

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng biểu dương các địa phương đã nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức và đóng góp vào thành tựu chung của cả nước. Trong đó, hai địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã đóng góp 51% tổng thu ngân sách của cả nước; chia sẻ thiệt hại và biểu dương các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, TP Hải Phòng trong ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ; các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Nam, Khánh Hòa, Điện Biên và Lai Châu có tăng trưởng kinh tế trên 10%.

Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, với mục tiêu tổng quát là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách… Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng trên 7%, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác; không điều hành “giật cục”.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng các bộ, ngành, địa phương chung sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo.

B.T – TTXVN

Tăng trưởng 7% là có cơ sở

Chiều 7-10, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2024, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, cơn bão số 3 vừa qua mạnh chưa từng có, đã gây thiệt hại rất lớn, tác động đến tăng trưởng kinh tế giảm 0,15 điểm phần trăm. Ngay sau khi bão qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành khẩn trương báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ để có giải pháp hỗ trợ ngay đối với các đối tượng bị ảnh hưởng sau bão. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Đến nay, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ cho vay vốn đối với 84,5 nghìn đối tượng bị ảnh hưởng của bão với tổng số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng. Thủ tướng đã chỉ đạo xuất cấp 432,6 tấn gạo để cứu đói và chi hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng. Trong đợt bão lũ vừa qua, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp cũng quan tâm, ủng hộ rất nhiều cho đồng bào bị ảnh hưởng của lũ lụt.

Đối với mục tiêu tăng trưởng 7% của năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, con số này là có cơ sở, nếu không có bão xảy ra thì con số này có thể cao hơn nữa. Theo kịch bản xây dựng, trên cơ sở kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với Thủ tướng Chính phủ giữ mục tiêu phấn đấu 7% của cả năm, thậm chí nếu có điều kiện có thể phấn đấu cao hơn.

Về giải pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ, với những địa phương không bị ảnh hưởng mà có tiềm năng tăng trưởng cao thì cần chia sẻ và nỗ lực hơn để bù đắp lại các thiệt hại của các địa phương bị ảnh hưởng. Hai địa bàn trọng điểm, hai đầu tàu, động lực chính của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nếu đạt tăng trưởng ở mức cao hơn sẽ tác động rất tốt đến tăng trưởng kinh tế của cả nước. Với tinh thần như vậy, sắp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn thiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, triển khai thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

B.T