Kiến trúc sư trẻ với đam mê bảo tồn di sản phủ đệ Huế
Ngỡ ngàng và khâm phục bởi KTS Nguyễn Xuân Lực còn quá trẻ. Anh sinh năm 1994, tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học Huế năm 2017, sau đó tiếp tục học lên bậc cao học, lấy bằng thạc sĩ kiến trúc vào năm 2022. Từ tấm lòng yêu Huế, Nguyễn Xuân Lực đã âm thầm tìm cách lưu giữ, bảo tồn những loại hình kiến trúc đặc sắc, riêng có của Huế trước nguy cơ ngày càng mai một bởi “cơn lốc” đô thị hóa: Ký họa lại từng đường nét, hình dáng và hồn cốt của mỗi công trình kiến trúc phủ đệ xưa cũ, nhằm lưu dấu, bảo tồn các giá trị di sản kiến trúc quý giá cho đời sau trước khi chúng bị biến mất...
Với tâm niệm đó, Nguyễn Xuân Lực miệt mài theo đuổi đam mê và cho ra đời công trình đầu tay của mình “Ký họa kiến trúc di sản Huế - Cổng ngõ phủ đệ” với 72 bức ký họa đặc tả tỉ mỉ và chi tiết các họa tiết hoa văn trên các hàng rào, tường thành, cổng ngõ thuộc hệ thống di sản cổng ngõ phủ đệ Huế. Đặc biệt, trong đó tác giả đã kỳ công khảo sát, hệ thống hóa và đặc tả 4 kiểu dáng kiến trúc cổng ngõ phủ đệ hiện còn được phân bố trên địa bàn của 15 phường, xã thuộc thành phố Huế gồm: Hệ thống các phủ có kiến trúc cổng tam quan (gồm 12 cổng phủ); hệ thống các phủ có kiến trúc cổng một cửa (cửa vòm – gồm 36 cổng phủ); hệ thống các phủ có kiến trúc cổng hai trụ (gồm 17 cổng phủ); hệ thống các phủ có kiến trúc các cổng phủ đã mất cổng (gồm 6 phủ).
Đánh giá về công trình của KTS Nguyễn Xuân Lực, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Nguyễn Khánh Phong đã quả quyết: “Có thể từ những gì đã học trong sách vở, học ở ngoài đời và thấm thấu qua thời gian, sự cọ xát với nghệ thuật.., giờ đây KTS Nguyễn Xuân Lực đã thực sự đắm mình vào vẽ ký họa di sản phủ đệ xứ Thần kinh với gam màu đen trắng, cùng với lời giới thiệu ngắn gọn, súc tích từng địa chỉ, vị trí tọa lạc của mỗi phủ đệ, lý lịch gia thế của chủ nhân gắn liền với phủ. Khi ký họa, Nguyễn Xuân Lực luôn chú ý đến các chi tiết của kiến trúc với các họa tiết hoa văn, bình phong, cổng thành, tường rào, mái cổng… đã làm rõ được những yêu cầu cơ bản của mối liên hệ giữa ký họa với kiến trúc…”.
Trước khi để độc giả chiêm ngưỡng 72 bức ký họa kiến trúc cổng ngõ phủ đệ Huế, KTS Nguyễn Xuân Lực đã dẫn dắt người đọc hiểu rõ hơn về đặc trưng kiến trúc phủ đệ, cùng thực tại biến đổi kiến trúc trong hệ thống cổng phủ mà theo tác giả là “do tác động của thời tiết, thời gian, lịch sử và đô thị hóa mà có nhiều cổng ngõ đã dần bị thay đổi cả về mặt vật liệu lẫn hệ thống kiến trúc, trong đó sự biến đổi hệ thống kiến trúc cổng phủ ở Huế là một điển hình”. Điều đó cho thấy trách nhiệm và tấm lòng đau đáu về số phận của loại hình kiến trúc quý hiếm, không nơi nào có được mà tác giả cần phải ký họa lại để bảo lưu, phục vụ cho công tác bảo tồn, phục dựng khi có điều kiện.
Để có được tập ký họa giá trị này, theo Trần Nguyễn Khánh Phong, “Nguyễn Xuân Lực đã dành khá nhiều thời gian để sưu khảo các hình ảnh Huế xưa - nay trong đó có phủ đệ. Các phủ đệ xứ Huế được KTS Nguyễn Xuân Lực kỳ công khảo sát, ký họa và được thể hiện thành công trong tập sách như: Phủ Quốc Uy công, Phúc Long công, Ninh Thuận công, Kiến Tường công, Cương Quận công, Phong Quốc công, Diên Khánh vương, Tuy Lý vương, An Thường công chúa… Bố cục được trình bày hài hòa, sắc nét, những đường bút mực đen như đưa người xem vào sự mê hồn của di sản… Ký họa phủ đệ của Nguyễn Xuân Lực sẽ dễ đi vào lòng người bởi sự chân chất của đường nét đen huyền hiện rõ trên từng trang giấy trắng, vừa trông bắt mắt, vừa giản dị, dễ gần”.
Chúc Nguyễn Xuân Lực tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên con đường mình đã chọn, góp phần bảo lưu và tỏa sáng các giá trị di sản Cố đô Huế trong đời sống đương đại.
Theo Báo Đắk Lắk Điện tử