Kinh hoàng đường tránh Huế
(Cadn.com.vn) - Sau hơn 7 năm đưa vào sử dụng, hiện trạng của đường tránh QL1A qua địa bàn TT- Huế - công trình được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã xuống cấp một cách tệ hại. Chất lượng thi công cũng như vấn đề kỹ thuật của công trình này đang bị hoài nghi...
Đường tránh khó né
Giữa năm 2001, dự án đường tránh Huế được khởi công xây dựng với vốn đầu tư 385 tỷ đồng từ nguồn vốn đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, và đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 1-2003. Công trình có chiều dài 37 km đi qua 10 xã, thị trấn của huyện Hương Trà, Hương Thủy do Bộ GT-VT làm chủ đầu tư, BQLDA Biển Đông (Bộ GT-VT) giám sát chất lượng kỹ thuật cùng hơn 10 đơn vị khác đảm nhiệm khâu thiết kế, kiểm định chất lượng và thi công. Ngoài hệ thống nền đường rộng 12m, trên toàn tuyến còn có 130 cống, 17 cây cầu các loại, có thể bảo đảm giao thông hai chiều cho các loại phương tiện cơ giới.
Tuy nhiên chỉ sau hơn một năm đưa vào hoạt động, tuyến đường đã xuống cấp, với hàng ngàn mét vuông ổ gà, ổ voi (thời gian này Báo Công an TP Đà Nẵng đã có bài viết "đường tránh, muốn... né"). Sự xuống cấp nhanh của tuyến đường báo hại Cty CP Quản lý & Xây dựng Đường bộ (CPQL&XDĐB) TT-Huế, đơn vị được bàn giao quản lý công trình phải nhiều lần tổ chức duy tu bảo dưỡng với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng mọi công sức, tiền bạc chỉ như muối đổ biển. Bởi trên thực tế, sự duy tu chắp vá không thể chữa lành được con đường vốn dĩ kém chất lượng. Đối mặt với thực trạng này, tất cả các phương tiện, đặc biệt là xe tải, xe khách hai đầu Bắc –
Toàn tuyến đường tránh xuống cấp nghiêm trọng, nơi nào cũng có công nhân thi công duy tu, bảo dưỡng. Ảnh: Q.C
Dấu hỏi chất lượng
Hai lần theo đoàn xe đi cứu trợ tại tỉnh Quảng Bình và trở về bằng xe khách hồi trung tuần tháng 11 vừa qua, chứng kiến con đường xuống cấp, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, xót xa. Không như lần thực tế chứng kiến cách đây 5 năm về trước, theo quan sát của chúng tôi, thời điểm này toàn bộ tuyến đường dài 37 km không còn lấy một chặng lành lặn, ổ voi, ổ trâu chằng chịt. Lái xe cũng như hành khách nào cũng vậy, mỗi lần qua tuyến đường này cứ như đang bị bạo hành thể xác bởi tài xế né được hố này lại sập hố kia. Quá kinh hãi, hầu như những lái xe riêng biết đường xuống cấp đành chấp nhận chen chúc đi qua nội thành Huế để khỏi bị hành. Cũng trên dọc tuyến, công nhân sửa đường đông nghịt, nhưng chỉ là duy tu để giải quyết tình thế bức bách trước mắt. Hình ảnh xe chở hồ, bê-tông, bên trên vài công nhân xúc hồ đổ xuống, bên dưới vài công nhân khác dùng xẻng đập đập, loe qua loe lại để lấp từng hố, nhưng rồi sau một cơn mưa nhỏ, nơi vừa lấp xong lập tức trở lại trạng thái cũ.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ đơn vị quản lý đường tránh thì hiện tại toàn tuyến đường này có tới gần 30.000 chỗ bị sình lún, ổ gà, ổ voi nặng, nhẹ và nhiều nơi bị nứt nẻ. Không chỉ mặt đường, nhiều cây cầu do chất lượng thi công kém cũng đang bong hết phần mặt cầu được thi công bằng bê- tông xi-măng, có nơi trơ cả cốt sắt thép lên mặt đường. Đặc biệt thời gian 2 tháng trở lại đây, do ảnh hưởng của mưa bão, sự hư hại của tuyến đường càng trở nên thậm tệ, mọi giải pháp khắc phục tạm thời của các đơn vị chức năng không thể phát huy tác dụng, vì cứ lấp xong, mưa xuống là tái “bệnh”.
Không chỉ các cơ quan chức trách mà ngay cả người dân thường xuyên qua đường đang đặt khá nhiều câu hỏi về nguyên nhân xuống cấp của tuyến đường. Có ý kiến cho rằng dự án bị rút ruột, cũng nhiều ý kiến cho rằng do vấn đề kỹ thuật... Đánh giá về vấn đề này, đại diện Cty CPQL&XDĐB TT-Huế nhận định: Yếu tố thời tiết, địa tầng phức tạp cũng là nguyên nhân nhưng phần khác còn do chất lượng công trình thiếu bảo đảm, các nhà thiết kế khi thực hiện chưa lường hết một số vấn đề kỹ thuật khi xây dựng nên tuyến đường đã nhanh chóng xuống cấp, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước cũng như đơn vị đảm nhiệm khâu quản lý về sau. Được biết, chỉ riêng từ năm 2008 đến nay, trên dưới 20 tỷ đồng đã được bỏ ra cho công tác duy tu, nhưng mọi nỗ lực đều vô nghĩa, bởi cứ sửa chỗ này, chỗ khác lại hư hỏng.
Trên thực tế, khó có thể tin cho nỗi một dự án đường mang cấp quốc gia, có giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng chỉ sau vài năm sử dụng đã hư hỏng hoàn toàn, chưa kể tiền của đầu tư duy tu bảo dưỡng hằng năm. Theo chúng tôi, để tuyến đường đảm bảo an toàn cho việc lưu thông của phương tiện về lâu về dài, có lẽ các cơ quan chức năng, ban, ngành có liên quan cần phải thực tế sâu sát, ngồi lại một bàn để tìm cách tháo gỡ, chứ không thể cứ mãi thực hiện theo điệp khúc: Duy tu bảo dưỡng kiểu giải quyết tình thế...
Quỳnh Chi