Kinh tế Quảng Nam có nhảy vọt trong những tháng cuối năm?

Thứ sáu, 09/06/2023 14:54
Theo báo cáo kinh tế-xã hội của UBND tỉnh Quảng Nam, trong 5 tháng đầu năm 2023, đại đa số các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nguồn thu tại các địa phương đều bị sụt giảm. Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, FDI, nhất là sản xuất công nghiệp giảm sâu và có dấu hiệu suy yếu.
Nguồn thu ngân sách của Quảng Nam phụ thuộc khá nhiều vào Ô-tô Trường Hải.
Nguồn thu ngân sách của Quảng Nam phụ thuộc khá nhiều vào Ô-tô Trường Hải.

Cụ thể, Quảng Nam có vị trí cuối cùng trong 10 địa phương có chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm sâu. Cụ thể, 5 tháng qua IIP giảm đến 33,2% so cùng kỳ năm trước. Ngành công nghiệp chế biến-chế tạo giảm 36,8%. Trong đó, sản xuất chế biến thực phẩm giảm 13,5%; chế biến gỗ , sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 50,2%; sản xuất thuốc, hóa dược-dược liệu giảm 88%, sản xuất xe có động cơ giảm 56,4%... Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 1,35 tỷ USD, giảm 31,07%. Kim ngạch xuất khẩu 618,52 triệu USD, giảm 20,57%, chủ yếu sản phẩm may mặc, giày các loại, chíp cảm ứng, kim may dệt, thủy sản đông lạnh… Kim ngạch nhập khẩu đạt 736,16 triệu USD, giảm 37,43%, gồm: bộ linh kiện, nguyên liệu, máy móc thiết bị của Công ty CP Ô-tô Trường Hải. Đầu tư công là lĩnh vực được kỳ vọng nhiều để giải cứu tăng trưởng cũng không mang lại kết quả như mong đợi. Cụ thể, tốc độ giải ngân quá chậm. Tính đến 31-5-2023 tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 13,5% , thấp so với cùng kỳ 2022 là 16,9%.

Cũng trong 5 tháng đầu năm 2023, tình trạng doanh nghiệp suy kiệt thể hiện rõ nét. Chỉ có 8 dự án đầu tư (1 FDI và 7 nội địa) được cấp phép mới. Doanh nghiệp thành lập mới và tái hoạt động giảm 8,64% , số lượng vốn đăng ký giảm 11,51% so cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp rời bỏ thị trường (giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động) tăng 8,28%. Theo kết quả khảo sát, chỉ có khoảng 44% doanh nghiệp cho biết sẽ có ý định mở rộng sản xuất, đầu tư, còn lại đều không kỳ vọng vào sự thay đổi của thị trường, thậm chí 24% doanh nghiệp cho rằng thời gian đến sẽ có nhiều khó khăn hơn. Theo ông Nguyễn Hưng-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Quảng Nam: thời gian đến sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục sụt giảm, nhất là các ngành chủ lực, như: dệt may, đồ gỗ, sản xuất, phân phối điện, sản xuất, lắp ráp ô-tô... Nhiều doanh nghiệp gặp khó về thị trường, như: thiếu hụt đơn hàng, nguồn vật tư khan hiếm, chi phí sản xuất tăng cao... và đối diện với áp lực trả nợ lớn nên chỉ duy trì hoạt động cầm chừng hoặc phải chuyển nhượng doanh nghiệp.

Trước thực trạng trên, ông Lê Trí Thanh-Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Mục tiêu hàng đầu của Quảng Nam từ đây đến cuối năm là tìm mọi biện pháp giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động… Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công… theo hướng vướng ở đâu gỡ chỗ đó, không để ách tắc kéo dài. Theo nhận định của Sở Kế hoạch-Đầu tư Quảng Nam, dù khu vực nông nghiệp, dịch vụ có tăng song không thể bù đắp mức suy giảm của các ngành khác. Vì thế, dự đoán GRDP năm 2023 của Quảng Nam sẽ giảm 5% (khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 13%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 9%).

Theo nhận định của ông Đặng Phong-Giám đốc Sở Tài chính, do nguồn thu ngân sách của Quảng Nam phụ thuộc vào Ô-tô Trường Hải. Thu ngân sách hay tăng trưởng không cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay là điều tất yếu song không phải là vấn đề để lo ngại. Hiện tại, nguồn thu ngân sách vẫn đáp ứng tiến độ, chưa bị hụt thu và nếu có cũng rất ít.

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, dù nguồn thu từ Trường Hải và thuế bảo vệ môi trường từ doanh nghiệp FDI có sụt giảm song khu vực tư nhân vẫn tăng trưởng tốt nên nguồn thu ngân sách năm 2023 của Quảng Nam vẫn đảm bảo theo dự toán. Điều đó cho thấy kinh tế vẫn phát triển khả quan, không ảm đạm như dự báo. Cũng theo nhiều người, một tín hiệu khả quan khác về tương lai nền kinh tế Quảng Nam sẽ có những bước phát triển nhảy vọt trong những tháng cuối năm 2023 là trong một phiên họp trực tuyến mới đây của Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái công bố trong 6 tháng cuối năm Chính phủ sẽ có những hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cụ thể cho doanh nghiệp, nhất là công nghiệp ô-tô nhằm tạo cơ hội phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng...

Như vậy, bức tranh kinh tế toàn cảnh của Quảng Nam vẫn có những gam màu tối, sáng xen kẽ song các doanh nghiệp và người dân vẫn có quyền hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn khi chính quyền tỉnh Quảng Nam có những quyết sách mới, như: siết lại kỷ cương công vụ, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hay gia tăng tỷ lệ giải ngân... để tạo đòn bẩy cho nền kinh tế phát triển trở lại.

M.T