Kỳ bí cổ vật Phật giáo Đà Nẵng

Thứ hai, 18/11/2013 12:56

* Bài 1:  Uy trấn chuông chùa Đà Sơn

(Cadn.com.vn) - Những bảo vật Phật giáo có từ hàng trăm năm nay đã được lưu giữ tại các cổ tự trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Mỗi cổ vật kể một câu chuyện huyền tích từ ngàn xưa và mang trong mình cả những thông điệp của các tiền nhân. Tìm hiểu giá trị những cổ vật Phật giáo này mới hiểu vì sao nó được lưu giữ qua hàng thế kỷ và được nhiều nhà  nghiên cứu xếp vào hàng Quốc bảo.

“Nói về chuông chùa thì ở Đà Nẵng không có chuông nào cổ và độc đáo hơn chuông chùa Đà Sơn"- anh Huỳnh Đình Quốc Thiện-Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng khẳng định khi nói về chuông cổ ở Đà Nẵng. Tôi lần dò tìm đến chùa Đà Sơn  ở P.Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu) để tìm hiểu và biết đó là chiếc chuông cổ hơn 250 tuổi, có từ thời vua Lê Hiển Tông (1755), từ các bậc lão niên đến những đứa trẻ ở Đà Sơn đều nằm lòng về huyền tích gắn với quả chuông này...

Theo bài văn tế được đọc thường niên trong lễ tế đình làng,  chùa Đà Sơn có thờ tượng một cụ bà bên hông có mang chiếc giỏ mò cua, bắt ốc. Tích xưa kể rằng, một buổi nọ bà xuống đồng làng bắt ốc, mò được một vật rất to và nặng nên báo dân làng Đà Sơn và dân làng Khánh Sơn góp sức xuống ruộng Vũng Điền đưa lên, thì ra đó là quả đại hồng chung. Cho rằng đó là điềm lành, bảo vật trời ban nên người dân cả hai làng Khánh Sơn và Đà Sơn đều muốn đưa chuông về làng mình nên xảy ra tranh chấp, thế là cùng kiện lên quan huyện, nghe chuyện vị quan bèn phán: "Bên nào khênh được quả chuông thì mang về lập chùa thờ cúng".

Lạ thay, dù dân làng Khánh Sơn cử rất nhiều tráng đinh đến khiêng, nhưng chẳng thể nào nhích chuông lên được. Khi đó, làng Đà Sơn chỉ cần  8 tráng đinh đã nhẹ nhàng khiêng chuông về. "Khi rước được chuông, dân làng Đà Sơn đã thiết lễ giữa thinh không, nguyện lập chùa thờ phụng. Lúc đó, dân làng định dựng chùa ở vị trí đẹp nhất thế nhưng khi khiêng đến vị trí chùa hiện tại thì dây đứt, làm thế nào cũng không thể nào khiêng lên nổi. Thế là chùa được dựng lên tại đó. Nghe mấy cụ già kể lại rằng, rước chuông, dựng chùa xong thì cuộc sống người dân khá lên hẳn, và mỗi khi chuông chùa được đánh lên ngân vang rất xa, còn xua đuổi được ma quỷ"-bác Nguyễn Thị Duyên (tổ 136-Hòa Khánh Nam) kể lại sự tích chuông cổ Đà Sơn.

Chùa Đà Sơn nơi gắn liền với truyền thuyết mò ốc được chuông.

Nếu như chuông chùa ở Cù lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An) mỗi khi đánh lên người trong đất liền cũng nghe rõ thì tiếng chuông Đà Sơn cũng ngân vang chẳng kém. Đại đức Thích Pháp Đạo-trụ trì chùa Đà Sơn kể: tương truyền một lần vua Minh Mạng ngự giá đến núi Bạch Mã nghỉ ngơi thì nghe chuông chùa Đà Sơn vang xa làm kinh động cả không gian nên vua lệnh cho dân làng Đà Sơn phải tìm cách giảm độ vang của chuông. "Đây chỉ là chuyện truyền khẩu trong dân gian thế nhưng khi kiểm tra chuông thì tôi phát hiện một mảnh đồng hình hoa thị đính trên lỗ định âm nhằm giảm bớt độ vang. Có lẽ vâng lệnh vua, các nghệ nhân thời đó đã cân chỉnh lại tiếng vang của chuông chăng"- trụ trì Thích Pháp Đạo lý giải.

Chiếc chuông cổ của chùa Đà Sơn.

Trải qua những biến thiên của lịch sử, không ít lần phải mang đi chôn cất để tránh bị truy thu đúc súng đạn, nhưng đến nay chuông chùa Đà Sơn vẫn còn giữ nguyên hình dạng và giá trị của nó. Các hình tiết và văn tự khắc trên chuông là một  sử liệu vô giá. Thân chuông khắc rõ, "Cảnh Hưng thập lục niên, đông quý nguyệt cốc nhật chú" tức chuông chùa Đà Sơn được đúc vào cuối năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755) và xuất xứ là "Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Thăng Hoa phủ, Lễ Dương huyện, Đà Sơn xã, toàn tựu Tây Linh tự". Không chỉ vậy, dòng minh văn Hán tự cũng thể hiện những người đóng góp đúc chuông: "Chuông do bổn đạo toàn xã và chư thiện nam tín nữ thập phương đàn việt, cô nhi quả phụ hiến cúng...".

Trên thân chuông còn khắc rõ: "Hồng chung trọng tứ bách ngũ thập cân", nghĩa là chuông nặng 450 cân. "Nghiên cứu chuông chùa Đà Sơn ta có thể thấy văn tự khắc trên thân chuông là di sản Hán-Nôm quý giá, ẩn chứa những cứ liệu lịch sử quan trọng. Bên cạnh đó, cấu trúc, hình dáng chuông với những họa tiết, hoa văn độc đáo và khá lạ so với những chuông khác"-anh Thiện cho biết. Chuông Đà Sơn có tạo hình khá đặc biệt và không cân đối, chiều cao hơn 1,2 m, nhưng đường kính miệng chuông chỉ rộng khoảng 0,6 m, quai chuông cao 0,3 m. Thêm một chi tiết nữa tạo nên sự khác biệt và nét độc đáo của chuông cổ chùa Đà Sơn, đó là số núm trên chuông gấp đôi chuông bình thường. Lẽ thường chuông có 4 núm tương ứng với 4 mặt đông -tây-nam-bắc. Nhưng chuông cổ Đà Sơn có đến 8 núm, mỗi núm có những thanh âm vang vọng khác nhau. Hình dáng của quai chuông cũng khác, ở các quả chuông khác quai chuông thường trổ hình rồng nhưng chuông cổ Đà Sơn là hình con bồ lao 2 đầu, 4 chân bám vào chuông, mặt ngoảnh về hai hướng, miệng ngậm ngọc.

Về chi tiết này, trụ trì Thích Pháp Đạo nói: "Theo thuyết dân gian thì rồng có 9 con và bồ lao là con thứ ba của rồng, là linh vật thích âm thanh lớn, tiếng kêu của nó rất to, vang xa, thường được đúc trên quai chuông với mong muốn chiếc chuông được đúc có âm thanh vang vọng. Theo tôi, những hình tiết được đúc trên chuông thể hiện sự giao thoa văn hóa Việt- Chăm, bởi nền văn hóa Chăm rất trọng thanh âm và nhạc khí".

Trải qua 250 năm tồn tại, chuông chùa Đà Sơn giờ đã trở thành bảo vật được bảo quản một cách cẩn thận và trong những dịp lễ tiếng chuông vẫn ngân vang mãi.

(còn nữa)

Minh Hà